Sáng 7-4, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng”. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Phó ban điều hành dự án Nguyễn Thị Huyền và Điều phối viên quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Nguyễn Thị Thu Huyền đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị đánh giá giữa kỳ dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng”
Là dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, thực hiện trong thời gian từ tháng 12-2020 đến tháng 6-2022, dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” nhằm mục tiêu góp phần thực hiện hiệu quả phân loại rác thải, rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hướng đến giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ra đại dương; nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp rác thải bền vững, lồng ghép rác thải nhựa đại dương; giảm thiểu phát sinh rác thải ra môi trường tự nhiên; đồng thời, đề xuất các kiến nghị, chính sách về quản lý rác thải.
Qua 15 tháng triển khai, dự án đã tổ chức 13 lớp tập huấn cho các đối tượng như thành viên Ban điều hành dự án, Hội Liên hiệp phụ nữ, cán bộ môi trường quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang và 5 xã, phường; cán bộ quân dân chính, câu lạc bộ phụ nữ ve chai... nhằm hướng dẫn phân loại rác thải, giảm rác thải nhựa, kỹ năng vận động cộng đồng cùng tham gia phân loại rác thải. Dự án cũng cho ra mắt 7 Tổ nòng cốt, gồm những người lao động tự do, làm nông, cán bộ địa phương với 116 thành viên, được tập huấn, hướng dẫn cách phân loại rác thải, kiểm đếm rác...; tổ chức truyền thông cho 410 hộ dân, tại 7 khu dân cư hướng dẫn cách phân loại rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa.
Các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, khu dân cư
Đặc biệt, dự án đã tổ chức thí điểm mô hình Khu du lịch không rác thải nhựa tại quận Ngũ Hành Sơn, lắp đặt các trang thiết bị truyền thông, thu gom rác tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố du lịch An Thượng với 18 pano, 4 bảng hướng dẫn, 8 thùng rác 2 ngăn, 4 thùng thu gom rác tài nguyên, nguy hại. Đồng thời, tổ chức thí điểm mô hình Trồng chuối lấy lá, mô hình Sản xuất phân hữu cơ tại huyện Hòa Vang. Theo đó, Ban điều hành đã phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ 300 cây chuối cho 4 hộ dân; phối hợp với chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ thiết bị sản xuất phân hữu cơ cho 7 hộ.
Dự án cũng triển khai Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, thực hiện hỗ trợ cho 9 người với tổng số tiền150 triệu đồng để có vốn buôn bán, kinh doanh và nộp tiền học cho con; tổ chức 2 sự kiện Góc trưng bày các sản phẩm truyền thông gồm gần 50 sản phẩm tái chế từ nhựa tại Hội thảo khởi động dự án và tại Đại hội Phụ nữ thành phố lần thứ XIV... Các Tổ nòng cốt tham gia 30 hoạt động làm sạch bãi biển; 85 lượt ra quân dọn vệ sinh môi trường; thu gom được hơn 3.000 kg rác tài nguyên.
Triển khai thí điểm mô hình Khu du lịch không rác thải nhựa tại quận Ngũ Hành Sơn
Với số người được hưởng lợi từ dự án lên đến gần 1.000 người, dự án đã góp phần nâng cao thu nhập trung bình của người thu gom ve chai lên khoảng 3 triệu đồng vào thời điểm hiện tại, cao hơn 500.000 đồng so với thời điểm bắt đầu dự án.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Huyền, những lợi ích trước mắt mà các bên tham gia, cộng đồng tại địa phương thực hiện dự án được hưởng là nâng cao năng lực cho cho cộng đồng (Tổ nòng cốt quản lý rác thải) về phân loại rác thải, tác hại của rác thải nhựa ra môi trường; địa phương tăng cường trách nhiệm hơn trong triển khai hoạt động phân loại rác tại địa phương; cộng đồng tích cực tham gia thu gom, phân loại rác thải; công tác truyền thông được chú trọng.
Triển khai thí điểm mô hình Trồng chuối lấy lá, mô hình Sản xuất phân hữu cơ tại huyện Hòa Vang
Về lâu dài, các trang thiết bị thu gom phân loại rác thải được trang bị từ dự án sẽ là những phương tiện truyền thông trực quan sinh động, tác động trực tiếp đến cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tạo thói quen cho người dân trong việc tham gia phân loại rác thải; giảm thiểu số lượng chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương. Đồng thời, các Tổ nòng cốt quản lý rác thải hiểu về cách phân loại rác thải tại cộng đồng; xây dựng được nguồn quỹ an sinh xã hội từ phân loại rác.
“Các hoạt động của dự án đặt ra cơ bản đã hoàn thành, nhất là các mô hình phân loại rác thải, mô hình trồng chuối lấy lá, mô hình sản xuất phân hữu cơ. Các địa phương tham gia dự án có sự đồng bộ về công tác tuyên truyên, phân loại rác thải. Có thể nói, dự án đã huy động được sự tham gia của cộng đồng cùng thực hiện phân loại rác thải”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đánh giá.
Hoạt động phân loại rác tại các khu dân cư
Phát biểu tại hội nghị, Điều phối viên quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, qua 15 tháng triển khai, dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” đã đạt được những kết quả rất tích cực, huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
“Các hoạt động truyền thông, hỗ trợ trang thiết bị truyền thông đã phát huy hiệu quả, nhận thức của cộng đồng đối với việc phân loại rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa được nâng cao, với bài học kinh nghiệm quan trọng nhất được rút ra là nơi nào có các tổ chức, địa phương, người dân cùng vào cuộc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nơi đó có các hoạt động thực hiện mang lại hiệu quả cao”, Điều phối viên quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc nhìn nhận.
Thời gian đến, bà Nguyễn Thị Thu Huyền đề nghị Ban điều hành dự án tiếp tục duy trì, mở rộng các hoạt động nhằm triển khai dự án dự án một cách hiệu quả nhất, như: tập huấn về Mô hình quản lý rác thải cho các chủ nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp làm du lịch, dịch vụ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; tăng cường truyền thông cho cộng đồng về phân loại rác, cam kết thực hiện phân loại rác tại cộng đồng; nhân rộng mô hình trồng chuối lấy lá...
Điều phối viên quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Nguyễn Thị Thu Huyền phát biểu tại hội nghị
“Với nỗ lực, quyết tâm của Ban điều hành dự án, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, tôi tin tưởng rằng, dự án sẽ triển khai hiệu quả, kết thúc thành công và mở ra nhiều hướng mới cho hoạt động của hội phụ nữ các cấp, các mô hình hay được nhân rộng trên nhiều phường, xã. Đặc biệt, sau khi dự án kết thúc, quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang sẽ có kế hoạch hành động cụ thể để duy trì, kế thừa, nhân rộng những thành quả đã đạt được tỏng công tác phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa”, Điều phối viên quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Nguyễn Thị Thu Huyền bày tỏ.
NGÔ HUYỀN