Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2015
Được học trước để nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô khi chưa đủ tuổi, phải công khai thông tin của bưu gửi không phát được; khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ sẽ được thanh toán; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm 50% học phí cho tất cả học sinh đi học trung cấp là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2015.

Được học trước và dự sát hạch nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô khi đủ tuổi theo quy định

Ngày 14  tháng 7 năm 2015, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 30/2015/TT-BGTVT,  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
 
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho phép người chưa đủ tuổi học trước và được dự sát hạch nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô khi đủ tuổi theo quy định.
 
Đồng thời, thông tư cũng quy định các điều kiện để nâng hạng Giấy phép lái xe từ B1 lên B2 là thời gian hành nghề 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên. Trường hợp nâng hạng từ B2 lên C, từ C lên D, từ D lên E; các hạng B2, D, E lên hạng F tương ứng là thời gian hành nghề 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên; từ hạng C, D, E lên FC: thời gian hành nghề 01 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;  từ hạng B2 lên D và từ hạng C lên E thì phải có thời gian hành nghề 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
 
Thông tư cũng nêu rõ thời gian đào tạo với trường hợp nâng hạng Giấy phép lái xe hạng C, D, E lên FC là 272 giờ, trong đó có 48 giờ lý thuyết và 224 giờ thực hành lái xe. Các trường hợp còn lại vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
 
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/09/2015
 
Công khai thông tin của bưu gửi không phát được 
 
Liên Bộ Thông tin và Truyền thông – Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC ngày 17 tháng 07 năm 2015 hướng dẫn xử lý bưu gửi không có người nhận.
 
Theo đó, từ 15/09/2015, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải công khai thông tin đối với bưu gửi không phát được cho người nhận và không hoàn trả cho người gửi tại bưu cục giao dịch trung tâm tỉnh, thành phố và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp (nếu có) trong thời hạn tối thiểu 03 tháng.
 
Đối với việc xử lý bưu gửi không có người nhận, thông tư quy định rõ khi mở bưu gửi, nếu phát hiện thấy địa chỉ hoặc các thông tin, chỉ dẫn liên quan đến người gửi hoặc người nhận thì Hội đồng bàn giao bưu gửi cho doanh nghiệp để phát lại cho người sử dụng dịch vụ. Trường hợp không phát lại được thì Hội đồng quyết định hình thức xử lý. 
 
Trường hợp phát hiện trong bưu gửi không có người nhận có chứa vật phẩm, hàng hóa bị cấm theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 7 và tại Điều 12 Luật bưu chính thì Hội đồng lập biên bản bàn giao cho doanh nghiệp để doanh nghiệp thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Bưu gửi không có người nhận được xử lý theo các hình thức: trường hợp bưu gửi là tiền sẽ được bàn giao cho doanh nghiệp hạch toán theo quy định của pháp luật; nếu bưu gửi là vật phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp được quyền bán, tiêu hủy, làm từ thiện hoặc xử  lý theo hình thức khác.
 
Khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ sẽ được thanh toán
 
Đây là nội dung nổi bật của Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành về việc sửa đổi khoản 5, Điều 13 của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT.
 
Theo đó, từ ngày 1/9/2015, khi đi khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày Lễ, Tết, người dân vẫn sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) như ngày bình thường. 
 
Thông tư cũng nêu rõ, cơ sở y tế có tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo trước cho cơ quan Bảo hiểm xã hội  và người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT.
 
Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, phải công khai và thông báo trước những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng khi tham gia BHYT. Người bệnh tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT.
 
 
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
 
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm . 
 
Theo Mục 3 của Nghị định 61/2015/NĐ-CP, mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 
 
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
 
Thời hạn vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng. 
 
Nghị định cũng quy định các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với trường hợp người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 
 
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP  có hiệu lực từ 1/9/2015.
 
Giảm 50% học phí cho tất cả học sinh đi học trung cấp từ 1/9/2015
 
Đây là nội dung nổi bật quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH. 
 
Cụ thể, tất cả học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp đều được giảm 50% học phí thay cho nội dung của Thông tư  cũ chỉ áp dụng cho học sinh tốt nghiệp THCS trong thời gian 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp mới được hưởng quyền lợi này.
 
Ngoài ra, Thông tư liên tịch này cũng hướng dẫn cụ thể hơn về phương thức chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập. Trong đó, Phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh THCS;  Sở Giáo dục và đào tạo chi trả cho cha mẹ học sinh (hoặc học sinh) Trung học phổ thông, học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh tại các cơ sở giáo dục khác hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả.
 
 
KHÁNH VÂN
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT