Khởi động Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Cải cách quản lý tài chính công cấp địa phương tại Đà Nẵng
Đăng ngày 24-06-2022 07:39, Lượt xem: 277

Chiều 23-6, UBND thành phố phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức Lễ khởi động Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Cải cách quản lý tài chính công cấp địa phương tại Đà Nẵng. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn; Trưởng Bộ phận hợp tác quốc tế Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) Wener Gruber đồng chủ trì buổi lễ. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới thời gian qua đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển đô thị của Đà Nẵng. Dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, song nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ vẫn cố gắng lên kế hoạch khởi động Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Cải cách quản lý tài chính công cấp địa phương tại Đà Nẵng.


Quang cảnh Lễ khởi động

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, trong bối cảnh hiện tại, thành phố Đà Nẵng cần có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển để nâng cao năng lực cho thành phố. Các hoạt động của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Cải cách quản lý tài chính công cấp địa phương tại Đà Nẵng rất thiết thực, phù hợp với nhu cầu của thành phố trong việc nâng cao năng lực quản lý tài chính công.

“Chúng tôi cam kết sẽ phối hợp, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ triển khai chương trình hiệu quả”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn cho biết, Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Cải cách quản lý tài chính công cấp địa phương là chương trình quan trọng đối với Đà Nẵng, hướng đến cải thiện chức năng quản lý tài chính công, hỗ trợ thành phố phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế, du lịch, tài chính công của Đà Nẵng. Và bây giờ là thời điểm phù hợp để Đà Nẵng tập trung phát triển công tác quản lý tài chính công; đồng thời là cơ hội quan trọng để thành phố Đà Nẵng lựa chọn dự án đầu tư công trong các lĩnh vực chiến lược để thành phố chuyển mình, phát triển. Việc đầu tư vào những lĩnh vực có lượng carbon thấp sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn cho biết, một nền quản lý tài chính công vững chắc phải đánh giá được tài chính công, có cách quản lý hiệu quả để mang lại hiệu ích tốt nhất cho người dân; đồng thời có những sự chuẩn bị phù hợp để đối phó, ứng phó, giảm thiểu các rủi ro do thiên tai.

“Ngân hàng Thế giới luôn là đối tác quan trọng của thành phố Đà Nẵng và cam kết hỗ trợ để Đà Nẵng phát triển, trở thành điểm đến tuyệt vời, đạt được những mục tiêu theo định hướng phát triển thành phố tầm nhìn đến 2030”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn nhấn mạnh.


Lãnh đạo thành phố và đại diện Ngân hàng Thế giới, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ chụp ảnh lưu niệm

Chương trình Cải cách quản lý tài chính công với mục tiêu hỗ trợ Đà Nẵng tăng cường thể chế và năng lực huy động cũng như sử dụng các nguồn lực tài chính một cách hiệu quả, hiệu suất, có trách nhiệm và bền vững hơn.

Chương trình 4 hợp phần chính: Chiến lược tài khóa trung hạn; Kế hoạch tài chính trung hạn; Báo cáo hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Quản lý công sản và đầu tư công.

Ban chỉ đạo triển khai Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Cải cách quản lý tài chính công cấp địa phương tại Đà Nẵng do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh làm Trưởng Ban; Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng làm Phó Trưởng Ban;  Thành viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên Môi trường, Giao thông Vận tải, Lao động – Thương binh & Xã hội, Y tế; các cơ quan: Cục Thuế thành phố, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, Văn phòng UBND thành phố và 05 Ban quản lý dự án thuộc UBND thành phố.

Tổ giúp việc gồm lãnh đạo các phòng ban, chuyên viên có liên quan của các cơ quan, đơn vị có lãnh đạo là thành viên Ban chỉ đạo.

Sở Tài chính là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối liên hệ phối hợp với nhóm công tác của Ngân hàng Thế giới.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT