Trường học xanh - Dạy nhận thức xanh cho lớp trẻ
Đăng ngày 19-04-2024 07:15, Lượt xem: 121

Thời qua qua, các trường học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường học tập, vui chơi xanh, sạch, đẹp, thân thiện, tạo điều kiện hình thành một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường; góp phần xây dựng Đà Nẵng, thành phố môi trường.

Xây dựng “Trường học xanh”

Mới đây, qua đánh giá của các cơ quan có chuyên môn và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đơn vị tài trợ chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, phường Hòa Quý được công nhận là đơn vị xuất sắc xếp hạng “Trường học xanh giảm thiểu rác thải” của quận Ngũ Hành Sơn.

Để đạt được kết quả tích cực đó là ghi nhận quá trình nỗ lực của nhà trường trong thực hiện đồng bộ cả 04 tiêu chí (chính sách quản lý, cơ sở vật chất, giáo dục truyền thông và thực hành xanh).

Trong đó, nổi bật ở tiêu chí thực hành xanh, hiện cô và trò của nhà trường đang duy trì có hiệu quả các thói quen tích cực như: Hơn 80% học sinh sử dụng bình uống nước cá nhân sử dụng nhiều lần thay thế bình nhựa dùng một lần; sử dụng rác thải nhà bếp để sử dụng ủ phân hữu cơ, chăm sóc vườn trường; sử dụng rác tái chế để làm đồ dùng dạy học; phân loại rác tại nguồn…

Học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái sử dụng bình uống nước cá nhân sử dụng nhiều lần thay thế bình nhựa dùng một lần

Em Hồ Trúc Quỳnh, học sinh lớp 5/6, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, chia sẻ: Em được thầy cô dạy rất nhiều bài học về bảo vệ môi trường. Bản thân em đã luôn thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh trường lớp, không ngắt cây, bẻ cành, cùng các bạn thu gom rác và phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định. Em và các bạn ở trường chỉ sử dụng bình nước cá nhân sử dụng nhiều lần mang theo hoặc sử dụng nước uống tại hệ thống máy lọc nước sạch ở trường, không dùng bình nhựa dùng một lần.

Cô giáo Phạm Lê Hoa-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, quận Ngũ Hành Sơn cho biết. nhằm giảm thiểu rác thải phát sinh tại trường học, nhà trường thực hiện thay thế các sản phẩm dùng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần (chai nước cho giáo viên; tận dụng các đồ dùng cũ, hỏng để làm thành các đồ dùng học tập, dụng cụ giảng dạy bằng phương pháp STEM, tái chế các bình nước thành các chậu cây; bố trí hệ thống thùng chứa phân loại chất thải rắn sinh hoạt (tại lớp học, văn phòng, sân trường, bếp ăn, căng-tin...). Ủ rác thực phẩm của bếp ăn nhà trường và lá cây để làm phân bón chăm sóc cho vườn cây xanh và vườn rau của trường; thay thế hộp và bao nilông đựng trái cây tráng miệng bằng hộp nhựa PP sử dụng nhiều lần…

Theo thầy giáo Lê Đức Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Duy Trinh, phường Hòa Hải, thời gian qua, nhà trường cũng triển khai đồng bộ và hoàn thành 04 tiêu chí về chính sách quản lý, cơ sở vật chất, giáo dục truyền thông và thực hành xanh. Với số điểm tuyệt đối 200 điểm theo thang điểm quy định, nhà trường được công nhận xuất sắc xếp hạng “Trường học xanh giảm thiểu rác thải” của quận Ngũ Hành Sơn.

“Nhà trường sử dụng và cập nhật thường xuyên các tài liệu giáo dục, truyền thông về chủ đề rác thải trên các kênh thông tin của nhà trường (zalo, Facebook, fanpage, lồng ghép trong các buổi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên…). Thường xuyên đăng bài về công tác bảo vệ môi trường trên zalo trường, nhóm lớp và triển khai thông tin đến giáo viên chủ nhiệm triển khai tại giờ sinh hoạt lớp và giáo viên chủ nhiệm các lớp thông tin đến các nhóm phụ huynh. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phát động chương trình kế hoạch nhỏ (thu gom rác thải tái chế bán phế liệu gây quỹ giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn)….”, thầy Tấn nói.

Hướng đến mục tiêu bền vững dạy nhận thức xanh cho lớp trẻ

Từ những kết quả tích cực của 04/04 trường trên địa bàn quận tham gia thí điểm mô hình “Trường học xanh giảm thiểu rác thải” thuộc chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục quận ưu tiên lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục, trong đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% trường học triển khai phân loại rác thải tại nguồn.

Phó Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Ngũ Hành Sơn Trần Thị Nguyên cho biết, 04 trường thí điểm Chương trình “Trường học xanh giảm thiểu rác thải”  trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đã tổ chức được 12 sự kiện, cuộc thi về trường học xanh giảm rác, như: Dũng sĩ “Kế hoạch nhỏ”; Rung chuông vàng - Đại sứ xanh; Cùng em thực hành xanh; Sinh hoạt câu lạc bộ “Vì cộng đồng xanh; Thi Tìm hiểu kiến thức; Thi Làm tranh sáng tạo….Tổng lượng rác được quản lý hiệu quả tại 04 trường thí điểm là gần 300 ký rác, trong đó hơn 135 kg rác hữu cơ/ngày được ủ phân cho người chăn nuôi; 144kg rác tái chế được thu gom (96,5kg giấy; 0,3 kg kim loại; 47,5kg nhựa; 0,2 kg rác điện tử (pin) được thu gom)…

Việc phân loại rác tại nguồn được các trường học trên địa bàn quận chú trọng triển khai thực hiện

“Để thực hiện thành công Đề án “Quận Ngũ Hành Sơn-Quận môi trường”, thời gian qua, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau tích cực tham gia bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tuyên truyền. Trong những buổi sinh hoạt, họp tổ dân phố, mọi thông tin, các cuộc vận động, các chính sách, quy định của Nhà nước, đặc biệt là các hoạt động về bảo vệ môi trường đều được truyền tải đến cộng đồng dân cư. Tiêu biểu như phong trào “5 không, 3 sạch”, “phân loại rác thải bán phế liệu gây quỹ”, “phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm” của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận. Cuộc vận động “Toàn dân không vứt, đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”, “Tuyến đường tự quản, sáng, xanh, sạch, đẹp” của Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên quận. Riêng các trường học triển khai khá tốt mô hình “Trường học xanh”, tạo không gian sạch sẽ, văn minh trong trường học.”, bà Nguyên nói.

Ông Mai Niên- Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn nhấn mạnh, môi trường, văn hóa, văn minh đô thị bao trùm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, là điều chúng ta chứng kiến hằng ngày. Công tác này khó thực hiện và giải quyết rốt ráo trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, quận Ngũ Hành Sơn xác định đây là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, liên tục để hình thành nên thói quen, nền nếp tích cực trong suy nghĩ và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân, nhất là chú trọng giáo dục cho học sinh các bậc học.

“Muốn có con người xanh phải có đô thị xanh. Muốn đô thị xanh phải có nhiều công trình xanh mà trong đó là trường học xanh. Quận Ngũ Hành Sơn đã, đang và tiếp tục cho nỗ lực nhân rộng mô hình “Trường học xanh” hướng đến mục tiêu bền vững dạy nhận thức xanh cho lớp trẻ”, ông Niên nói.

NHƯ Ý

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác