Hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch COVID-19 mức 3 triệu đồng/hộ
Đăng ngày 15-02-2022 09:24, Lượt xem: 973

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 21-1-2022 về việc triển khai thực hiện việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch COVID-19 theo khoản 21 Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, với yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và sự tham gia, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Theo đó, tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng là hộ có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố, bình quân từ 2.500.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn và từ 3.000.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị, bao gồm:

-Hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, làm muối không phải đăng ký hộ kinh doanh;

-Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau: buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến; thực hiện các dịch vụ: đánh giày, sửa chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, vẽ tranh, chụp ảnh có hoặc không có địa điểm cố định.

Điều kiện hỗ trợ là bị mất việc làm hoặc phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID- 19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021; có hộ khẩu thường trú hoặc có sổ tạm trú dài hạn do cơ quan Công an cấp theo quy định, kể từ ngày 1-5-2021 trở về trước và chưa được hỗ trợ theo Kế hoạch so 135/KH-UBND và khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện hỗ trợ theo hộ (hộ có thể là 1 người hoặc nhiều người làm cùng công việc hoặc làm khác công việc), với mức 3.000.000 đồng/hộ/lần. Mỗi hộ kinh doanh, người lao động, mỗi đối tượng chỉ được nhận một suất hỗ trợ cao nhất. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 28-2-2022.

Chống trùng đối tượng theo nguyên tắc lấy danh sách đối tượng bảo trợ xã hội, danh sách người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công làm gốc, lấy danh sách hộ kinh doanh/người buôn bán, người làm dịch vụ được hỗ trợ theo Kế hoạch này chống trùng với các danh sách đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công. Nếu trùng thì chỉ hỗ trợ khoản kinh phí chênh lệch sau khi trừ đi phần kinh phí đã nhận trước của đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công theo chính sách hỗ trợ của Kế hoạch số 135/KH-UBND và Công văn số 454/UBND-SLĐTBXH ngày 21-1-2022.

Cụ thể, đối tượng hộ kinh doanh/người buôn bán, người làm dịch vụ được hưởng 3.000.000 đồng/người/lần, nếu trùng với danh sách đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì chỉ được hưởng 2.500.000 đồng/người/lần (do đã trừ đi 500.000 đồng đã nhận, còn lại 2.500.000 đồng). Đối tượng hộ kinh doanh/người buôn bán, người làm dịch vụ được hưởng 3.000.000 đồng/người/lần, nếu trùng với danh sách đối tượng người có công thì chỉ được hưởng 1.500.000 đồng/người/lần (do đã trừ đi 1.500.000 đồng đã nhận, còn lại 1.500.000 đồng).

UBND thành phố ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng quy định tại Kế hoạch này. Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ phân công các địa phương, đơn vị thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra hồ sơ trước khi quyết định phê duyệt danh sách và kinh phỉ hỗ trợ cho các đối tượng.

UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này, theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện. Phối hợp tổ chức triển khai, tuyên truyền các chính sách được quy định đến toàn thể người dân, doanh nghiệp nhất là về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và hồ sơ được hưởng chính sách của các nhóm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố để giám sát quá trình thực hiện hỗ trợ. Hằng tuần tổng hợp kết quả về số lượng được hỗ trợ báo cáo Chủ tịch UBND thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện kịp thời việc hướng dẫn các cơ quan báo chí, Đài truyền thanh quận/huyện và hệ thống thông tin cơ sở thành phố tuyên truyền, đăng tải các văn bản quy định hỗ trợ của Trung ương, kế hoạch, hướng dẫn của thành phố đến các tổ chức, cá nhân và nhân dân. Chỉ đạo Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (Tổng đài 1022) tiếp nhận thông tin và phối hợp với Tổ giúp việc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kịp thời giải đáp thắc mắc các nội dung liên quan đên chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, giải đáp các chính sách đến các đối tượng thuộc lĩnh vực sở, ngành quản lý. Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức tuyên truyền kịp thời các văn bản quy định của Trung ương, thành phố liên quan đến thực hiện chính sách này.

UBND các quận, huyện căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg và Kế hoạch này chỉ đạo các phòng, ban, UBND các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân và toàn thể người dân trên địa bàn. Chỉ đạo UBND xã/phường căn cứ quy định, thành lập bộ phận thẩm định, kiểm tra hồ sơ các đối tượng trước khi trình Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chức năng liên quan thẩm định danh sách đề nghị hỗ trợ trước khi tham mưu trình Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành có liên quan, các xã/phường nghiêm túc thực hiện đảm bào đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của thành phố; bố trí cán bộ và nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuận lợi, khoa học. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm hoặc gây khó khăn cho các đối tượng.

Đối với huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương và 70% nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện. Các quận lập dự toán kinh phí thực hiện theo Kế hoạch này (bao gồm các đối tượng do Phòng LĐTB&XH và các phường quản lý) gửi Sở Tài chính kiểm tra, tổng hợp trình UBND thành phố bổ sung dự toán để thực hiện.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT