Đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Đăng ngày 06-08-2024 10:05, Lượt xem: 60

Đà Nẵng là một trong những địa phương được đánh giá đạt được nhiều kết quả khả quan về chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng được thực hiện đồng bộ dựa trên ba trụ cột về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và quá trình đó góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) dựa trên sự công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền.

Tạo nền nền tảng để người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền trên môi trường số

Nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại: Mạng đô thị dùng riêng (Mạng MAN) với tổng chiều dài tuyến cáp quang trên 450km đi ngầm, kết nối đến 175 cơ quan, đơn vị, với băng thông kết nối ra Internet đạt 1,3Gbps; hạ tầng cáp viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông đã được quang hóa gần như toàn bộ với khoảng 3.400 km. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã triển khai kết nối các cơ quan Đảng, Nhà nước từ thành phố đến cấp xã, phường...

Hạ tầng viễn thông, liên lạc được đầu tư, hoàn thiện. Thành phố hiện có gần 2.500 trạm thu phát sóng viễn thông, phủ sóng 4G, Internet băng rộng cố định đến 100% khu vực dân cư; đã triển khai thử nghiệm mạng 5G của Viettel với 52 trạm phát sóng; 300 điểm WiFi công cộng miễn phí; khoảng 1000 điểm wifi của các doanh nghiệp triển khai miễn phí tại các khu vực sân bay, nhà ga, các bệnh viện, trung tâm y tế… giúp người dân thành phố có thể kết nối Internet tốc độ cao gần như mọi lúc, mọi nơi.


Thành phố đã triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích số để người dân, doanh nghiệp sử dụng và có thể tương tác với chính quyền trên môi trường số

Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích số để người dân, doanh nghiệp sử dụng và có thể tương tác với chính quyền trên môi trường số như: Ứng dụng di động đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City, Nền tảng công dân số My Portal, Nền tảng hành trình số, Ứng dụng Góp ý, phản ánh, Ứng dụng Cứu hộ, Ứng dụng Cho và Nhận, Ứng dụng Danabus, ...  

Theo thống kê, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động tại Đà Nẵng đứng đầu toàn quốc với tỷ lệ 276 máy/100 dân; điện thoại thông minh 105 máy/100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân. Tỷ lệ người dân có tài khoản định danh điện tử đạt khoảng 90%; 45% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số; khoảng 4% người dân trưởng thành có chữ ký số cá nhân.

Đây là những điều kiện cơ bản, là tiền đề để trang bị khả năng “truy cập số” cho người dân. Nói cách khác, người dân có điều kiện, cơ hội tiếp cận thông tin công khai, minh bạch, chính thống, được sử dụng các ứng dụng chính quyền số để theo dõi, góp ý hoạt động của chính quyền thành phố trên môi trường số. Qua đó, phát huy được vai trò làm chủ, thực hiện giám sát hoạt động các cơ quan chính quyền, nhất là các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực.

Đẩy mạnh CCHC, tuyên truyền PCTNTC trên môi trường số

Xác định mục tiêu “Cải cách hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, gắn công tác CCHC trong thực hiện chuyển đổi số. Có nhiều ứng dụng chính quyền số theo hướng phục vụ CCHC, nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin, tăng cường tương tác với người dân trên môi trường số được triển khai.


Trong những năm qua, công tác CCHC luôn được các cấp chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo, gắn công tác CCHC trong thực hiện chuyển đổi số.

Đến nay, Đà Nẵng có 1.825 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.894 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 96,36%) và đảm bảo 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được triển khai toàn trình; tích hợp 1.506 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 79,51% (vượt chỉ tiêu toàn quốc gia năm 2023 là 40%). Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 98%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 94% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 50%). Với Nền tảng Cổng Dịch vụ công, thành phố đã triển khai thêm các thủ tục hành chính ngoài một cửa, các dịch vụ sự nghiệp công.

Đặc biệt, từ tháng 8-2023, thành phố đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Đà Nẵng (Trung tâm IOC) gồm 01 Trung tâm IOC cấp thành phố và 07 OC quận huyện; cung cấp 15 nhóm dịch vụ thông minh với 159 dịch vụ giám sát và 52 dịch vụ phân tích, cảnh báo sớm phục vụ chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo thành phố, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp. 

Với chức năng giám sát và công khai thông tin được hỗ trợ bởi công nghệ thông minh, Trung tâm IOC nhận diện, giám sát, cảnh báo các vấn đề cần quan tâm hoặc các vi phạm trong phạm vi đô thị, xử lý góp ý, phản ánh của tổ chức, công dân; Cung cấp dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính; Thông tin trên môi trường mạng;… Kết quả giám sát được chuyển đến cơ quan, địa phương có thẩm quyền xử lý kịp thời; các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có thể giám sát các nội dung này, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.


Từ tháng 8-2023, thành phố đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Đà Nẵng

Trên lĩnh vực phát triển dữ liệu số, thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế TIER III; trang bị các thiết bị, phần mềm an toàn thông tin chuyên dụng, cơ bản bảo đảm hạ tầng lưu trữ, tính toán để triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Từ năm 2023, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng 03 dịch vụ từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư trong cung cấp dịch vụ công, đặc biệt cấp File số thay thế thành phần hồ sơ phải nộp/xuất trình (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy xác nhận,...); bắt đầu chia sẻ phục vụ cung cấp dịch vụ an sinh xã hội (bảo hiểm, thuế, cung cấp dịch vụ điện, nước,..). Đồng thời, thành phố đã triển khai kết quả TTHC số kết hợp với gắn mã QR cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến nâng cao.

Đến nay, Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng các CSDL nền và được kết nối, chia sẻ dùng chung qua Nền tảng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố. Đồng thời, đã triển khai kết nối, đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia quốc gia, Hệ thống thông tin và CSDL của bộ ngành để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và xử lý nghiệp vụ chuyên ngành. Các cơ quan, địa phương đã xây dựng 560 CSDL và ứng dụng chuyên ngành để phục vụ cung cấp dịch vụ công. Thực hiện đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ tích hợp thẻ BHYT vào CCCD gắn chip; tích hợp quá trình tham gia BHXH, sổ sức khỏe điện tử vào ứng dụng VneID.

Nhờ đó, việc hình thành và liên kết trực tuyến các dữ liệu số (như CSDL về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CSDL về đăng ký ô-tô, xe máy…) đã tạo điều kiện để các cơ quan nội chính, thanh tra thực hiện việc tham chiếu, kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập cũng như phục vụ giám sát từ phía người dân, Mặt trận, đoàn thể và các cơ quan, đại biểu dân cử. 

Song song đó, “Hệ thống CSDL quản lý công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố” được  đưa vào vận hành đã giúp các cơ quan quản lý việc tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại cơ quan mình theo quy trình.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTNTC được triển khai với nhiều hình thức mới, hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội

Với sự phát triển của môi trường số và các nền tảng mạng xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTNTC cũng được triển khai với nhiều hình thức mới, hiệu quả. Thông qua Cổng Thông tin điện tử thành phố, các trang thông tin điện tử, fanpage, nhóm Zalo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí thành phố và đặc biệt một số nền tảng truyền thông chủ động (chủ động gửi thông tin đến máy điện thoại người dùng) như Zalo Tổng đài 1022 Đà Nẵng, ứng dụng Danang Smart City, Tổng đài thoại tự động (AI Call Center), hệ thống truyền thanh thông minh tại cơ sở... đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTNTC đến với người dân.

Có thể thấy, hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan chính quyền đã tác động tích cực đến công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có cơ hội tương tác với chính quyền trên môi trường số và nắm bắt thông tin nhanh hơn. Qua đó, góp phần tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT