Báo cáo về giải pháp tăng trưởng kinh tế năm 2019
Đăng ngày 03-07-2019 08:15, Lượt xem: 999

I. Kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2019

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2019 ước tăng 6,21%, thấp hơn mức tăng 7,24% của cùng kỳ 2018, trong đó: 

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, cao hơn mức tăng 1,15% của cùng kỳ, song do chỉ chiếm 1,85% trong cơ cấu kinh tế nên tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng GRDP chỉ đạt 0,77%.

- Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,94%, đóng góp 21,9% vào tăng trưởng GRDP , thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,84% của cùng kỳ  do: 

+ GRDP ngành công nghiệp 6 tháng chỉ tăng 5,68% (cùng kỳ 2018 tăng 9,41%) do chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1/2019 chỉ tăng 5,02% (quý 1/2018 tăng 8,64%) và tiếp tục giảm trong quý 2/2019, kết quả 6 tháng đầu năm 2019 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 4,02% so với mức tăng 7,8% của 6 tháng 2018 (KH tăng 7,2%), trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 4%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện ước tăng 5,6%; sản xuất nước và xử lý rác thải ước tăng 18%; công nghiệp khai khoáng ước giảm 19,8%. 

Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng có thuận lợi và tăng trưởng đối với một số phân ngành công nghiệp như: sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 64,5%; sửa chữa, lắp đặt máy móc thiết bị tăng 38,9%; sản xuất đồ uống tăng 33,5%; sản xuất trang phục tăng 30,7%; sản xuất thuốc và dược liệu tăng 26,5%; in ấn, xuất bản tăng 19,2%; sản xuất dụng cụ thể thao tăng 17%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 13,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,4%; sản xuất săm lốp cao su tăng 11,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 9,3%. Tuy nhiên, các ngành giảm hoặc tăng thấp đa số là các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp (chiếm gần 57%) như: dệt giảm 37% (Công ty CP Vinatex quốc tế tại Đà Nẵng dừng hoạt động phân xưởng dệt vải), sản xuất hóa chất giảm 6,5% do hàng tồn kho nhiều và thị trường kém thuận lợi hơn năm trước, đồng thời một số ngành chủ lực có mức giảm sâu như: chế biến thực phẩm (chế biến sữa giảm 20,3% do hàng tồn kho nhiều và doanh nghiệp đang triển khai đầu tư mặt hàng mới, chế biến thủy sản giảm 12% do thiếu nguyên liệu), sản xuất kim loại (sắt, thép) giảm 36% do nhà máy Dana-Ý, Dana-Úc dừng hoạt động và điện tử giảm 11% do Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng cắt giảm sản xuất…, đã ảnh hưởng lớn đến mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.  

+ GRDP ngành xây dựng 6 tháng tăng 2,29% (cùng kỳ 2018 tăng 2,6%), được đóng góp từ: vốn đầu tư phát triển của khu vực doanh nghiệp trong nước và dân cư ước tăng 4,45%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tăng 7,41%; tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn XDCB từ nguồn NSNN các tháng đầu năm 2019 có tăng so với 2018 nhưng vẫn còn chậm, đến ngày 10/6/2019 đã giải ngân 1.099 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch (năm 2018 đạt 17% kế hoạch). Ước chi XDCB 6 tháng là 1.968 tỷ đồng, đạt 37% dự toán (không kể dự nguồn chưa phân bổ cho các dự án), trong đó vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu (giao đợt 1) có tỷ lệ giải ngân đạt cao 91% kế hoạch.  

- Khu vực dịch vụ tăng 7,69%, đóng góp 72,87% vào tăng trưởng GRDP, cao hơn mức tăng 7,34% của cùng kỳ 2018 , trong đó tăng trưởng của một số ngành có tỷ trọng lớn vào tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ như sau: 

+ Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng 2019 ước tăng 13,1% so với cùng kỳ 2018, vượt kế hoạch đề ra song không nhiều (KH tăng 12%). 

+ Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ 6 tháng 2019 ước đạt 2,7 triệu lượt, tăng 19,4%, tăng cao so với kế hoạch đề ra (KH tăng 9,6%), trong đó khách quốc tế ước đạt 733 nghìn lượt, tăng 18,4% (KH tăng 10,1%)  song số ngày lưu trú bình quân của khách nội địa là 1,63 ngày/lượt và khách quốc tế là 1,94 ngày/lượt, giảm so với cùng kỳ 2018  nên doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành 6 tháng tăng 10,2%, vượt kế hoạch đề ra (KH tăng 8,1%) song tăng thấp so với tốc độ tăng của lượt khách. 

Dịch vụ thương mại và doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành 6 tháng 2019 không tăng trưởng nhiều so với kế hoạch nên không bù đắp được sự sụt giảm của ngành công nghiệp trong tổng GRDP của thành phố.

- Thuế sản phẩm 6 tháng 2019 tăng 2,31%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,19% của cùng kỳ 2018 cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng GRDP 6 tháng 2019. Theo số liệu thu NSNN, ước tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2019 tuy đạt 14.722,4 tỷ đồng, đạt 53,8% dự toán, trong đó: thu nội địa không kể tiền sử dụng đất ước đạt 10.706,5 tỷ đồng, đạt 51% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2018; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.942,3 tỷ đồng, bằng 49,8% dự toán, tăng 2% song các loại thuế được tính vào tăng trưởng GRDP như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nội địa chỉ tăng 0,12% và thuế giá trị gia tăng thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu giảm 5% so với cùng kỳ 2018, góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng của GRDP. 

Như vậy nhìn chung, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 có tăng trưởng so với cùng kỳ 2018 song do sản xuất công nghiệp, thuế sản phẩm giảm mạnh, khu vực dịch vụ tăng không đủ bù đắp sự sụt giảm của công nghiệp và thuế sản phẩm nên tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng 2019 chỉ tăng 6,21%, giảm 1% so với cùng kỳ 2018 (7,24%) và chưa đạt tiến độ kế hoạch đề ra.

II. Kịch bản tăng trưởng năm 2019

Trên cơ sở kết quả ước thực hiện 6 tháng đầu năm, dự kiến 02 kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 như sau:

1. Kịch bản 1

- Dự kiến 6 tháng cuối năm 2019 GRDP tăng 8,14%, trong đó: dịch vụ tăng 8,24%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,33%; nông nghiệp tăng 3,14%; thuế sản phẩm tăng 9,64%.

- Ước cả năm 2019 GRDP tăng 7,25%, trong đó: dịch vụ tăng 7,98%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,23%; nông nghiệp tăng 3,01%; thuế sản phẩm tăng 6,68%.

2. Kịch bản 2

- Dự kiến 6 tháng cuối năm 2019 GRDP tăng 8,45%, trong đó: dịch vụ tăng 8,15%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,31%; nông nghiệp tăng 3,00%; thuế sản phẩm tăng 10,27%.

- Ước cả năm 2019 GRDP tăng 7,42%, trong đó: dịch vụ tăng 7,94%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,75%; nông nghiệp tăng 2,95%; thuế sản phẩm tăng 7,06%.

III. Một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2019

1. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm phát triển, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh

a) Sở Công Thương, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp 

- Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi cho các ngành công nghiệp có khả năng tăng trưởng trong năm 2019 như: sản xuất đồ uống, trang phục, giấy, in, giường tủ bàn, ghế, sửa chữa lắp đặt máy móc thiết bị... để đạt mức tăng trưởng cao nhằm bù đắp cho sự sụt giảm của một số ngành; có giải pháp hỗ trợ về nguồn hàng, thị trường xuất khẩu đối với một số ngành công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng trưởng giảm trong 6 tháng đầu năm 2019 hoặc tăng thấp hơn so với năm 2018 như: chế biến thực phẩm (thủy hải sản...), thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ v.v..

- Đẩy mạnh hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chính cũng như doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới tạo ra giá trị tăng thêm cao; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp để tạo ra nền tảng cung cấp đa dạng cho thị trường đầu vào, cũng như đầu ra, giúp tăng quy mô thị trường.

- Tham mưu ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, Đề án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm, đặc sản địa phương thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. 

- Phối hợp triển khai làm việc, nắm tình hình hoạt động, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xử lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giữ gìn môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, tập trung vào kiến nghị của nhà đầu tư về mặt bằng sản xuất tại các KCN, cụ thể:  

+ Thăm và làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng như: Công ty TNHH TCIE Việt Nam (Nissan) về mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô Nissan tại Đà Nẵng; Công ty Mabuchi Motor Co., Ltd về mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử; Công ty TNHH Daiwa Việt Nam về mở rộng nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao; Công ty TNHH Điện tử FOSTER về việc cắt giảm sản xuất; Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước về tình hình sản xuất chế biến, xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu; Công ty Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP sản xuất & thương mại Hữu Nghị về tình hình sản xuất kinh doanh sản phẩm dệt may; một số doanh nghiệp công nghiệp có tỷ trọng đóng góp lớn cho công nghiệp thành phố như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Tổng Công ty Sông Thu; Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm về Dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2; Công ty MTV Điện lực Đà Nẵng về vấn đề ổn định điện cho sản xuất, kinh doanh và một số doanh nghiệp xây dựng đang thấu thầu thi công nhiều công trình lớn trên địa bàn thành phố như: Công ty CP VINACONEX 25, Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Dinco…

+ Tham mưu UBND thành phố xử lý kiến nghị của Dana - Ý, Dana - Úc dời xưởng cán nguội vào KCN Hòa Khánh hoặc KCN khác phù hợp.

+ Hỗ trợ nhà đầu tư, đôn đốc Bộ Công Thương hoàn thành thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu đối với dự án Sản xuất và lắp ráp ô tô các loại GAZ TD  để triển khai dự án theo quy định.

+ BQL Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trả lời cho nhà đầu tư về bổ sung đăng ký áp dụng quy định doanh nghiệp chế xuất Universal Alloy Corporation Asia Pte. LTD vào Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine ); sớm hoàn thành quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh  để tổ chức đấu thầu dự án theo quy định; theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư để sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất rô bốt điều dưỡng và máy nén y tế; sớm báo cáo UBND thành phố, giải quyết kiến nghị của Dự án Mở rộng nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao (Công ty TNHH Daiwa Việt Nam) về việc thuê đất để mở rộng đầu tư sản xuất theo đúng tiến độ.

- Xử lý nhanh những thủ tục hành chính của nhà đầu tư như: thẩm định điện, điện chiếu sáng, các loại giấy chứng nhận như xăng dầu, gas,... để doanh nghiệp sớm triển khai hoạt động. 

- Tiếp tục rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp để thu hồi, tạo quỹ đất bố trí cho doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh và mở rộng dự án trong thời gian đến. Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng cơ bản Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ giai đoạn 1. Tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; tiếp tục triển khai thi công, bàn giao đưa vào sử dụng hạ tầng kỹ thuật của Dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; chuyển đổi Khu phụ trợ Khu Công nghệ cao theo hướng nhập vào Khu Công nghệ cao và đề xuất thành lập cụm công nghiệp phụ trợ; triển khai lập đề án Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng sang đất dịch vụ - thương mại, đề án Di dời Khu công nghiệp Đà Nẵng và quy hoạch các khu công nghiệp mới.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa các hoạt động kết nối hàng Việt với thương mại điện tử nhằm tăng hiệu quả quảng bá, kết nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến công, hỗ trợ sản xuất sạch hơn; hỗ trợ sản xuất sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ du khách nhằm tăng sức mua của du khách. 

- Tổ chức hiệu quả các cuộc hội chợ triển lãm năm 2019; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các chương trình bán hàng khuyến mãi nhằm thúc đẩy tiêu dùng mua sắm, nhất là các dịp lễ hội pháo hoa để góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa.

b) Sở Du lịch 

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển thị trường khách du lịch nội địa 2019 - 2020, Kế hoạch đa đạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế 2019 - 2021, trong đó chú trọng: xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp, tổ chức các chương trình quảng bá du lịch ở các thị trường tiềm năng, tăng cường quảng bá thông qua các trang mạng xã hội...

- Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường khách du lịch, chú trọng thị trường khách thượng lưu; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chủ lực, khác biệt, có sức cạnh tranh cao, đưa vào khai thác các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, các dịch vụ giải trí, mua sắm v.v.. để kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao chi tiêu của du khách, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu lưu trú, ăn uống, doanh thu bán lẻ hàng hóa v.v.. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

- Tổ chức triển khai điều tra khảo sát khách du lịch để tính toán tác động của du lịch trong GRDP thành phố. Tập trung xây dựng Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch và Đề án ngưỡng phát triển du lịch để bảo đảm cho du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục chuẩn bị và tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Hội chợ ITE thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Hồng Kông, Ấn Độ, Singapore, Malaysia,...; bổ sung thêm các hoạt động xúc tiến du lịch tại Ấn Độ, Châu Âu. Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, đơn vị vận chuyển khách du lịch, khách sạn, khu điểm du lịch.

- Thăm và làm việc với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh như: Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (SUN GROUP) về mở rộng sân golf, dự án Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Tập đoàn Vingroup về dự án Làng Vân, Future Property Invest; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores về dựa án sân golf Hòa Phong - Hòa Phú; Công ty cổ phần PPC An Thịnh về Dự án Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng; Công ty CP Kim Long Nam về Dự án Tháp 1&2 Đà Nẵng Times Square; Công ty Cổ Phần Du Lịch và Tiếp thị Giao Thông Vận Tải Việt Nam - VIETRAVEL - Chi nhánh Đà Nẵng về tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành…

d) Sở Thông tin và Truyền thông

- Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0, Đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

- Tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin (hoàn thành thủ tục đầu tư, mở rộng các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung); Xây dựng cơ chế chính sách (bảo đảm về khai thác, chia sẻ hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông, huy động nguồn lực ngân sách và xã hội hóa cho việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông; hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển hạ tầng viễn thông 5G, mạng thế hệ mới); Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (phát triển Chính quyền điện tử; triển khai xây dựng Thành phố thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng xây dựng sản phẩm, gia tăng về giá trị, giảm bớt gia công).

- Thăm và làm việc với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về Dự án Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng (Đầu tư xây dựng và vận hành tòa nhà văn phòng cho thuê trong lĩnh vực công nghệ cao, ICT và khởi nghiệp); Công ty TNHH Phần mềm FPT tại Đà Nẵng về giai đoạn 2 của dự án; Viễn Thông Đà Nẵng về thông báo nghiên cứu đầu tư tại Dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay…

đ) Cục Thuế thành phố

- Thực hiện có hiệu quả Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế”; giám sát chặt chẽ các cơ sở lưu trú, lữ hành trên địa bàn thành phố kê khai doanh thu chưa đúng với thực tế lượt khách, ngày lưu trú; các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn.

2. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Thường xuyên theo dõi, tiếp nhận, xử lý nhanh chóng các đề xuất, hiến kế, kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Thường trực Thành ủy tình hình giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp theo định kỳ. 

- Thăm, làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án đã được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/ Quyết định chủ trương đầu tư và Thông báo nghiên cứu đầu tư tại Tọa đàm mùa xuân 2019; thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, báo cáo UBND thành phố về tình hình triển khai các thủ tục đầu tư; tổng hợp các khó khăn vướng mắc để đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục, sớm triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Tham mưu, báo cáo UBND thành phố xử lý các kiến nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp theo Kết luận của Thành ủy tại các buổi làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn như: kiến nghị của Công ty Cổ phần Vinpearl (theo Kết luận tại Công văn số 3058-CV/TU ngày 22-3-2019 của Thường trực Thành ủy); Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (theo Kết luận tại Công văn số 2559-CV/TU ngày 22-3-2019 của Thường trực Thành ủy)…

- Triển khai thực hiện Đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư”; xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện các thủ tục đầu tư và trực tiếp đôn đốc, theo dõi, giám sát, tổng hợp và báo cáo tình hình triển khai cho lãnh đạo thành phố (từ giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư đến việc cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công dự án). 

- Xây dựng và đưa vào vận hành thí điểm phần mềm “Quản lý, giám sát các dự án đầu tư” nhằm theo dõi giám sát quy trình xử lý, có hệ thống cảnh báo, giám sát đối với các thủ tục, giai đoạn quá hạn xử lý, tích hợp trên các thiết bị di động thông minh; giúp lãnh đạo thành phố nắm được những khó khăn, vướng mắc của từng dự án để tìm cách tháo gỡ kịp thời.

- Xây dựng Đề án “Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố đến năm 2025” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. 

b) Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố

- Tập trung chuẩn bị thủ tục xúc tiến các dự án trọng điểm động lực cần thu hút đầu tư. Xúc tiến các dự án shopping mall, cửa hàng outlet, duty free. 

- Tổ chức hiệu quả các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm, tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng; các hoạt động trong chương trình xúc tiến đầu tư 2019 của thành phố.

- Ban hành danh mục các lô đất sạch để kêu gọi đầu tư. 

3. Hỗ trợ nhà đầu tư, cá nhân rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng

- Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung ưu tiên xử lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, cấp Giấy phép xây dựng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cá nhân nhanh chóng triển khai đầu tư đối với các dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, các công trình nhà ở tư nhân nhằm đóng góp trực tiếp vào giá trị tăng thêm (GRDP) ngành xây dựng, đồng thời tạo thêm các sản phẩm, dịch vụ đóng góp cho tăng tưởng của các ngành công nghiệp, dịch vụ cũng như tạo ra giá trị tích lũy cho tăng trưởng của thành phố.

- Hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục để sớm triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể:

+ Dự án Tháp ven sông : Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính sớm hoàn tất thủ tục xác định giá đất gửi Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt để nhà đầu tư thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan để có cơ sở triển khai dự án.

+ Dự án DANANG GATEWAY (xây dựng khu phức hợp chung cư cao tầng, trung tâm thương mại - tài chính, casino, khu vui chơi giải trí ): Sở Xây dựng phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm cơ sở lập Phương án đấu giá QSDĐ cho dự án.

+ Dự án Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (tổng mức đầu tư sơ bộ 11.439 tỷ đồng, đầu tư và vận hành khu tổ hợp chung cư cao tầng, khán đài và trường mẫu giáo ): Trung tâm Phát triển quỹ đất hoàn thiện Phương án đấu giá gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài chính xác định giá đất khởi điểm, gửi Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt để tổ chức đấu giá theo quy định.

+ Dự án Câu lạc bộ cưỡi ngựa Việt Nam (đầu tư và vận hành Trường đua ngựa và Trang trại nuôi ngựa): UBND huyện Hòa Vang và Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đất thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch chi tiết 1/500 và các thủ tục có liên quan khác để được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại và cho tổ chức kinh tế trong nước thuê để thực hiện nuôi khảo thí ngựa theo hợp đồng.

+ Dự án Khu du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí tổng hợp và Sân Golf Bà Nà Suối Mơ (xây dựng và vận hành Khu du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí tổng hợp và Sân Golf): Sở Xây dựng làm việc với Bộ Xây dựng để sớm có ý kiến thống nhất về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết TL 1/500 cho dự án.

+ Dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay (xây dựng khu công viên phần mềm và các tiện ích đi kèm phục vụ phát triển hoạt động công nghệ thông tin): Sở Tài nguyên và Môi tường, Sở Xây dựng hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về quy hoạch, môi trường để triển khai các bước tiếp theo.

+ Dự án Trung tâm chẩn đoán và điều trị đa khoa quốc tế (đầu tư và vận hành Trung tâm chẩn đoán và điều trị đa khoa chất lượng cao): Trung tâm Phát triển quỹ đất lập Phương án đấu giá QSDĐ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài chính xác định giá đất, gửi Hội đồng thẩm định giá thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt giá đất khởi điểm tổ chức đấu giá theo quy định.

+ Dự án Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng (đầu tư xây dựng và vận hành tòa nhà văn phòng cho thuê trong lĩnh vực công nghệ cao, ICT và khởi nghiệp): Sở Xây dựng hướng dẫn nhà đầu tư, thực hiện các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng công trình theo quy định.

+ Dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án.

- Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện Quy chế phối hợp, trách nhiệm của từng đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. UBND các quận, huyện rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đất tái định cư không vượt quá 05 ngày làm việc đối với kiểm tra ban hành quyết định giao đất và không quá 03 ngày đối với thẩm tra ký Giấy chứng nhận. 

- Triển khai thí điểm quy trình gộp thủ tục hành chính (3 trong 1): Thẩm định thiết kế cơ sở - thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công - cấp phép xây dựng (Quyết định số 120/QĐ-SXD ngày 19/4/2019 của Sở Xây dựng); theo đó thời gian thực hiện tối đa là 50 ngày (tương đương 36 ngày làm việc), giảm 30 ngày so với quy định; giảm số lần đi lại của các cá nhân tổ chức.

4. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm

Tập trung triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã ban hành tại các Quyết định số 731/QĐ-UBND và Quyết định số 852/QĐ-UBND, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thi công triển khai đảm bảo tiến độ các công trình động lực, trọng điểm. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, sớm khởi công công trình. Chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm và không gây nợ đọng XDCB, theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kịp thời đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thanh toán khối lượng hoàn thành… 

Tiếp tục thực hiện Thông báo số 331-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; thực hiện Kết luận số 171-KL/TU ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Thành ủy, Nghị quyết số 164/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2018 của HĐND thành phố Về danh mục các dự án động lực, trọng điểm cần tập trung, triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công công trình; gấp rút hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đảm bảo khởi công các công trình trong năm 2019 theo đúng tiến độ đề ra như: khởi công 02 lối xuống biển ; Tuyến đường ven biển phía Đông các khu du lịch; Dự án cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng; Nhà máy nước Hòa Liên; Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601; Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; Dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà; Nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn; Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại Bãi rác Khánh Sơn; Dự án đầu tư các Trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố; Nút giao Quốc lộ 1A - Trục I Tây Bắc và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao Quốc lộ 1A đến đường sắt; Khu công viên phần mềm số 2; Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng; Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng; Trung tâm tim mạch Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng (giai đoạn 2) v.v..

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng


 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT