Tham mưu kịp thời về mặt pháp lý để thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế và phòng chống dịch
Đăng ngày 21-12-2021 20:23, Lượt xem: 371

Ngày 21-12, phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng trong hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu kịp thời về mặt pháp lý để UBND thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế và phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu

Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Tại điểm cầu Đà Nẵng có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô thị Kim Yến cho biết, trước sự xuất hiện và tác động ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19 thì tính mạng và sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân, nhiều biện pháp mạnh, quyết liệt đã lần đầu được áp dụng như bắt buộc cách ly y tế, xét nghiệm, đeo khẩu trang; hạn chế đi ra ngoài, cấm tụ tập đông người, tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách, tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ….

Mặc dù các biện pháp này đã được quy định tại Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên trong thực tế khi triển khai, chính quyền địa phương vẫn gặp rất nhiều lúng túng do quy định của pháp luật chưa dự liệu hết các tình huống thực tế có thể xảy ra nên khi áp dụng vào từng trường hợp cụ thể đã phát sinh nhiều vướng mắc.

UBND thành phố đã thành lập 02 tổ: Tổ Hỗ trợ pháp lý phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh covid 19 (Tổ Hỗ trợ pháp lý ) và Tổ tư vấn pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 (Tổ tư vấn pháp lý) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giao lãnh đạo Sở Tư pháp làm Tổ trưởng 2 tổ này. 

Tổ Hỗ trợ pháp lý có nhiệm vụ hỗ trợ nhanh cho các đơn vị, địa phương trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch tại thành phố Đà Nẵng. Sự ra đời của Tổ đã kịp thời giúp chính quyền thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các quận, huyện, xã, phường yên tâm hơn trong việc áp dụng pháp luật để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm tuân thủ pháp luật.. 

Tổ Tư vấn pháp lý được thành lập để tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố thực hiện hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch; tiếp nhận, hướng dẫn kịp thời và đề xuất, kiện nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố.

Sở Tư pháp nghiên cứu tham mưu, đề xuất các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: các vấn đề pháp lý khi áp dụng biện pháp tạm dừng hoạt động các loại hình dịch vụ kinh doanh, việc áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người, cơ sở pháp lý áp dụng biện pháp trưng dụng tài sản để phục vụ phòng, chống dịch; phối hợp tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định tạm thời áp dụng các biện pháp thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các Sở ngành tham mưu UBND thành phố trong việc vận dụng quy định của pháp luật, trong phạm vi pháp luật không cấm để đề ra các giải pháp thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; thành lập 04 Tổ công tác gồm: Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng (Tổ 509); Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố (Tổ 602); Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Tổ công tác thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”.

Tham gia vào 4 Tổ công tác nói trên, các Sở ngành thành phố đã tham mưu giúp UBND thành phố các vấn đề pháp lý, việc áp dụng pháp luật trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tham mưu chủ trương cho phép các nhà đầu tư điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xác định thẩm quyền, thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án do ảnh hưởng dịch bệnh; hướng dẫn quy trình thẩm định để cho phép các doanh nghiệp được hoạt động trở lại sau khi bị tạm dừng do dịch bệnh Covid-19.

"Hiện nay, tình hình kinh tế của thành phố đang bước vào đà hồi phục mạnh mẽ, tuy nhiên khó khăn vẫn còn đó, nguy cơ ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, chính quyền thành phố xác định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh tế.

Trong bối cảnh chung đó, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Tư pháp cùng các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và tiếp tục việc tham mưu kịp thời về mặt pháp lý để UBND thành phố thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế và phòng chống dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái phát triển bình thường trong năm 2022 và các năm tiếp theo." - Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; động viên, khích lệ các tập thể và cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

Ngành Tư pháp tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành. Chủ động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp và phổ biến, giáo dục pháp luật.

THUỲ LINH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT