Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Đăng ngày 14-03-2022 17:11, Lượt xem: 876

Ban Chỉ đạo 389 thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 22/KH-BCDD389 ngày 1-3-2022 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022, nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt trong tình hình phải đối phó, phòng chống với nhiều loại dịch bệnh, thiên tai xảy ra.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố là triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố đã ban hành, cụ thể: Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá; Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10-10-2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; Công văn số 14/BCĐ389-VPTT ngày 20-11-2020 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025; Công văn số 03/BCĐ389-VPTT ngày 8-2-2021 về tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu; văn bản số 741/VPCP-V.I ngày 28-1-2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát; Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28-1-2022 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu...

Các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố và UBND các quận, huyện có trách nhiệm bám sát nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố và diễn biến thị trường trên địa bàn để kịp thời tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389 thành phố chỉ đạo triển khai các biện pháp phù hợp, nhằm xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, những điểm nóng về sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh cụ thể, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố nhận thức rõ về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền cho nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, đồng thời tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cùng chung tay, giúp sức các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, xem xét, xử lý trách nhiệm nếu địa bàn đơn vị quản lý xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Chỉ tiêu thực hiện năm 2022 là bắt giữ và xử lý 2.300 vụ; thu xử phạt, bán hàng và truy thu thuế đạt 130 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo 389 thành phố giao Công an thành phố xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, xử lý các đường dây ổ nhóm buôn bán, các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm. Đẩy mạnh công tác điều tra các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân sớm đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Chủ động phát hiện, tham mưu, kiến nghị các cấp, các ngành có giải pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Hải quan, Thuế Biên phòng, Quản lý thị trường, Kiểm Lâm... Thực hiện hiệu quả công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Cục Hải quan thành phố có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, Trung tâm vận chuyển và kho vận Miền Trung và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát Hải quan. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thành phố trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và thực hiện các chuyên đề đấu tranh với mặt hàng trọng điểm, đặc biệt chú trọng ngăn chặn hàng cấm, hàng gian lận xuất xứ, tình trạng chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu chuyên nghiệp; nhằm ngăn chặn, giải quyết các điểm nóng, phức tạp về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng giả, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển thành phố Đà Nẵng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Đoàn Đặc nhiệm miền Trung) và chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất kinh doanh hàng giả.

Đồng thời, tăng cường tuần tra kiểm soát địa bàn khu vực biên giới biển nhằm đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất kinh doanh hàng giả; trong đó cần đi sâu khảo sát, thu thập tình hình, số liệu qua các biện pháp công tác biên phòng nhằm thống kê số liệu tổ chức, cá nhân nghi vấn xuất nhập lậu các mặt hàng gỗ, xăng dầu, khoáng sản, rượu bia, thuốc lá, pháo nổ, sản phẩm may mặc, hàng điện tử, điện gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm, sản phẩm từ động vật nguy cấp quý, hiếm qua cửa khẩu cảng biển, sản xuất kinh doanh xà phòng, mì chính, dầu nhớt giả trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng.

Ban Chỉ đạo 389 thành phố đề nghị Cục Thuế thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế trên địa bàn, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận về thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế. Xây dựng và triển khai các chương trình, biện pháp thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo lĩnh vực, theo chuyên ngành.

Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng kinh doanh có điều kiện thuộc ngành Công Thương quản lý như: rượu, thuốc lá, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các mặt hàng thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng bán lẻ, các nhà thuốc, doanh nghiệp kinh doanh thuốc dược phẩm nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng kinh doanh thuốc chữa bệnh giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để nâng giá thuốc bất hợp lý; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Ban Chỉ đạo 389 thành phố giao Sở Tài chính thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn thành phố để kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp điều hành giá phù hợp, hạn chế tăng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân và các mặt hàng phục vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc công khai thông tin về giá, đăng ký giá, kê khai giá của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn. Tham mưu UBND thành phố cấp kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo 389 thành phố theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét tại rừng và các điểm, tuyến giao thông quan trọng, kịp thời ngăn chặn các hành vi khai thác, buôn bán lâm sản, chặt phá rừng, săn bắt động vật rừng trái phép; kiểm tra, giám sát thực hiện cam kết và kịp thời ngăn chặn, xử lý các chủ cơ sở có biểu hiện sử dụng lâm sản và động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý kịp thời tình trạng gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm vận chuyển không có Giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện đúng quy định của pháp luật về mua bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi và các sản phẩm xử lý bảo vệ môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý.

UBND các quận, huyện chỉ đạo đến cấp phường, xã tăng cường công tác quản lý, giám sát tại địa ban khu dân cư, các chợ dân sinh... kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, tập kết hàng lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Cục Quản lý thị trường - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường, nhất là trong các dịp Lễ, Tết, các ngày diễn ra sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố và các thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh....

Tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử     . Đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; hoạt động vận chuyển kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Mặt khác, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề theo diễn biến tình hình thị trường, tập trung vào các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền cả về hình thức và nội dung nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động phòng, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố.

Chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch đã phân công; kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xử lý các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền; cân đối, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 thành phố hợp lý, đúng quy định; hằng năm tham mưu tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng theo đúng quy định. Chủ trì xây dựng nội dung, kế hoạch chuẩn bị các tài liệu, nội dung có liên quan để giao ban định kỳ, sơ kết, tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 thành phố.

Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố, đặc biệt là các lực lượng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cục Quản lý thị trường, có trách nhiệm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với báo chí, truyền thông (Báo Đà Nẵng, Báo Công An, Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng...) để chủ động cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng đầy đủ về các vụ việc đơn vị bắt giữ, xử lý liên quan về buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, nhằm bảo đảm công tác tuyên truyền được kịp thời, chính xác và đầy đủ. Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố nói chung, quảng bá sản phẩm nội địa đến khách du lịch trong và ngoài nước nói riêng.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT