Hành lang kinh tế Đông Tây
Khái niệm Hành lang Đông Tây được đưa ra lần đầu tiên và chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng GMS, tổ chức tại Manila tháng 10/1998. Tại đây, có 5 dự án hành lang được đưa ra thảo luận, trong đó hội nghị đã thống nhất ưu tiên thực hiện hành lang Đông tây (EWEC).

Để hiểu khái niệm hành lang kinh tế cần hiểu sơ qua các cơ chế hợp tác khu vực. Có hai cơ chế hợp tác kinh tế khu vực chủ yếu: chính thức và không chính thức. Cơ chế chính thức bao gồm các hình thức như Khu vực mậu dịch tự do (FTA), Liên minh thuế quan (kiểu liên minh Nga - Belarus...), Thị trường chung (kiểu EU). Cơ chế phi chính thức gồm các hình thức như Tam giác phát triển, Khu vực tự do xuyên quốc gia, Hành lang kinh tế.  Trong đó cơ chế không chính thức có một số đặc thù như chỉ bao gồm các vùng (địa phương) thuộc các nước khác nhau chứ không bao gồm thực thể quốc gia; các thành viên duy trì quan hệ thương mại và đầu tư với thị trường bên ngoài khu vực; không có những chính sách chung đồng nhất, nhưng gián tiếp cắt giảm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan tạo điều kiện thuận lợi cho sự tự do hoá thương mại, đầu tư, giao thông, nhập cư; thúc đẩy sự phát triển tại khu vực biên giới của các nước thành viên...

Hành lang kinh tế ngoài những đặc điểm tương tự với các hình thức hợp tác kinh tế phi chính thức khác còn có 3 điểm khác biệt. Thứ nhất, hành lang là một khu vực địa lý xác định. Thứ hai, hành lang kinh tế nhấn mạnh các sáng kiến song phương hơn là các sáng kiến đa phương. Thứ ba, hành lang kinh tế đòi hỏi phải có sự quy hoạch không gian và vật lý cụ thể để tập trung phát triển hạ tầng và đạt được những hiệu quả thiết thực nhất.

Hành lang kinh tế Đông Tây là tuyến hành lang dài 1450 km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) ở biên giới Myanmar - Thái Lan. Ở Thái Lan, bắt đầu từ Mae Sot, chạy qua 7 tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan. Ở Lào, chạy từ tỉnh Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh và ở Việt Nam, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh thành Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng.

Hành lang kinh tế Đông Tây đa dạng về địa hình, khí hậu, có đồng bằng ven biển Mawlamyine (Myanmar), miền đất thấp và nhiều đồi núi phía nam Bắc Thái Lan, vùng đồng bằng ẩm ướt, rừng và cây bụi Savannakhet và vùng đồi núi trung du miền Trung Việt Nam. Hoạt động thương mại của hành lang này tập trung vào 6 thành phố lớn: Mawlamyine, Phitsanulok, Khon Kaen, Savannakhet, Huế, Đà Nẵng và một số thành phố nhỏ khác.  Đồng thời, hành lang Đông Tây còn giao với một số tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam như: Yangon - Dawei, Chiang Mai - Bangkok, Đường 13 (Lào) và Quốc lộ 1A (Việt Nam), có điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại theo hướng bắc hoặc hướng nam đến các trung tâm thương mại lớn như Băngkok, thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương dọc hành lang đa số đều tương đối nghèo, chậm phát triển, đông dân cư và xa cách về mặt địa lý. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, sự phát triển của công nghiệp còn hạn chế.

Sự ra đời của hành lang Đông Tây sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Đây là cơ hội  cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn nhỏ dọc hành lang đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các nguồn địa phương, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia; mở cửa cho hàng hoá của Lào, Thái Lan và Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Ngoài ra hành lang còn  là môi trường để thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, đặc biệt là ở Myanmar, Việt Nam và Lào. Hành lang Đông Tây cũng đã mở ra những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương thành viên.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, các địa phương thuộc hành lang kinh tế Đông Tây có nền nông nghiệp chiếm từ 20 - 50% tỷ trọng nền kinh tế. Phần lớn sản lượng nông nghiệp của các địa phương này cũng từ các ngành sản xuất dựa vào nông nghiệp như chế biến thực phẩm, nước giải khát, thuỷ hải sản, lâm sản..., tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương khác nhau.

Sản xuất công nghiệp không phải là hoạt động kinh tế chủ yếu của hành lang Đông Tây. Hầu hết các ngành công nghiệp đều liên quan đến nông nghiệp, hoặc là ngành công nghiệp nhẹ dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và bố trí gần khu dân cư. Thái Lan có nền công nghiệp phát triển nhất, hoạt động sản xuất tập trung vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, may măc, luyện kim màu... Lào phát triển các ngành dệt may, thiết bị điện... do có lợi thế được hưởng ưu đãi theo hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP), theo đó các nhà xuất khẩu hàng dệt may của Lào không phải chịu hạn ngạch khi xuất hàng sang thị trường EU, có nguồn tài nguyên phong phú và đáng kể nhất. Ở Việt Nam, đây là khu vực phát triển công nghiệp chậm nhất trong nước với  các ngành chính như may mặc, chế biến hải sản, xi măng...Trong đó, Đà Nẵng có nền công nghiệp phát triển nhất, chiếm 5% GDP công nghiệp toàn quốc.

Trao đổi thương mại giữa các nước trong khu vực trong thời gian qua tăng đáng kể (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Lào, Thái Lan và Myanmar tăng trung bình 33%/năm). Hàng hoá buôn bán dọc biên giới hành lang chủ yếu phản ánh lợi thế so sánh của mỗi nước, đồng thời đóng vai trò hàng hoá quá cảnh để thâm nhập vào các thị trường khác. Các mặt hàng được trao đổi chủ yếu là: rau, quả, gỗ, gia súc, hàng dệt may...Về đầu tư, nhìn chung lượng đầu tư nước ngoài vào các tỉnh thành thuộc hành lang kinh tế Đông Tây đều vào loại thấp nhất so với các tỉnh thành khác ở quốc gia đó.

Hành lang kinh tế Đông Tây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch do tính chất vừa thống nhất, vừa đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu vẫn là du lịch đường không, chỉ có tuyến du lịch đường bộ Thái - Lào là tương đối phát triển. Có nhiều địa điểm du lịch, phong phú về loại hình: di tích lịch sử, văn hoá, sinh thái...

Các địa phương trong hành lang, ngoại trừ những thành phố và thị trấn chính, đều có mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí, khoa học công nghệ, tay nghề cũng như kỷ luật lao động thấp. Tỷ lệ nghèo đói cao, có một số lượng đáng kể dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới Thái Lan - Myanmar.

Về cơ sở hạ tầng, nòng cốt của hành lang là tuyến đường bộ từ Mawlamyine đến Đà Nẵng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2005. Đây là tập hợp các giao điểm của các trục Bắc Nam, gồm: Yangon - Mandalay, Chiang Mai - Bangkok, Vientiane - Savannakhet, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhìn chung cơ sở hạ tầng của hành lang Đông Tây còn yếu, đường thuỷ, hàng không, điện nước, các dịch vụ viễn thông đều còn hạn chế.

Các tỉnh thành thuộc hành lang kinh tế đều có các cơ sở công nghiệp và khu thương mại tự do, nhưng hầu hết đều chưa được sử dụng có hiệu quả do vị trí không thuận lợi và thiếu quy hoạch đầy đủ.

Hành lang kinh tế Đông Tây  ra đời chính là sợi dây liên kết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá xã hội giữa các quốc gia Đông Nam Á nói chung và các địa phương nói riêng.

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT