Chỉ đạo điều hành của UBND thành phố tuần 41
Đăng ngày 13-10-2024 13:06, Lượt xem: 42

19 địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn thành phố; Tăng cường quản lý chó nuôi trên địa bàn thành phố; Phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố; Hạn mức giao đất cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không vượt quá 3.000m2; Thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ... là những chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố từ ngày 7-10 đến 12-10-2024.

Tăng cường quản lý chó nuôi trên địa bàn thành phố

Ngày 7-10, UBND thành phố ban hành văn bản số 5550 /UBND-SNN về tăng cường quản lý chó nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các xã/phường thành lập, kiện toàn tổ/đội bắt chó thả rông và tổ chức thực hiện việc bắt giữ chó thả rông, nghi mắc bệnh Dại. Tăng cường các biện pháp, xử lý vi phạm quy định về nuôi c, về phòng, chống bệnh Dại động vật. Quản lý chặt chẽ việc nuôi chó, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn. Thường xuyên rà soát số lượng chó nuôi chưa được tiêm phòng bệnh Dại, phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y để tiêm phòng bổ sung.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả kế hoạch, chương trình phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố.

Phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố

Ngày 7-10, UBND thành phố ban hành văn bản số 198/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, thành phố phát triển thêm 30MW công suất nguồn điện mặt trời mái nhà (số liệu tính từ năm 2021 đến 2030); đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà. Đến năm 2030, phát triển 18MW nguồn điện từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ Nhà mày đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn; tiếp tục nghiên cứu khảo sát địa điểm phát triển tiềm năng điện gió; phấn đấu đến năm 2030 phát triển được dự án điện giỏ. Phát triển năng lượng khí sinh học, năng lượng khí thiên nhiên, năng lượng sóng biển, thủy điện nhỏ và phân tán.

Giải pháp cụ thể bao gồm: Khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở công, gồm trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, các cơ sở y tế, trường học. Khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có hệ thống lưu trữ điện. Xử lý các chất thải phát sinh trong lĩnh vực phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo quy định. Lựa chọn lắp đặt tấm pin mặt trời có hiệu suất cao, thân thiện môi trường, hệ thống lưu trữ đảm bảo chất lượng điện năng. Lựa chọn công nghệ xử lý rác hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời mái. Thực hiện hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, thí điểm xây dựng lưới điện thông minh....

19 địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn thành phố

UBND thành phố ban hành Công văn số 5547/UBND-SCT ngày 7-10-2024 thống nhất theo đề nghị của Sở Công Thương về danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2025 với 19 địa điểm được phép tổ chức.

Cụ thể, các địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn quận Hải Châu gồm: Công viên APEC và vỉa hè Công viên APEC, đường Bạch Đằng nối dài, quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn; Cung thể thao Tiên Sơn, quy mô không quá 60 gian hàng tiêu chuẩn.

Địa bàn quận Sơn Trà có các địa điểm: Công viên bờ Đông cầu Rồng (lô đất A19 giáp các đường Võ Văn Kiệt – Trần Hưng Đạo - Mai Hắc Đế - Lý Nam Đế), quy mô không quá 60 gian hàng tiêu chuẩn;  Công viên Biển Đông, quy mô không quá 70 gian hàng tiêu chuẩn; Công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi, quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn.

Địa bàn quận Cẩm Lệ có các địa điểm: Trung tâm Hội chợ Triển lãm thành phố Đà Nẵng (số 09 Cách Mạng Tháng Tám, phường Khuê Trung), không giới hạn quy mô gian hàng; Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao quận Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Tây), quy mô không quá 60 gian hàng tiêu chuẩn; Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao và học tập cộng đồng phường Khuê Trung (số 135 Ông Ích Đường, phường Khuê Trung), quy mô không quá 60 gian hàng tiêu chuẩn

Địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn quận Thanh Khê là Công viên biển Hà Khê (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn.

Địa bàn quận Liên Chiểu có các địa điểm: Công viên Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu (số 168 Nguyễn Sinh Sắc, phường Hòa Minh), quy mô không quá 100 gian hàng tiêu chuẩn; khu vực cầu vượt Mikazuki đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ cầu vượt Mikazuki đến cuối nhà hàng Mikazuki Nami), quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn; khu vực Công viên nhà chờ Tập đoàn Trung Thủy (cuối đường Nguyễn Tất Thành và khu vực gần phố ăn vặt Nam Ô), quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn; sân chợ Hòa Khánh (đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc), quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn.

Địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn huyện Hòa Vang là khu vực Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang (thôn Dương Lâm 1, xã Hòa Phong), quy mô không quá 150 gian hàng tiêu chuẩn.

Địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có các địa điểm: khu phố du lịch An Thượng (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Trần Bạch Đằng, phường Mỹ An), quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn; Công viên trước chợ Bắc Mỹ An và một số chợ trên địa bàn quận: chợ Non Nước, chợ Khuê Mỹ, quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn; khu đất trống bê tông cạnh Công viên Ngũ Hành Sơn (đường Lê Văn Hiến và Phạm Hữu Nhật thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn; khu vực đất trống dọc 2 bên đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, quy mô không quá 50 gian hàng tiêu chuẩn.

Địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm tại các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Hòa Cầm… là các khu vực đất trống trong các khu công nghiệp, quy mô không quá 60 gian hàng tiêu chuẩn.

Hạn mức giao đất cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không vượt quá 3.000m2

UBND thành phố ban hành Quyết định số 30/2024/QĐ-UBND ngày 7-10-2024 quy hạn mức và diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo quy định tại khoản 4 Điều 213 của Luật đất đai 2024.

Theo đó, hạn mức giao đất cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không vượt quá 3.000m2. Đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc hoạt động trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì hạn mức giao đất theo hiện trạng đang sử dụng.

Đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có nhu cầu sử dụng đất tôn giáo phục vụ cho mục đích đào tạo tôn giáo có diện tích lớn hơn 3.000 m thì căn cứ theo quỹ đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND thành phố sẽ xem xét quyết định diện tích đất giao cho từng trường hợp cụ thể.

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai, UBND các quận, huyện, UBND các xã phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân có liên quan; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập và hoạt động hợp pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2024.

Thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên

Ngày 9-10, UBND thành phố Quyết định số 2159/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS), nghĩa vụ công an (NVCA) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Nội dung phối hợp gồm: Tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho rhanh niên trên địa bàn thành phố; phối hợp thực hiện chính sách đào tạo nghề cho Thanh niên theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; mở rộng đa dạng ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động;...

UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố thu thập thông tin về nhu cầu tìm việc làm của thanh niên; phối hợp với hiệp hội, hội doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, đơn vị liên quan thu thập thông tin tuyển dụng lao động để xử lý, phân tích, tống hợp và dự báo về thị trường lao động truyền tải đến các cơ quan, đơn vị liên quan và thanh niên.

Tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ cho thanh niên, người lao động tại 3 địa điểm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, các địa phương tổ chức Ngày hội việc làm và tư vấn học nghề cho thanh niên trên địa bàn thành phố.

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ

Ngày 9-10, UBND thành phố ban hành văn bản số 201/KH-UBND về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới.

UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý hoạt động vận tải đường bộ theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; Tiếp tục siết chặt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, khám sức khỏe đối với người lái xe. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu trong hoạt động kinh doanh vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Song song với đó, rà soát về tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông tại các tuyến đường bộ trên địa bàn; kịp thời thực hiện công tác bảo vệ hành lang - an toàn giao thông đường bộ, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông theo phân cấp quản lý.

CỔNG TTĐT TP

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT