Sáng 11-3, Ban Quản lý khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Tài nguyên và Môi trường Yokohama, Nhật Bản (Y-PORT) tổ chức buổi họp trực tuyến về phát triển khu công nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc buổi họp, ông Noriaki Yokouchi - Giám đốc Cục Hợp tác phát triển quốc tế - thành phố Yokohama cho biết, năm 2013, thành phố Đà Nẵng và thành phố Yokohama đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật, hướng tới mục tiêu phát triển thành phố theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó, hàng năm, đại diện thành phố Yokohama và thành phố Đà Nẵng đã tổ chức các diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
“Hôm nay, chúng ta tổ chức buổi họp này để cùng nhau đề xuất các biện pháp xây dựng và phát triển các khu công nghiệp cũng như cùng nhau lắng nghe các chia sẻ về công nghệ của Yokohama, những chia sẻ, ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tại Đà Nẵng. Chúng tôi hy vọng buổi họp hôm nay sẽ là những bước đi đầu tiên để Đà Nẵng hướng đến xây dựng các biện pháp khử cacbon trong tương lai để phát triển bền vững”, ông Noriaki Yokouchi chia sẻ.
Tại buổi họp, ông Phạm Trường Sơn – Trưởng Ban Quản lý khu CNC và các KCN Đà Nẵng trình bày tham luận “Chiến lược phát triển các khu công nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Theo đó, ngày 2-4-2021, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1099/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố Đà Nẵng có ít nhất 01 KCN đạt tiêu chuẩn KCN sinh thái theo tiêu chí quốc gia; đến năm 2030, thành phố có 02 - 03 KCN sinh thái.
KCN Hòa Khánh - Đà Nẵng là một trong ba KCN đầu tiên trên cả nước tiên phong tham gia dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam
Trên cơ sở đó, từ năm 2015, KCN Hòa Khánh - Đà Nẵng là một trong ba KCN đầu tiên trên cả nước tiên phong tham gia Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Qua giai đoạn 1 triển khai, từ năm 2015-2019, Dự án đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, tại KCN Hòa Khánh, Dự án đã hỗ trợ đánh giá Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện trong 04 năm, ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm gần 50.000 m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm. Trong khuôn khổ dự án, các đơn vị liên quan đã tổ chức 04 khóa đào tạo về kiểm toán năng lượng và an toàn hóa chất cho các doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh; cấp 137 chứng chỉ cho các cán bộ môi trường, kỹ thuật tại các doanh nghiệp. Hiện nay, các cán bộ đã qua tập huấn vẫn áp dụng được các nguyên tắc chung về sản xuất sạch hơn, hạn chế phát thải trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất. Thời gian qua, Ban Quản lý cùng các đơn vị triển khai nhiều hoạt động phủ xanh các khu công nghiệp, các tiện ích xã hội cho công nhân như nhà trẻ, nhà văn hóa tiếp tục được xây dựng, đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động,…
Từ cuối năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp thuộc các mạng lưới từng khảo sát đã tạm dừng hoạt động, thay đổi ngành nghề hoặc điều chỉnh quy mô công suất. Tuy nhiên, những kinh nghiệm tính toán hiệu quả cộng sinh mà Dự án để lại vẫn mang tính áp dụng lâu dài.
Mức độ đáp ứng 05 nhóm tiêu chí KCN sinh thái của KCN Hòa Khánh sau giai đoạn 1 tham gia dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”
Theo ông Phạm Trường Sơn, qua đánh giá trên cơ sở 05 nhóm tiêu chí KCN sinh thái, KCN Hòa Khánh sau giai đoạn 1 thực hiện Dự án đã đáp ứng được 03 tiêu chí: Cung cấp các dịch vụ cơ bản, có kế hoạch giám sát và bảo vệ môi trường hàng năm, báo cáo môi trường hàng năm công khai trên website; Tỷ lệ cây xanh đạt trên 25% diện tích đất sử dụng, kết cấu hạ tầng đảm bảo quy định; Quanh KCN có nhà văn hóa công nhân, chung cư giá rẻ, nhà trẻ hỗ trợ người lao động.
Hiện nay, vẫn chưa đáp ứng 02 tiêu chí: Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn còn thấp; trong đó thiếu nguồn tín dụng xanh là một trong các rào cản chủ yếu. Chưa thể xây dựng được mô hình cộng sinh công nghiệp tại KCN Hòa Khánh; một số các mô hình được đề xuất trước đây đến nay không còn khả thi do tác động của dịch COVID-19; việc tuần hoàn chất thải vẫn yêu cầu nhiều thủ tục pháp lý, khiến doanh nghiệp chưa có động lực thực hiện.
Chuyên gia Y-PORT giới thiệu về Khu công nghiệp sinh thái theo hướng dẫn của UNIDO
Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ lập danh sách cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp; khảo sát nhu cầu nhằm tổ chức các lớp tập huấn về kiểm toán năng lượng, chất thải, các quy định mới về bảo vệ môi trường trong các KCN. Rà soát lượng phát thải tại các doanh nghiệp nhằm đề xuất các mô hình cộng sinh tiềm năng; xác định các khó khăn, vướng mắc để hình thành tối thiểu một mô hình cộng sinh tại KCN Hòa Khánh trong năm 2023. Xây dựng Sổ tay Tài chính xanh; tổ chức Hội thảo giới thiệu các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất.
Tại buổi họp, các doanh nghiệp, khách mời đã nghe ông Shunsake Hieda – Chuyên gia Y-PORT giới thiệu về Khu công nghiệp sinh thái theo hướng dẫn của UNIDO. Đồng thời, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về 2 nội dung: Giải pháp bảo tồn năng lượng; Giải pháp về quản lý môi trường.
THANH THẢO