Chính sách Lao động - Tiền lương có hiệu lực từ tháng 9/2015
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng; quy định mới về hỗ trợ tạo việc làm; nhiều chính sách ưu đãi đối với lao động dôi dư tại công ty Nhà nước; cách xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích; hướng dẫn thu thập thông tin về thị trường lao động; quy định về xử lý công chức hải quan tham nhũng; tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước là những chính sách nổi bật về lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 9/2015.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = 60% x mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp.
Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo khoản 3 Điều 3 của Thông tư này, HĐLĐ từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng cũng bắt buộc tham gia BHTN, kể cả các HĐLĐ ký kết trước đó nhưng tính đến ngày 1/1/2015 còn hiệu lực ít nhất 3 tháng.
Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/09/2015 và các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2015.
Quy định mới về hỗ trợ tạo việc làm
Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng với thời hạn vay vốn không quá 60 tháng và lãi suất vay vốn bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2015.
Nhiều chính sách đối với lao động dôi dư tại công ty Nhà nước
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Theo đó, chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/04/2002 được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như sau:
- Lao động nam từ đủ 55 đến 59 tuổi, nữ từ đủ 50 đến đủ 54 tuổi, tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi người lao động còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương và 1 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
- Trường hợp lao động nam trên 59 đến dưới 60 tuổi và nữ trên 54 tuổi đến dưới 55 tuổi, tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì cũng được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi. Đồng thời, được hỗ trợ nửa tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
Nghị định số 63/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2015.
Xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích
Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 14/07/2015 hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, căn cứ để xác định tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích gồm định mức lao động và tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý tham gia thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Trong đó, dịnh mức lao động do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh ban hành làm cơ sở để xác định tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích phải bảo đảm mức trung bình tiên tiến. Tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ bình quân xác định trên cơ sở hệ số lương cấp bậc, chuyên môn, nghiệp vụ, hệ số phụ cấp lương của lao động thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích nhân với mức lương cơ sở và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng.
Tiền lương của lao động quản lý được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản theo hạng tổng công ty và công ty đòi hỏi để thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Hệ số lương, hệ số phụ cấp lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và mức lương cơ bản của lao động quản lý quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/09/2015.
Hướng dẫn thu thập thông tin về thị trường lao động
Theo Thông tư 27/2015/TT-BLĐTBXH V/v hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, từ ngày 10/9/2015, việc thu thập về cung và cầu của thị trường lao động sẽ được thực hiện dựa trên người lao động và người sử dụng lao động.
Thời điểm tiến hành thu thập thông tin sẽ bắt đầu vào ngày 01/7 hàng năm và kéo dài trong 30 ngày. Đối với người lao động nội dung thu thập bao gồm: nhân khẩu; trình độ giáo dục phổ thông; chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục - đào tạo; thông tin về vị thế việc làm, công việc đang làm, nơi làm việc, loại hình kinh tế... Đối với người sử dụng lao động: thông tin định danh; ngành, nghề kinh doanh chính; tiền lương; số lượng lao động đang làm việc theo giới tính, loại lao động...
Ngoài ra, Thông tư 27/2015/TT-BLĐTBXH cũng quy định cách thức thu thập thông tin đối với Người lao động là người nước ngoài hoặc trường hợp người Việt Nam ra nước ngoài lao động.
Thông tư này thay thế Thông tư 25/2009/TT-BLĐTBXH.
Quy định về xử lý công chức hải quan tham nhũng
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định số 2435/QĐ-TCHQ về xử lý công chức có hành vi vi phạm nghiệp vụ hải quan, nhũng nhiễu, tham nhũng.
Theo đó, công chức trực tiếp thực hiện nghiệp vụ hải quan có vi phạm nghiệp vụ hải quan, nhũng nhiễu, tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý như sau:
- Bị kết án do vi phạm nghiệp vụ hải quan nhưng không thuộc một trong các hành vi tham nhũng quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng: nếu bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì sẽ bị kỷ luật cảnh cáo; nếu bị phạt tù mà không được hưởng án treo thì sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc.
- Bị kết án về hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (từ bị phạt tù cho hưởng án treo trở lên) thì sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc.
Tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước
Thủ tướng ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty TNHH MTV nhà nước. Theo đó, Quyết định này có một số thay đổi như sau:
- Các chức danh được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/một xe, bao gồm: Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng các đoàn thể ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên ; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chức danh sau đây của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách.
- Các chức danh được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/ một xe, bao gồm Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chức danh sau đây của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh: Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.
Trường hợp các chức danh quy định tại Điều này tự túc phương tiện, được khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo quy định tại Điều 14 Quyết định này.
Quyết định cũng quy định rõ, xe ô tô mua không đúng tiêu chuẩn, vượt giá quy định, vượt định mức bị thu hồi để xử lý theo quy định của pháp luật về tài sản nhà nước.
Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 21/09/2015 và thay thế Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg .
KHÁNH VÂN