Thảo luận các vấn đề về nhà ở xã hội, phòng chống tội phạm ma tuý
Đăng ngày 12-12-2024 14:39, Lượt xem: 46

Sáng 12-12, tại HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu thảo luận một số nội dung về văn hóa xã hội, kinh tế, pháp chế tại Hội trường. Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn điều hành phiên thảo luận.

Nghiên cứu tinh giảm, rút gọn thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề quy hoạch, đầu tư cảnh quan tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và công tác quản lý, khai thác hiệu quả bãi biển Nguyễn Tất Thành; phân luồng tour, tuyến du lịch để phát triển du lịch cho các địa phương; công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố và các giải pháp xử lý liên quan đến công tác quy hoạch và các quy hoạch chậm triển khai.

Về vấn đề nhà ở xã hội đầu tư bằng vốn ngân sách, hiện nay cả nước có khoảng 15.000 căn hộ nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thì thành phố Đà Nẵng có khoảng 12.000 căn chiếm hơn 80% so với cả nước. Qua đó đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của các đối tượng khó khăn về nhà ở, góp phần quan trọng vào công tác chương trình “5 không 3 có” của thành phố.

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn điều hành phiên thảo luận

Theo đại biểu Lê Văn Dũng, Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Hải Châu, thành phố cần ban hành kế hoạch triển khai từng năm về Chương trình phát triển nhà ở để theo dõi, đôn đốc, đề ra nhiệm vụ ưu tiên từng năm. Đồng thời cần xem xét, đánh giá định kỳ hàng năm kết quả đạt được về các chỉ tiêu đã đề ra, để có chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời. Rà soát các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội 20% để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển.

Song song với đó, khuyến khích nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch để phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các Khu công nghiệp. Rà soát xử lý triệt để các trường hợp bố trí, thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng. Tiếp tục triển khai Đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đang bố trí thuê/nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội được mua nhà ở xã hội ổn định cuộc sống; thành phố có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách.

Phát triển nhà ở thương mại theo dự án, gắn với phát triển đô thị và kế hoạch phát triển nhà ở; khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện với môi trường góp phần nâng cao chất lượng nhà ở, đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng. Nghiên cứu tinh giảm, rút gọn các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; chủ động làm việc, hỗ trợ các nhà đầu tư nhà ở thương mại tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, khắc phục các thiếu sót trước đây, hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai các dự án. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hỗ trợ về thủ tục, nguồn lực để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại.

Đối với Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạng mục Bãi đỗ xe giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng đã phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ - hạng mục Bãi đỗ xe (khu vực quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà) tại quyết định số 4201 ngày 17/9/2019. Theo đó, đến năm 2025 nhu cầu khoảng 85ha (850.250 m2); đến 2030 nhu cầu 119ha (1.194.750m2). Đến nay, tổng diện tích bãi đỗ xe khoảng 24,8ha, đạt khoảng 30% nhu cầu đậu đỗ so với quy hoạch đến năm 2025 và 20% so với quy hoạch đến năm 2030.

Đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng, cần rà soát, đề xuất điều chỉnh lại mức giá trông giữ xe cho phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các bãi đỗ xe thông minh đã đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về dừng, đỗ trái phép tại các khu vực đã có Bãi đỗ xe. Trong quá trình triển khai lập các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố cần lưu ý đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch về giao thông tĩnh và yêu cầu phát triển bền vững đô thị.

Xây dựng hình ảnh thành phố tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế công nghệ

Ngày 26/6/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15 quy định về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, nghị quyết đã quy định một số nội dung cơ bản nhằm triển khai việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới, qua đó phản ánh tầm nhìn của thành phố Đà Nẵng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm công nghệ mới.

Về tiêu chí, điều kiện lựa chọn và trình tự, thủ tục thẩm định, cấp phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trên địa bàn, đại biểu Lê Hồng Cương, Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị huyện Hòa Vang cho rằng, việc không giới hạn ưu tiên vào một số ngành nghề cụ thể giúp thành phố duy trì sự linh hoạt trong việc tiếp nhận các đột phá công nghệ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, thúc đẩy sự đổi mới bền vững và thu hút nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân sáng tạo tham gia.

Theo đại biểu, việc triển khai thử nghiệm công nghệ mới sẽ giúp Đà Nẵng xây dựng hình ảnh là một thành phố tiên phong trong đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế công nghệ, không chỉ tạo động lực cho sự phát triển toàn diện mà còn thúc đẩy tiến bộ không ngừng, giúp Đà Nẵng nhanh chóng hòa nhập với các xu hướng công nghệ tiên tiến, tăng thu hút đầu tư, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đặt trụ sở tại Đà Nẵng, làm việc tại Đà Nẵng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, robot, môi trường, giao thông...Từ đó, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả lao động, giảm thiểu chi phí, và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Các đại biểu tập trung thảo luận tại hội trường

"Cần sớm hoàn thiện dự thảo và ban hành Nghị quyết, việc xây dựng Nghị quyết cần thận trọng, tuy nhiên với lĩnh vực công nghệ mới đang thay đổi từng ngày với tốc độ như vũ bão thì chúng ta cũng không nên quá cầu toàn, mà nên sớm triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực tế, nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh thì chúng ta sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh phù hợp," đại biểu Lê Hồng Cương nói.

Đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy

Bên cạnh những vấn đề chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, tại hội nghị, đại biểu tập trung trao đổi giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, nhất là ma túy trong học đường.

Theo đại biểu Trần Tuấn Lợi, Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Cẩm Lệ, về tội phạm về ma túy, trong năm 2024, Tòa án hai cấp thành phố đã đưa ra xét xử 384 vụ, 786 bị cáo (tăng 72 vụ, 218 bị cáo so với năm 2023). Bình quân mỗi ngày để xảy ra hơn 01 vụ và hơn 02 bị cáo.

Tòa án thành phố đã xét xử rất nghiêm nhiều vụ án về ma túy, với mức án từ chung thân đến tử hình, bên cạnh đó rất nhiều bị cáo bị tuyên án từ 17 đến 20 năm tù. Nhưng tình hình tội phạm về ma túy không thuyên giảm. Khi ra quân trấn áp tại các tụ điểm như quán bar, nhà hàng, vũ trường, club thì phát hiện nhiều người tổ chức sử dụng trái phép và tàng trữ ma túy tại các tụ điểm này.

Đại biểu Trần Tuấn Lợi, Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Cẩm Lệ phát biểu

Đặc biệt, trong thời gian qua, ma túy đã len lỏi trong học đường, đã có các em học sinh tại một Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố phải nhập viện cấp cứu do bị ngộ độc khi sử dụng dung dịch chứa chất màu vàng. Đây là loại ma túy lần đầu xuất hiện tại Đà Nẵng, có tên gọi là “nước biển”. Để lôi kéo các em sử dụng ma túy các đối tượng thường lân la ở các quán nước giải khát trước cổng trường hoặc các tiệm Internet nơi học sinh thường lui tới chơi Games sau giờ học.

"Vừa qua, Quốc hội đã thông qua việc cấm hút thuốc lá điện tử. Vấn đề này, chúng ta cần có biện pháp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và đặc biệt là tại các trường phổ thông, nhằm nhận thức đầy đủ về tác hại của các loại chất kích thích này, đảm bảo giống nòi và phát triển lành mạnh của tất cả người dân," đại biểu thẳng thắn đề nghị.

Về vấn đề trẻ vị thành niên phạm tội, trong năm, có 335 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội đã đưa ra xét xử (chiếm 12% trong tổng số bị cáo), chưa tính đến số người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý.

Có thể nói đây là hồi chuông cảnh báo về trẻ vị thành niên phạm tội và vi phạm pháp luật trong thời gian qua; không đơn thuần là tội phạm ít nghiêm trọng mà là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Không đơn thuần là tội phạm riêng lẻ mà là tội phạm theo băng, nhóm, có nhóm hơn cả chục người đến vài chục người cùng tham gia. Các nhóm này thường tạo thành nhóm trên trang mạng xã hội, lôi kéo, rủ rê các học sinh cùng tham gia, để khi có việc chỉ cần vào nhóm là tập hợp ngay được nhiều người, chuẩn bị hung khí để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà không thể lường trước được hậu quả sẽ xảy ra.

"Nguyên nhân là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục và xử lý vi phạm, nên trình trạng thanh thiếu niên tụ tập, rủ rê, lôi kéo tham gia vào các băng nhóm là khó tránh khỏi," đại biểu Trần Tuấn Lợi nhấn mạnh.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT