Sáng 4-1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành kế hoạch và đầu tư. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Hội nghị kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, trong năm 2022, Bộ đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trường, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Theo đánh giá, các giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19; phát huy vai trò tích cực trong công tác truyền thông, giải trình về định hướng điều hành chính sách và kết quả kinh tế - xã hội, qua đó góp phần đáng kể tạo đồng thuận xã hội, ổn định tâm lý thị trường; kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ để phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (so với mục tiêu là 6-6,5%). Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiện quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng
Tại Đà Nẵng, dưới sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực, kịp thời, hướng dẫn chu đáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022 thành phố đã đạt được những kết quả tích cực, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước tăng 14,05% so với năm 2021 (so với kế hoạch năm tăng 6-7%), xếp thứ 3 cả nước về tốc độ tăng GRDP; GRDP bình quân đầu người đạt 4.309 USD. Hầu hết các chỉ tiêu được Chính phủ và địa phương giao đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 31-12-2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 24.333 tỷ đồng, bằng 123,9% dự toán; trong đó, thu nội địa là 18.990 tỷ đồng, đạt 125,7% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 5.321 tỷ đồng, đạt 118,3% dự toán.
Cùng với đó, công tác an sinh xã hội, đời sống của các tầng lớp nhân dân luôn được quan tâm, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách giảm nghèo, chăm lo đời sống cho các đối tượng người có công với cách mạng và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến, tổng kinh phí thăm, tặng quà tết nguyên đán Quý Mão năm 2023 của thành phố gần 120 tỷ đồng, tăng 75 tỷ so với năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành kế hoạch và đầu tư, thống kê, qua đó đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2022; đồng thời nhận định, có được những kết quả này là nhờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để triển khai một cách tích cực, chủ động, giữ vững đoàn kết, thống nhất, cũng như nỗ lực, phấn đấu, nâng cao năng lực quản lý, phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương.
Triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu chiến lược, điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị
Theo đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành kế hoạch và đầu tư là góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả; bởi qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, có thể thấy rõ yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tham mưu thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện hiệu quả.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục tham mưu xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đang quản lý; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thống kê, với quan điểm chủ đạo là thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch, số liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách để tạo đồng thuận xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truyền thông. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực.
Là cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bảo vệ đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, với tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để năm 2023 đạt kết quả cao hơn năm trước.
NGÔ HUYỀN