Đi qua những ngày mưa
Đăng ngày 19-10-2023 15:03, Lượt xem: 295

Nằm ở “khúc ruột miền Trung”, Đà Nẵng là vùng đất thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, gây nhiều tổn thất không nhỏ. Đợt mưa lớn suốt những ngày qua khiến nhiều vùng trũng trên địa bàn thành phố ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chính trong thời điểm khó khăn ấy, sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp không chỉ góp phần giảm thiểu thiệt hại mà còn trở thành chỗ dựa, nhân lên niềm tin trong nhân dân.

Chủ động, kịp thời ứng phó với mưa lớn

Từ ngày 13 và 14/10, những cơn mưa trút nước như không hề dứt. Thành phố trắng xóa dưới trời mưa, nhiều khu vực vùng trũng trên địa bàn thành phố chìm trong nước. Rút kinh nghiệm từ trận mưa lịch sử năm ngoái (14-10), ngay từ khi có dự báo mưa lớn, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã có Công điện khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất.

Ngay trong chiều tối 13-10, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trực tiếp đến kiểm tra tại khu vực Khe Cạn (quận Thanh Khê) và tuyến đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu) để chỉ đạo sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm kịp thời hỗ trợ nhân dân.


Mưa lớn khiến nhiều vùng trũng trên địa bàn thành phố ngập lụt

Lực lượng Công an thành phố đã huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ. Công an 56 xã phường ra sức bám địa bàn cơ sở, xuống tận những vùng trũng thấp vận động, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di chuyển tài sản và con người đến nơi an toàn. Công an quận, huyện triển khai lực lượng giăng dây, khoanh vùng các điểm ngập nặng để tránh phương tiện giao thông đi vào.

Chỉ trong đêm 13-10 và rạng sáng 14-10, Tiểu đoàn cảnh sát cơ động với hơn 200 cán bộ chiến sĩ đã giúp dân sơ tán di dời tài sản tại khu vực đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu tập trung tại quận Liên Chiểu.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã điều động 433 cán bộ/chiến sĩ ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã điều động 200 lượt cán bộ/chiến sĩ hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển và các điểm sạt lở đường khu vực đèo Hải Vân.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiểm tra tình hình mưa lũ vào ngày 13-10

Chỉ đạo nóng tại hiện trường vào sáng 14-10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu lực lượng vũ trang thành phố tiếp tục tổ chức ứng trực giúp đỡ nhân dân, đồng thời vận chuyển lương thực thực phẩm đến những nhà dân ở bên trong khu vực bị chia cắt, tuyệt đối không để dân đói, rét, không có chỗ ở.

Tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương về ứng phó với mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất trên địa bàn thành phố vào trưa 14-10, Chủ tịch Lê Trung Chinh đã lưu ý các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục mở rộng các địa bàn xung yếu, nếu người dân nào đang ở trong vùng nguy hiểm thì phải khẩn trương di dời, không để trận lụt lịch sử năm 2022 lặp lại.


Lực lượng Công an bố trí phương tiện để hỗ trợ người dân đến nơi an toàn

Trước đó, từ những ngày cuối tháng 9, Đà Nẵng huy động các lực lượng ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh trên toàn địa bàn thành phố. Liên tục trong những ngày cuối tuần, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đi kiểm tra, chỉ đạo sát sao công tác nạo vét, khơi thông cống rãnh. Cùng với đó, người dân thành phố đã chủ động nạo vét các hố ga, đường cống thoát nước trong nhà.

Nhờ vậy, trong đợt mưa lớn vừa rồi, các tuyến cống thoát nước nhanh chóng, nhiều tuyến đường trước đây khi có mưa lớn là ngập như Hoàng Diệu, Hàm Nghi, Quang Trung,..đã thoát khỏi cảnh ngập.

Mưa lớn đi qua, lòng người ở lại

Thời điểm người dân đang “oằn” mình giữa mênh mông biển nước, sự đồng hành của chính quyền thành phố, những hành động mang ý nghĩa nhân văn của các cá nhân, tổ chức trong cơn hoạn nạn là hết sức quý giá, không thể đong đo.

Gia đình ông Nguyễn Hùng (trú đường Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu), là một trong những hộ dân bị nước ngập vào nhà. Ông cho biết, ngay từ chiều 13/10, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã đến tận từng nhà để vận động, di dời người dân đến nơi an toàn. Nhờ có sự chủ động từ sớm, tất cả người dân đều an toàn khi mực nước dâng cao.


Tình quân - dân trong mưa lũ

Tại khu vực “rốn lũ” đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam), bà Hồ Thị Minh Liên chia sẻ: “Nhà tôi bị ngập 1,3m. Ở khu vực này, mỗi khi mưa lớn đến là cả nhà lại thức trắng đêm lo lắng vì sợ. Rất may được chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng hỗ trợ, sơ tán đến nơi an toàn và quan tâm lo ăn uống nên tôi cảm thấy yên tâm và ấm lòng lắm...".


Tuổi trẻ thành phố tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt

Ngay thời điểm nước lên cao ở các khu vực dân cư quận Liên Chiểu, Thanh Khê…, chiếc xe bán tải do anh Hồ Ngọc Thanh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Chuyến xe vạn tình 0 đồng Đà Nẵng lại tất bật ngược xuôi chở các suất cơm ấm nóng đưa xuống tận tay người dân vùng ngập lụt.

Anh Thanh cho biết, từ đêm 13-10, nhóm của anh đã huy động được nhiều xuồng phao cứu sinh, trực tiếp lội xuống những khu dân cư ngập lụt để bồng trẻ con, người già ra nơi an toàn.

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, trong sáng 14-10, Thành Đoàn Đà Nẵng đã chỉ đạo cho 56 Đội hình Thanh niên tình nguyện ứng phó với các tình huống mưa bão nhanh chóng ra quân khơi thông các cống thoát nước, hỗ trợ nhân dân kê dọn đồ đạc, bảo vệ tài sản và tiếp tế nhu yếu phẩm.

Dù trời vẫn còn mưa to và mực nước ngập úng khá cao song nhiều bạn đoàn viên thanh niên không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con vùng ngập lụt, hỗ trợ người dân tát nước mưa ra khỏi nhà.

Cạnh đó, các thanh niên tình nguyện đến từ Đội SOS của Đoàn trường Đại học Đông Á và Quận Đoàn Liên Chiểu đã có mặt tại khu vực Kiệt 163 đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để sửa xe miễn phí cho bà con có xe bị hư hỏng do ảnh hưởng của đợt mưa lớn.


Thanh niên tình nguyện đến từ Đội SOS của Đoàn trường Đại học Đông Á và Quận Đoàn Liên Chiểu sửa xe miễn phí cho người dân có xe bị hư hỏng do ảnh hưởng của đợt mưa lớn

Anh Lê Đình Lượng, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Đông Á cho biết: "Đây đều là các bạn sinh viên có chuyên môn, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm hỗ trợ người dân sửa chữa xe máy trong trận ngập lịch sử tháng 10-2022 và hỗ trợ sửa xe cho bà con từ phía Nam về quê tránh dịch COVID-19", anh Lượng nói.

Những việc làm bình dị nhưng giàu ý nghĩa nhân văn của người dân thành phố đã giúp lan tỏa truyền thống tương thân tương ái, tinh thần sẻ chia trong cộng đồng xã hội.

Với sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành cùng sự đồng thuận của người dân trong chủ động ứng phó thiên tai đã giúp thành phố giảm thiểu thiệt hại về người và của.

THANH HẢI - HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác