Thành lập Văn phòng chuyển đổi số; Thành lập Ban Tổ chức địa phương Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2022; Thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; Ủy quyền cho Sở Ngoại vụ một số nội dung liên quan đến công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022; Nâng, hạ và khai thác đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi; Phê duyệt danh sách 168 trường hợp được hỗ trợ miễn tiền thuê nhà liền kề thuộc sở hữu nhà nước do ảnh hưởng dịch COVID-19 là những chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố từ ngày 16-5 đến 20-5-2022.
Thành lập Văn phòng chuyển đổi số
Ngày 16-5, Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành Quyết định số 54/QĐ-BCĐCĐS thành lập Văn phòng chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng trên cơ sở tổ chức lại Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố.
Văn phòng Chuyển đổi số là tổ chức thuộc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo); làm đầu mối điều phối hoạt động nhằm giúp Ban Chỉ đạo triển khai Đề án Chuyển đổi số, Đề án xây dựng thành phố thông minh, các dự án/đề án có liên quan và các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo giao.
Trụ sở Văn phòng Chuyển đổi số đặt tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng và sử dụng con dấu của Sở Thông tin và Truyền thông để ban hành văn bản của Văn phòng trong triển khai các nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chuyển đổi số Đà Nẵng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông kiêm nhiệm Chánh Văn phòng; Lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố và Lãnh đạo Sở Nội vụ kiêm nhiệm Phó Chánh Văn phòng. Thành viên Văn phòng Chuyển đổi số là đại diện các cơ quan, địa phương hiện nay đang làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và bổ sung một số thành viên là đại diện một số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp ký kết hợp tác chuyển đổi số với UBND thành phố; đại diện Thành đoàn Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn. Văn phòng Chuyển đổi số hình thành các tổ chuyên môn để nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực chuyên ngành.
Văn phòng Chuyển đổi số tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Đà Nẵng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách (bao gồm cơ chế tài chính) và giải pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra là đầu mối tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số cụ thể tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố; Đầu mối kết nối và tổ chức các hoạt động phục vụ tư vấn chuyển đổi số của các lãnh đạo, chuyên gia cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Đồng thời giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch, giải pháp xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số tại Đà Nẵng; theo dõi công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số.
Kinh phí hoạt động Văn phòng Chuyển đổi số do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm của Sở Thông tin và Truyền thông và các nguồn kinh phí hợp pháp khác quy định của pháp luật. theo
Kinh phí hoạt động được sử dụng để chi cho các hoạt động của Văn phòng Chuyển đổi số theo quy định hiện hành. Trong quá trình hoạt động, trường hợp phát sinh các nhiệm vụ chi đặc thù, Văn phòng Chuyển đổi số phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính đề xuất Trưởng Ban xem xét và trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thành lập Ban Tổ chức địa phương Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2022
Ngày 16-5, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ký ban hành văn bản số 1318/QĐ-UBND về thành lập Ban Tổ chức địa phương Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2022.
Theo đó, Ban Tổ chức địa phương Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2022 do ông Trần Phước Sơn -Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch làm Phó Trưởng ban thường trực. Các Phó trưởng ban gồm: Ông Nguyễn Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Trung tá Nguyễn Đại Đồng - Phó Giám đốc Công an thành phố; 4. Ông Đinh Quang Cường - Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố. Ngoài ra, mời đại diện lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam; mời ông Lê Hùng Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam; mời đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam tham gia làm Phó trưởng ban. Các ủy viên của Ban là lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Ban Tổ chức có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên để điều hành, tổ chức Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng đúng mục đích, yêu cầu kế hoạch đề ra, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và đạt kết quả tốt.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hiệu lực sau khi Ban Tổ chức hoàn thành nhiệm vụ.
Thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022
Ngày 16-5, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1328/QĐ-UBND về thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến là Trưởng ban Ban Chỉ đạo cấp thành phố Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Nguyễn Minh Thành làm Phó Trưởng ban Thường trực. Ban chỉ đạo có 16 Phó Trưởng ban, 14 ủy viên và 2 thư ký.
Ban Chỉ đạo cấp thành phố Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện tất cả các hoạt động chuẩn bị, tổ chức thực hiện Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo đúng quy định của Quy chế thi. Đồng thời, kiểm tra các ban ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi trong tổ chức Kỳ thi; xem xét, giải quyết các kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thi. Báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia và Chủ tịch UBND thành phố về tình hình tổ chức thi, việc thực hiện Quy chế thi và đề xuất xử lý các tình huống xảy ra trong tổ chức Kỳ thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và các Ban của Hội đồng thi, giúp cho Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạp, kiểm tra kế hoạch tổ chức thi theo đúng Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ủy quyền cho Sở Ngoại vụ một số nội dung liên quan đến công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
Ngày 16-5, Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành Quyết định số 1329/QĐ-UBND về Ủy quyền cho Sở Ngoại vụ một số nội dung liên quan đến công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Đà Nẵng.
Theo đó, ủy quyền cho Sở Ngoại vụ các nội dung: Cho ý kiến với Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đối với hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung các loại Giấy Đăng ký (Giấy Dăng ký hoạt động, Giấy Đăng ký lập Văn phòng dự án, Giấy Đăng ký lập Văn phòng đại diện) và chấm dứt hoạt động của các tổ chức PCPNN có địa bàn hoạt động tại Đà Nẵng không có tính chất phức tạp, nhạy cảm; Báo cáo công tác quản lý hoạt động và vận động viện trợ PCPNN tại thành phố Đà Nẵng định kỳ 6 tháng/hàng năm hoặc khi được yêu cầu gửi Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và đồng gửi Bộ Ngoại giao.
Các trường hợp ủy quyền được sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị được ủy quyền.
Sở Ngoại vụ có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung được ủy quyền và theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các vấn đề chưa được quy định, vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, cho ý kiến quyết định trước khi thực hiện. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền. Không được ủy quyền tiếp đối với các nội dung đã được ủy quyền tại Quyết định này. Báo cáo UBND thành phố kết quả triển khai, thực hiện nội dung được ủy quyền theo quy định.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 30-6-2026.
Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường công tác phối hợp của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình và thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh, ngày 16-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến ký ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em".
Tháng hành động vì trẻ em cần được triển khai sâu rộng, đều khắp trong các ngành, hội, đoàn thể, địa phương và đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; gắn việc tuyên truyền giáo dục với việc tổ chức các hoạt động thiết thực vì trẻ em. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em; tạo môi trường sống an toàn và lành mạnh cho mọi trẻ em.
Thời gian thực hiện từ ngày 1-6-2022 đến 30-6-2022.
Các hoạt động được triển khai trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 gồm: Tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em và các sự kiện trong Tháng hành động vì trẻ em, trao tặng học bổng, dụng cụ học tập và quả cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (dự kiến trong thời gian từ ngày 26-31/5/2022). Thăm một số cơ sở trợ giúp trẻ em. Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức Ngày hội tuổi thơ vào đầu tháng 6/2022. UBND các quận, huyện tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em trong thời gian vào cuối tháng 5 hoặc ngày 01/6/2022 phù hợp với biện pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em tại địa phương.
Hoạt động truyền thông: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em và các Nghị định, Chỉ thị về bảo vệ trẻ em. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử và các hình thức khác về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em trong gia đình; truyền thông về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và Tổng đài 1022 của thành phố để cơ quan, tổ chức, người dân, trẻ em biết, liên hệ khi có nhu cầu thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động trẻ em và khi cần sự trợ giúp.
Hoạt động kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em: Triển khai việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, cộng đồng dân cư giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, bổ ích; hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em. Tổ chức các hoạt động văn lịch, tham quan, giao lưu cho trẻ em của từng đơn vị, địa phương và tuân hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du với nội dung bổ ích, phù hợp với điều kiện thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19.
Hoạt động bảo vệ trẻ em: Chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ phối hợp liên ngành về công tác trẻ em trong việc thông tin kết nối, hỗ trợ, can thiệp và xử lý kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời các khu vực nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã đối với trẻ em.
Vận động xã hội, thăm hỏi, hỗ trợ, chăm sóc trẻ em: Vận động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, học bổng, dụng cụ học tập và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ - trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xây dựng các công trình t điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị vi dành cho trẻ em.
Hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em: Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em (diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, khảo sát lấy kiến trẻ em thông qua ứng dụng di động dành cho trẻ em của thành phố “Tre em DaNang”...) để trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đối với các vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em và tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em tại địa phương đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và tuân thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em và có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn.
Các sở, ban, ngành, Hội – Đoàn thể và UBND các quận, huyện theo chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai Tháng hành động vì trẻ em.
Nâng, hạ và khai thác đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi
Ngày 17-5, UBND thành phố ban hành văn bản số 2663/UBND-SGTVT về liên quan đến nâng, hạ và khai thác đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố có thống nhất phương án khai thác nâng, hạ cầu và đi bộ trên cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Việc nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi 01 lần/ngày vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần và các ngày lễ, Tết trong khung giờ từ 16h00 đến 18h00; trước mắt thí điểm trong 02 tuần đầu của tháng 6-2022, làm cơ sở đánh giá hiệu quả về khai thác du lịch khi nâng, hạ cầu cũng như đánh giá công tác phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng.
UBND thành phố giao Sở Du lịch, tổng kết, đánh giá khai thác du lịch, nhu cầu của du khách đối với việc nâng, hạ cầu sau thời gian thí điểm nêu trên, gửi về Sở Giao thông vận tải trước ngày 20/6/2022 để Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Về khai thác đi bộ trên cầu, để đề phòng nguy cơ đám đông giẫm đạp lên nhau và đảm bảo an toàn cho công trình cầu, số lượng người không quá 200 người trên 01 nhịp. Nghiêm cấm tổ chức diễu hành trên cầu.
Ngoài ra, để người dân và du khách tham quan được biết việc nâng, hạ nhịp cầu và khai thác đi bộ trên Nguyễn Văn Trỗi cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quá trình thực hiện, UBND thành phố đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông thông báo đến các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng để người dân được biết chủ trương và thời gian nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc Công an các quận: Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn chủ trì, phối hợp Công ty Cổ phần Cầu đường Đà Nẵng bố trí barie chốt chặn tại 02 đầu cầu, không cho người dân và du khách lên cầu trong suốt quá trình nâng, hạ nhịp cầu nhằm đảm bảo an toàn; Chủ trì, phối hợp Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác điều tiết, hướng dẫn, đảm bảo giao thông trên các trục đường lân cận khu vực 02 đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi trong suốt quá trình nâng, hạ nhịp cầu; Chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian nâng, hạ nhịp cầu.
Sở Giao thông vận tải lắp đặt bảng Nội quy tại 02 đầu cầu để người dân được biết, thực hiện.
Phê duyệt danh sách 168 trường hợp được hỗ trợ miễn tiền thuê nhà liền kề thuộc sở hữu nhà nước do ảnh hưởng dịch COVID-19
Ngày 18-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam ký ban hành văn bản số 1357/QĐ-UBND phê duyệt danh sách được hỗ trợ miễn tiền thuê nhà liền kề thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo đó, UBND thành phố phê duyệt danh sách 168 trường hợp đang thuê nhà liền kề thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố được hỗ trợ miễn tiền thuê nhà 03 tháng: 7, 8, 9-2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Số tiền được miễn là 49.065.000 đồng.
UBND thành phố giao Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà thực hiện miễn tiền thuê nhà theo quy định, đồng thời chịu trách nhiệm về số liệu tại Báo cáo số 3569/BCTTQLKTN ngày 21-12-2021.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
CỔNG TTĐT TP