Thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2025
Đăng ngày 11-05-2023 18:27, Lượt xem: 181

Ngày 8-5, UBND thành phố ban hành văn bản số 929 /QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, về thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời: Tỉ lệ trẻ 6-23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 70%. Tỉ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hàng ngày đạt 60%. Tỉ lệ hộ gia đình thiếu an ninh lương thực, thực phẩm mức độ nặng và vừa giảm dưới 5%.

Tỉ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 60% ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn.

Tỉ lệ bệnh viện tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý cho người bệnh đạt 90% đối với tuyến trung ương, tuyến tỉnh; 75% đối với tuyến huyện.

Tỉ lệ xã có triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đạt 50% vào năm 2025.

Về cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên, duy trì tỉ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 4,0%.

Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 12,3%. Duy trì tỉ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2500 gram ở mức dưới 6,0%. Tỉ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh đạt 80%. Tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt 60%.

Về cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai giảm xuống dưới 23% (khu vực miền núi xuống dưới 30%).

Tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi được bổ sung vitamin A liều cao đạt 95%. Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hoặc gia vị mặn có i-ốt hằng ngày tăng lên trên 85%.

Song song với tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ, chú trọng các kiến thức và thực hành về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, nuôi dưỡng trẻ bao gồm nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung đúng cách... các đơn vị tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về hướng dẫn đa dạng hóa bữa ăn và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Bảo đảm an ninh thực phẩm tại hộ gia đình; phát triển và triển khai hướng dẫn sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao để cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dinh dưỡng. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, tư vấn, thống kê, báo cáo về công tác dinh dưỡng tại các tuyến y tế xã/ phường, quận/ huyện, thành phố và tại các bệnh viện cũng như các ban ngành liên quan. Chú trọng việc ứng dụng và phổ biến các phần mềm đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em, xây dựng thực đơn cho các đối tượng khác nhau.

UBND thành phố giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ban ngành, hội, đoàn thể, UBND quận, huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 trên phạm vi toàn thành phố.

Chủ trì thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng của ngành y tế; hướng dẫn, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động trên phạm vi toàn thành phố. Giám sát, kiểm tra, báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hằng năm và báo cáo tổng kết cuối giai đoạn vào năm 2025.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, hội, đoàn thể, UBND quận, huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động can thiệp về dinh dưỡng như dinh dưỡng và khẩu phần hợp lý, cải thiện dinh dưỡng bà mę, trẻ em, chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người cao tuổi, dinh dưỡng ngành nghề, dinh dưỡng phòng chống yếu tố nguy cơ và bệnh mạn tính không lây, dinh dưỡng tiết chế tại bệnh viện, dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp; các chương trình, dự án về dinh dưỡng và an ninh thực phẩm khác.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát các hoạt động về dinh dưỡng hợp lý trong trường học, bữa ăn học đường, an toàn thực phẩm, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh, quản lý . căng tin trường học, tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh; không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học và bên cạnh trường học theo quy định.

Tiếp tục triển khai các hoạt động về dinh dưỡng hợp lý cho học sinh trong Chương trình Sức khỏe học đường đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 21/01/2022.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường thực hiện các chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật, gắn liền với mục tiêu về bảo đảm dinh dưỡng. Phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến dinh dưỡng trong các chương trình, đề án đang thực hiện như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền và chỉ đạo việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, lao động nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ, lao động tại các khu công nghiệp, người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép mục tiêu dinh dưỡng vào các chương trình đang thực hiện như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình không còn nạn đói, Chương trình an ninh lương thực. Lồng ghép hoạt động ứng phó dinh dưỡng trong Kế hoạch quốc gia chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tại để sẵn sàng cung cấp thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng cho những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. 

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Chiến lược lồng ghép với Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Chỉ đạo lồng ghép hoạt động vận động thể lực và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý với phong trào quần chúng và hoạt động thể thao, văn hóa tại cộng đồng; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của hoạt động thể dục thể thao quần chúng đối với sức khỏe.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện các hoạt động dinh dưỡng tại gia đình và cộng đồng; chú trọng các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em.

KIM PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT