Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Đăng ngày 26-02-2022 06:55, Lượt xem: 1260

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 27-1-2022 thực hiện Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16-8-2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 và Chương trình số 12-CT/TU ngày 29-11-2021 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Kết luận số 13-KL/TW trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Mục tiêu của Kế hoạch là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy Đà Nẵng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; xác định rõ trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, không để gia tăng do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, chủ động phòng ngừa, tiếp tục làm giảm tội phạm, tỷ lệ tái phạm tội năm sau giảm so với năm trước; giảm ít nhất 5% các tội phạm xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2016 - 2020. Hằng năm, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 80%; các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%; bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và phấn đấu bắt 50% số đối tượng truy nã phát sinh mới.

Bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%. Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ sót, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực. Nâng tỷ lệ giải quyết, kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đều được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Hằng năm, phấn đấu tỷ lệ chuyển hoá thành công đạt từ 60% trở lên; 85% các địa bàn đã chuyển hoá thành công không tái phức tạp trở lại. Kiện toàn các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm đảm bảo tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đi vào thực chất; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, cơ quan bảo vệ pháp luật đảm bảo năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

UBND thành phố giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thường xuyên tham mưu Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các quy định, hướng dẫn, chế độ chính sách có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; đề nghị hoàn thiện, ban hành cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên và UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các phương thức thủ đoạn, hoạt động của các loại tội phạm; tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa xã hội, thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng, chống và hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn xã hội.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, quy chế phối hợp, quyết định liên ngành về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm; thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích, động viên người tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách trong công tác phòng, chống tội phạm, luôn nỗ lực vì mục đích chung; tập trung củng cố, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó chú trọng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhất là ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội.

Thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót, tồn tại hạn chế. Phối hợp với các cơ quan nội chính nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm mọi hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật phải được phát hiện xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật, có tác dụng răn đe tội phạm, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo lực lượng quân sự các cấp phối hợp các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn đóng quân; triển khai công tác tuần tra phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật tại địa bàn cơ sở theo Quyết định 8394/QĐ-UBND ngày 9-11-2015 của Chủ tịchUBND thành phố. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp các sở, ban, ngành thực hiện có hiệu quả Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về “Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH và nhiệm vụ quốc phòng”. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, xử lý tội phạm hoạt động trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm ở khu vực biên giới biển, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh; tội phạm ma túy, mua bán người, liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ; xuất nhập cảnh trái phép; buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chống người thi hành công vụ, các loại tội phạm khác và vi phạm pháp luật...; giữ vững ổn định chính trị, TTATXH ở khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ; tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới biển, cảng biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tăng cường tuần tra, kiểm soát theo Quyết định 6743/QĐ-UBND ngày 7-9-2010 của Chủ tịch UBND thành phố về phòng, chống tội phạm cướp giật. Phối hợp thực hiện có hiệu quả Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về “Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH và nhiệm vụ quốc phòng”. Tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức phát động sâu rộng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân ở địa bàn khu vực biên giới biển.

UBND thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, nhất là tại địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức phù hợp, thiết thực; tham mưu cấp có thẩm quyền trong tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; nghiên cứu, tham gia ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm; theo dõi việc thi hành pháp luật về điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành án hình sự. Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả thông tin trên không gian mạng, bảo đảm an ninh thông tin và thực hiện các biện pháp ngăn chặn những hành vi lợi dụng không gian mạng gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự; kịp thời tuyên truyền, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết quả công tác phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh trật tự.

Tăng cường hướng dẫn các cơ quan báo chí, Tổng đài 1022 và hệ thống thông tin cơ sở đổi mới công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nhất là đối với số học sinh, sinh viên, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn; những địa bàn, khu vực dân trí còn thấp, mức độ tìm hiểu, tiếp cận các văn bản, chính sách pháp luật còn gặp nhiều hạn chế và khó khăn. Đồng thời, chủ trì, tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet giai đoạn 2021 - 2025” theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên vận động, tuyên truyền nhân dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc trong tôn giáo tham gia phòng, chống tội phạm. Phát huy vai trò giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm. Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố với các ngành trong công tác bảo đảm an ninh trật tự. Lồng ghép các hoạt động phòng, chống tội phạm với thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, khu đô thị văn minh". Thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; cảm hoá giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư giai đoạn 2021 - 2025”.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT