(Phó Thủ tướng Chính phủ PhạmGia Khiêm trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam)
"Hạ tầng giao thông phát triển đã cho phép kết nối bốn di sản văn hoá thế giới của các nước liên quan, thực hiện sáng kiến “ba nước, một điểm đến”. Ý tưởng “ăn sáng trên đất Thái Lan, ăn trưa tại Lào, và tắm biển và ăn tối tại miền Trung Việt Nam” đến nay đã trở thành hiện thực." - Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã khẳng định.
Xin Phó Thủ tướng cho biết quá trình hình thành Hành lang Kinh tế Đông – Tây, ý nghĩa của dự án trong hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và sự phát triển chung của cả khu vực?
Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một dự án lớn, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, là một trong 5 Hành lang Kinh tế thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), đã được thảo luận và nhất trí thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 8 tháng 10/1998.
Với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Nhật Bản, nhiều hạng mục hạ tầng giao thông chủ chốt trên hành lang đã được đầu tư nâng cấp như dự án nâng cấp cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, đường hầm đèo Hải Vân, đường quốc lộ 9. Cuối năm 2006, cây cầu quốc tế Lào - Thái thứ hai qua sông Mê Kông được khánh thành, chính thức nối liền 7 tỉnh Đông Bắc Thái Lan, tỉnh Savannakhet, Lào và 3 tỉnh Miền Trung của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm
Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, các nước liên quan cũng chú trọng thúc đẩy hợp tác về “hạ tầng mềm” như đơn giản hoá thủ tục, tạo thuận lợi cho qua lại biên giới, hợp tác du lịch, phát triển nguồn nhân lực, phối hợp cơ chế chính sách và cùng quảng bá thu hút đầu tư..., nhằm khai thác và biến hành lang giao thông thành hành lang phát triển kinh tế gắn với xoá đói giảm nghèo. Tới đây, phần phía Tây của hành lang từ biên giới của Thái Lan qua các tỉnh của Myanmar sẽ được đầu tư để hoàn tất toàn tuyến hành lang trên đất liền nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
Dự án hợp tác này có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt kinh tế - xã hội, hợp tác phát triển và xoá đói giảm nghèo.
Thứ nhất, các vùng, địa phương dọc tuyến hành lang của Lào, Thái Lan và Việt Nam đều là khu vực nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Do vậy, dự án này đã mở đường giúp xoá đói giảm nghèo cho hàng triệu người ở cả 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường liên kết giữa vùng này với những khu vực khác trong ASEAN cũng như với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, dự án này cho phép khai thác tiềm năng hợp tác và sự bổ sung lợi thế giữa các nước về tài nguyên, điều kiện tự nhiên, con người và mở rộng thị trường nhất là tiềm năng biển, di sản văn hoá...
Thứ ba, dự án này sẽ góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phát triển thương mại, đầu tư và du lịch lẫn nhau, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ trong và ngoài khu vực thông qua việc kết nối với thị trường quốc tế trong khu vực Đông Á. Tôi tin tưởng rằng hành lang kinh tế Đông – Tây sẽ trở thành hành lang của hợp tác hữu nghị và cùng phát triển của các nước trong khu vực.
Với 3 tỉnh nằm trong Hành lang Kinh tế Đông – Tây là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, xin Phó Thủ tướng cho biết những vùng này của Việt Nam có vị trí như thế nào trong Hành lang Kinh tế Đông – Tây?
Các địa phương của Việt Nam nằm ở đầu phía đông của Hành lang, đầu mối thông thương ra biển Đông không chỉ của EWEC mà của cả Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng phát triển về vị trí địa lý, kinh tế biển, văn hoá, lịch sử, nhân lực cùng với một số tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi… nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của nước ta. Như vậy có thể nói, các tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực Hành lang Kinh tế Đông - Tây có vị trí rất quan trọng, thể hiện ở một số mặt sau:
Thứ nhất, các tỉnh Việt Nam là cửa ngõ ra biển thuận lợi cho các nước thuộc khu vực hành lang. Chúng ta có thể hợp tác vận tải quá cảnh, hỗ trợ các vùng địa phương sâu trong nội địa mở đường ra biển, làm đầu mối cung cấp hàng hoá và nguyên nhiên vật liệu. Kinh tế biển và cận biển cũng là một lợi thế quan trọng của các tỉnh miền Trung Việt Nam mà các địa phương khác của Lào và Thái Lan trong hành lang không có được. Các tỉnh miền Trung của ta có thể cung cấp sản phẩm kinh tế biển, du lịch biển rất được các địa phương bạn yêu thích.
Thứ hai, các tỉnh Việt Nam có thể đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế vùng thông qua mở rộng đầu tư, thương mại, du lịch, qua đó thúc đẩy giao lưu của người và hàng hoá qua lại giữa các địa phương thuộc Hành lang.
Thứ ba, hợp tác liên kết du lịch giữa các vùng địa phương từ du lịch biển, du lịch sinh thái, môi trường, đến du lịch văn hoá, lịch sử.... Hiện nay, hạ tầng giao thông phát triển đã cho phép kết nối bốn di sản văn hoá thế giới của các nước liên quan, thực hiện sáng kiến “ba nước, một điểm đến”. Ý tưởng “ăn sáng trên đất Thái Lan, ăn trưa tại Lào, và tắm biển và ăn tối tại miền Trung Việt Nam” đến nay đã trở thành hiện thực.
Hầu hết các tỉnh mà Hành lang Kinh tế Đông – Tây đi qua đều là những vùng kinh tế chưa phát triển. Thực tế là việc triển khai thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ rất chậm. Để những ý tưởng và mục tiêu tốt đẹp của dự án trở thành hiện thực, cần có những điều kiện gì, các bên liên quan phải hành động như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Đúng là điều kiện của các tỉnh thuộc EWEC còn nhiều khó khăn, nhưng phải nói là Hành lang kinh tế Đông - Tây đã có bước tiến vững chắc và khá nhanh chóng, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, địa phương của các nước liên quan thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác trong khu vực. Đến nay, hành lang giao thông cơ bản đã hoàn tất, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu và hợp tác kinh tế, văn hoá giữa các nước này. Điều quan trọng là tăng cường hợp tác phát huy hiệu quả kinh tế -xã hội của tuyến giao thông này.
Trong thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta đang có điều kiện tương đối thuận lợi để thúc đẩy phát triển khu vực EWEC.
Từ phía các Chính phủ, bên cạnh việc tiếp tục nâng cấp hạ tầng cứng như giao thông, viễn thông, năng lượng cũng cần nỗ lực và chú ý hơn đến hạ tầng mềm, tạo thuận lợi và thông thoáng thủ tục cho người và hàng hoá qua lại trong Hành lang. Bên cạnh đó, cần lưu ý bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống về văn hoá, lịch sử và tích cực giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường nảy sinh.
Từ phía các địa phương, cần tăng cường phối hợp chính sách, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư, mở rộng buôn bán và thúc đẩy du lịch, tạo ra sự liên kết kinh tế giữa tất cả các địa phương trong Hành lang.
Từ phía các nhà tài trợ, trên cơ sở những kết quả hỗ trợ rất tích cực thời gian qua, cần tiếp tục và tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các địa phương EWEC không chỉ trong phát triển hạ tầng mà cả về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho các địa phương này.
Đối với các doanh nghiệp, tôi tin rằng Hành lang Kinh tế Đông – Tây sẽ mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo. Một mục tiêu quan trọng của Tuần lễ EWEC tổ chức tại Đà Nẵng tới đây chính là tuyên truyền, quảng bá và kêu gọi giới đầu tư và kinh doanh trong và ngoài khu vực quan tâm nhiều hơn đến những tiềm năng và cơ hội tại khu vực hàng lang, biến hành lang giao thông này thực sự thành một hình mẫu thành công trong hợp tác kinh tế giữa các nước.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.
(TTXVN)