Xây dựng một lối sống văn hóa để có thể sống chung an toàn trong dịch bệnh
Đăng ngày 31-08-2020 11:25, Lượt xem: 3400

Từ thời kỳ Covid-19 này cũng sẽ là khởi đầu cho một nếp sống, một văn hóa sống tích cực, thiết thực, hiệu quả để không chỉ nhằm vào thực hiện mục tiêu kép trong thời kỳ Covid-19 mà còn làm tiền đề cho những thời kỳ hậu Covid, để sẵn sàng đối phó với tình hình khó khăn nhiều thử thách hơn.   

Đã hơn một tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng buộc cả thành phố phải trải qua thời kỳ cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch bệnh. Trong hơn một tháng đó, người Đà Nẵng đã phải đối diện với những khó khăn chồng chất khi nền kinh tế đóng băng, các hoạt động dịch vụ hầu như tê liệt, nhiều gia đình rơi vào tình cảnh kiệt quệ và bao trùm lên tất cả là nỗi ám ảnh lo lắng vì dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn chạy đua hết tốc lực, làm việc trên 100% công suất để xét nghiệm truy vết, khoanh vùng, dập dịch và điều trị.  

 Những ngày gần đây, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số ca nhiễm bệnh giảm dần, vài ngày cuối tháng 8 này đã không còn những ca mắc mới. Tuy nhiên như PGS-TS Trần Như Dương, (Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương), đã khuyến cáo: “ Kể cả khi số mắc mới về 0 cũng không có nghĩa là mầm bệnh đã hoàn toàn được làm sạch tại cộng đồng. Nguồn lây là người lành mang trùng nhiều khả năng đã chui sâu, bám rễ tại một số nơi và sẽ vẫn là nguy cơ thường trực để lây nhiễm cho người xung quanh và có thể sẽ gây ra các ca mắc mới không rõ nguồn lây bất cứ lúc nào ở giai đoạn sau này”. Bài học về việc không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch vẫn còn nguyên giá trị không phải chỉ bây giờ mà còn những tháng, thậm chí những năm tiếp theo.

Những hình ảnh thấm đẫm tình người trong mùa dịch bệnh 

Dịch bệnh có thể được khống chế  nhưng cuộc chiến chống dịch chưa chấm dứt bởi nguy cơ tái dịch vẫn tiểm ẩn, nỗi lo dịch bệnh vẫn còn đó. Vậy nhưng thành phố thì không thể kéo dài việc đóng cửa, phong tỏa hay cách ly. Chúng ta còn bao nhiêu việc phải làm để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, để trẻ con đến trường, để xúc tiến đầu tư, mở rộng giao thương với thế giới, và đơn giản nhất là để mỗi người dân Đà Nẵng lại được đắm mình trong làn nước biển trong xanh mỗi sớm mai.

Cuộc chiến chống dịch được xác nhận sẽ còn kéo dài,  chúng ta buộc phải chung sống cùng dịch bệnh. Còn đó nỗi lo lắng dịch bệnh nhưng cũng không nên quá sợ hãi mà điều quan trọng nhất là phải làm sao để sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Giờ đây chúng ta đã biết trang bị cho mình những “vũ khí” hữu hiệu để có thể chung sống an toàn trong dịch bệnh. Những “vũ khí” đó là gì?    

Chính quyền thành phố đã và sẽ ban hành các văn bản hành chính quy định  các tiêu chí nhằm bảo đảm về một môi trường an toàn với dịch bệnh như trường học an toàn, Bệnh viện an toàn, công sở an toàn, chợ an toàn, giao thông an toàn … Việc tuân thủ các quy định đó sẽ là thứ “vũ khí” đầu tiên để mỗi người tự bảo vệ mình, người thân và cộng đồng.

Hội phụ nữ đi vận động tiểu thương thực hiện các biện pháp phòng dịch

Nhưng “vũ khí” hữu hiệu nhất là việc mỗi người dân tự xây dựng và tham gia xây dựng  một ý thức, một nếp sống để lan tỏa, nâng cấp trở thành một văn hóa ứng xử trong cộng đồng dân cư. Đó là những hành vi cụ thể của mỗi người như việc đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ, tăng cường thể dục thể thao. Đó là thói quen của mỗi người khi nói chuyện giao tiếp, xếp hàng, mua bán … cần giữ khoảng cách nhất định để tránh giọt bắn văng vào người khác. Đơn giản như khi chào hỏi nhau cũng chỉ gật đầu mỉm cười hoặc vui vẻ chạm khuỷu tay nhau thay vì bắt tay, ôm hôn thắm thiết.

Người Việt mình vốn có đời sống coi trọng tình cảm, sống gắn bó cộng đồng với nhiều mối quan hệ mật thiết bà con anh em … nhưng trong điều kiện phòng chống dịch cũng cần thiết phải tiết chế các hoạt động có tụ tập đông người. Việc  tổ chức các hoạt động đám cưới, đám giỗ, đám tang, lễ hội … cũng cần cân nhắc, chỉ nên gói gọn trong gia đình thân thiết, không nên tổ chức rình rang, mời quá đông người, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng …

Trong thời kỳ không có Covid-19, cuộc sống dễ dàng hơn nên việc chi tiêu cũng có phần thoải mái, có khi là “thả ga” để người khá giả thể hiện “đẳng cấp”, người bình thường cũng muốn có chút “xênh xang” cho “bằng chị bằng anh”. Nay thì mỗi gia đình, mỗi người cũng cần có sự thay đổi, cân nhắc tính toán thật kỹ để đủ tiêu dùng và có tích lũy phòng khi khó khăn ập đến bất ngờ; mỗi món đồ mình mua cũng nên cân nhắc về giá trị và hiệu quả, không mua sắm vô tội vạ; việc ăn uống cũng đủ dùng, không dư thừa quá độ; việc đi nhậu, liên hoan cũng nên hạn chế bớt để vừa đỡ tốn kém, đỡ hại sức khỏe, đỡ những thấp thỏm lo âu về ngộ độc, về bị phạt khi sử dụng rượu bia nơi hàng quán …Việc đi chợ cũng nên sắp xếp tính toán để vài ba ngày đi chợ một lần, tránh các tiếp xúc nơi đông người. Đó cũng là một lối sống trở thành nét văn hóa rất nên được thực hành và nhân rộng.

Rồi đây, chúng ta sẽ có dịp nhớ lại một thời kỳ Covid-19 với rất nhiều điều về những trải nghiệm cuộc sống khó khăn mà thấm đẫm tình người trong tâm dịch; những câu chuyện đầy nhân văn về sự sẻ chia, chung tay đẩy lùi dịch bệnh; về sự thay đổi về thói quen, lối sống và thậm chí những giá trị sống; về cả những vấn đề chính trị ngoại giao, đối nội và đối ngoại …

Nhưng có thể từ thời kỳ Covid-19 này cũng sẽ là khởi đầu cho một nếp sống, một văn hóa sống tích cực, thiết thực, hiệu quả để không chỉ nhằm vào thực hiện mục tiêu kép trong thời kỳ Covid-19 mà còn làm tiền đề cho những thời kỳ hậu Covid, sẵn sàng đối phó với tình hình khó khăn nhiều thử thách hơn.   

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác