Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2024 vừa được HĐND thành phố thông qua có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi cả hệ thống chính trị nỗ lực, tăng tốc ngay từ những ngày cuối cùng của năm 2023.
Đà Nẵng với khát vọng phát triển trên chặng đường mới
Theo Nghị quyết của HĐND thành phố, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố (GRDP) ước tăng 8-8,5%. Như vậy, dự kiến quy mô nền kinh tế đạt mức khoảng 165.000 tỷ đồng, mở rộng thêm khoảng 30.000 tỷ đồng so với năm 2023. Để đạt được mức tăng GRDP từ 8 đến 8,5%, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8,5-9%; công nghiệp - xây dựng ước tăng 6-6,5%; nông, lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 2-2,5%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 14,5% so với năm 2023.
Tuy nhiên, trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng hiện nay, lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 70% và khó có đột phá lớn trong năm 2024, trong khi ngành công nghiệp – xây dựng tiếp tục bị thu nhỏ, chỉ chiếm hơn 18% trong quy mô toàn ngành kinh tế Đà Nẵng. Do đó, có nhiều ý kiến bày tỏ đây là điều rất khó trong bối cảnh doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi.
Khó, nhưng không thể vì sợ khó mà thiếu quyết tâm, nỗ lực. Chúng ta hãy nhìn về phía trước với sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất cho một tương lai phát triển của Đà Nẵng trong vài chục năm đến. Đà Nẵng cần vượt qua các thách thức, triển khai các chương trình hành động lớn, mang tính động lực phát triển cho thành phố không chỉ trong nhiệm kỳ này mà với một tư duy phát triển, tầm nhìn dài hạn.
Chính vì vậy, chủ đề năm 2024 là “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đà Nẵng.
Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội 2024, Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, triển khai quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội như giải ngân đầu tư công, tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án động lực, trọng điểm, đẩy mạnh thu hút đầu tư với trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số, phát triển khu vực du lịch dịch vụ, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp,…gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Năm 2024 - là năm thành phố khẩn trương triển khai Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt các Đề án Khu phi thuế quan, Trung tâm tài chính khu vực, bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù hơn đối với thành phố Đà Nẵng.
Các cơ sở pháp lý này sẽ tạo nền tảng để Đà Nẵng tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “khơi thông” và thu hút thêm nhiều nguồn lực để phát triển.
Cùng với việc thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế xã hội, một trong những nội dung quan trọng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2024 và những năm sắp đến, đó là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Việc thực hiện Chỉ thị số 34 phải đi vào chiều sâu, thực chất, tránh tình trạng hình thức, phải được triển khai xuyên suốt, cụ thể gắn với việc thực thi đạo đức công vụ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, ở nhiều địa phương, đơn vị, việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng cần kịp thời, sát thực tế; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Trong đó, người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải thực sự nêu gương, truyền lửa, đồng hành, dẫn dắt để khơi dậy khát vọng cống hiến vì sự phát triển của thành phố. Mỗi một cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần phải vượt qua “căn bệnh” so đo, đố kỵ, sợ trách nhiệm hay nói cách khác đó là chủ nghĩa cá nhân để hướng về cái chung với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là với việc mới, việc khó bằng “cái tâm” động cơ trong sáng.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm giải trình trước nhân dân trong mỗi đơn vị, từng cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Thực hiện có hiệu quả trách nhiệm giải trình sẽ góp phần tạo sự chuyển biến, thay đổi, nâng cao đạo đức công vụ, từ đó góp phần xây dựng bộ máy quản lý nhà nước vững mạnh.
Đà Nẵng có hơn hai thập niên phát triển với những đổi thay kỳ diệu từ bộ mặt đô thị, kinh tế xã hội đến đời sống của mỗi người dân. Nhưng hành trình đấy cũng không hề dễ dàng, con tàu Đà Nẵng cũng đã qua bao “trắc trở”, “tròng trành”. Nhìn lại ngày hôm qua để thấy rằng, sức mạnh đồng thuận chính là nhân tố quyết định cho những bước phát triển của Đà Nẵng trong hơn hai thập niên vừa qua.
Và hôm nay, sức mạnh đồng thuận đó phải tiếp tục phát huy, nhân lên, mạnh mẽ hơn nữa để thắp lên khát vọng phát triển Đà Nẵng, lan tỏa đến từng người dân Đà Nẵng trên một chặng đường mới, cho một tương lai phát triển Đà Nẵng để cuộc sống của mỗi người dân được hạnh phúc hơn.
HOÀNG PHAN