Kết nối cơ sở tái chế rác thải nhựa giá trị thấp và các cửa hàng thu mua phế liệu
Đăng ngày 09-02-2023 08:17, Lượt xem: 924

Chiều 8-2, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức họp xây dựng Kế hoạch công tác năm 2023 của Dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ thông qua Tổ chức iDE.

Toàn cảnh buổi làm việc

Dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” được thực hiện từ tháng 5-2021 đến tháng 4-2024, có tổng kinh phí khoảng 34 tỷ đồng, với mục tiêu tạo các chuỗi giá trị về rác thải nhựa để các vai tham gia vào có lãi và tăng thu nhập, đồng thời giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường đô thị, ven biển Việt Nam.

Trong năm 2022, dự án đã hoàn thành thủ tục cấp phép; chọn được địa bàn hoạt động chính và ký biên bản ghi nhớ hợp tác tại 3 quận Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Một số hoạt động chính của dự án đã được triển khai như hướng dẫn và tư vấn, tổ chức tập huấn cho 41 cửa hàng thu mua phế liệu về các thủ tục và quy trình về kinh doanh hợp lệ, các loại nhựa được tái chế, hướng dẫn về công tác phòng cháy chữa cháy và kinh doanh có trách nhiệm; hoàn thành thông tin dữ liệu về 69 cửa hàng thu mua phế liệu và cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ); thử nghiệm thành công ứng dụng trực tuyến truy xuất rác thải nhựa Track and Trace.

Thông qua sự kết nối của Dự án đối với một cơ sở tái chế rác thải nhựa giá trị thấp và các cửa hàng thu mua phế liệu, 7,5 tấn rác thải nhựa giá trị thấp đã được thu gom và mua bán. Dự án cũng hoàn thành nghiên cứu hành vi phân loại rác thải nhựa tại nguồn tại Đà Nẵng; thực hiện hoạt động truyền thông thí điểm tại 2 tổ dân phố với 150 hộ gia đình tham gia phân loại rác thải nhựa tại nguồn; phối hợp triển khai sự kiện Biển xanh môi trường sạch tại quận Sơn Trà; đồng tài trợ cho đối tác thương mại các khóa tập huấn liên quan đến mạng lưới thu gom.

Dự án triển khai hoạt động tập huấn cho các cơ sở thu mua phế liệu

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố, mục tiêu mà dự án hướng đến rất phù hợp với chiến lược và kế hoạch hành động của thành phố và các địa phương nên việc triển khai có nhiều thuận lợi, được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của các ban, ngành. Tuy nhiên, do dự án có cách tiếp cận theo phương pháp mới (dựa vào thị trường) nên bước đầu triển khai còn bỡ ngỡ, các vai/ thành phần trong chuỗi giá trị chưa thực sự sẵn sàng tham gia.

Tại cuộc họp, đại biểu tham dự dành thời gian trao đổi, thảo luận nội dung Kế hoạch thực hiện của Dự án năm 2023, triển khai các hoạt động tổ chức khảo sát thực địa, tham quan thực tế tại các địa phương liên quan trong khuôn khổ dự án. Theo đó, phấn đấu tăng 10,5% tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa; kết nối được 300 người thu gom với các cửa hàng thu gom rác thải và có cơ hội tăng thu nhập; tập huấn cho 100 cửa hàng thu gom về kinh doanh có trách nhiệm và kinh doanh ngành nhựa để bán thông qua các đối tác thương mại và những cơ sở thu mua khác.

Đồng thời, thành lập hội đồng tư vấn cho ứng dụng trực tuyến truy xuất rác thải nhựa Track and Trace, hướng đến sử dụng rộng rãi, hiệu quả; tiếp tục hoạt động của năm 2022 và tiến hành khảo sát, đánh giá các hoạt động phân loại rác tại nguồn. Hỗ trợ, kết nối các đối tác thương mại trong dự án tham gia hội thảo, triển lãm quốc tế…. nhằm tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy tăng nhu cầu đầu ra cho các sản phẩm nhựa tái chế.

Dự kiến, trong tháng 2-2023, dự án sẽ tổ chức tham quan thực địa cơ sở tái chế nhựa tại khu công nghiệp Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, nhằm tìm hiểu về quy trình chế biến rác thải nhựa, cách thu mua các loại nhựa, và trao đổi về cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan.

Dịp này, UBND thành phố tặng Bằng khen cho Tổ chức iDE vì đã có thành tích đóng góp tích cực trong công tác viện trợ nhân đạo tại thành phố Đà Nẵng năm 2022.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT