Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829)
Ông quê làng Bắc Mỹ An, huyện Diên Phước, trấn Quảng Nam, nay là phường Bắc Mỹ An, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Tên thật là Nguyễn Văn Thụy, do kỵ húy mà đổi là Thoại. Thời niên thiếu, Nguyễn Văn Thoại cùng gia đình di cư vào Nam đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), sống tại làng Thới Bình, trên cù lao Dài, nay thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 16 tuổi (1777), đầu quân theo Nguyễn Ánh sang Bangkok (Thái Lan), về nước dẫn quân đi đánh Tây Sơn, làm Khâm sai cai cơ, rồi Khâm sai thống binh cai cơ, được phong tước Hầu (nên về sau thường gọi là Thoại Ngọc Hầu).
Năm 1789, làm Phó quản doanh được thăng Khâm sai thượng đạo bình Tây tướng quân.
Năm 1799, được cử đi công cán ở Viên Chăn (Lào). Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802), ông được thăng Khâm sai thống binh cai cơ trông coi việc ở Bắc Thành, rồi lãnh Trấn thủ Lạng Sơn. Được điều đi làm Trấn thủ Định Tường, rồi được cử làm Thống quân biền binh bảo hộ Cao Miên.
Năm 1818, được bổ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (nay là Long Xuyên - Cần Thơ). Tại đây, ông cùng quan quân sở tại thiết kế và điều hành dân binh đào kênh Đông Xuyên (ở Long Xuyên). Kênh này sau khi hoàn thành được đặt tên là Thoại Hà. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông điều khiển 80.000 nhân công làm việc trong 5 năm liền (1820-1824) để đào con kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên, dẫn nước ra biển phía Tây. Đây là công trình lớn do ông thiết kế và chỉ huy thành công, đã mang lại kết quả to lớn trong công cuộc khai phá miền Hậu Giang. Nhân dân vui mừng, triều đình hoan hỉ. Vua Minh Mạng ban sắc đặt tên kênh này là Vĩnh Tế hà (tên của vợ ông Châu Thị Vĩnh Tế) và đặt tên cho ngọn núi nhìn xuống con kênh là Thoại Sơn (tên nôm là núi Sập).
Nguyễn Văn Thoại còn có công mộ dân khẩn hoang ở vùng An Hải, Châu Đốc, biến vùng đất hoang vu nơi biên giới thành trù phú, dân cư ngày một đông đúc, an vui.
Nguyễn Văn Thoại là một nhân vật tài kiếm văn võ, một nhà hoạt động chính trị ngoại giao xuất sắc, (hai lần được cử làm Bảo hộ Cao Miên), khi sang Viên Chăn, lúc được cử ra giải quyết vấn đề biên giới phía Bắc (Lạng Sơn), khi về trấn ngự biên giới Tây Nam. Ông còn là doanh điền, một nhà hoạt động kinh tế có tầm nhìn chiến lược và có đầu óc tổ chức giỏi.
Ông mất ngày mồng 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu tại nhiệm sở Châu Đốc, thi hài được an táng bên chân núi Thoại Sơn. Tưởng nhớ công lao và sự nghiệp của ông, nhân dân lập lăng thờ. Lăng Thoại Ngọc Hầu được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
Tại phường An Hải, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đền thờ Thoại Ngọc Hầu được xây dựng rất khang trang.
Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Nguyễn Văn Thoại dài 2.010m, rộng 8m, từ ngã tư đường Ngô Quyền đến nhà khách của Quân khu V (thường gọi là T.20), chạy dọc ven theo bãi tắm Mỹ Khê đến giáp đường Nguyễn Công Trứ.
Cổng TTĐT thành phố







Mối quan hệ giữa cụ Huỳnh Thúc Kháng với Bác Hồ
Có thể nói rằng từ lúc mới bước vào con đường cứu nước, cứu dân cho đến trước Cách mạng Tháng Tám-1945, cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn luôn theo đuổi chủ nghĩa dân quyền đi theo lối cách mạng công khai- và chỉ muốn dựa vào cải cách để đưa đất nước tiến lên, mà công việc trước mắt- theo cụ, là phải lo việc "vớt chìm chữa cháy" trong tình trạng đất nước "vàng đá hỗn hào!tai mắt lầm lạc". Dầu rằng trong khoảng thời gian ấy, càng về giai đoạn sau, nhất là sau khi báo Tiếng dân bị đóng cửa thì cụ càng thất vọng với đường lối mà mình đã đi.

Niên biểu Phan Châu Trinh (1872-1924)

Ông Ích Đường (1890-1908)
Ông sinh tại làng Phong Lệ, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Phường Hoà Thọ, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).Ông là cháu nội danh tướng Ông Ích Khiêm. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, thì Ông Ích Đường là người giỏi văn võ, có chí lớn, có tính phóng khoáng, có đức độ bậc trượng phu, thường binh vực kẻ nghèo yếu, chống lại bọn cường hào ác bá.

Giới thiệu Danh nhân Quảng Nam Đà Nẵng
Từ năm 1306 là năm hai châu Ô và Lý (trong đó có một phần đất Quảng Nam ngày nay) được nhập vào bản đồ Đại Việt, Quảng Nam – Đà Nẵng bắt đầu giữ vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)
Cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc nhỏ tên là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên, sinh tháng 10/1876 (Tự Đức 19) tại làng Thạnh Bình, tông Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, (nay là Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trong một gia đình nông hào, gốc Nho học.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!