Nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn
Ngày 23-5, dưới sự chủ trì của đồng chí Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố, UBND thành phố đã tổ chức Hội nghị Đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính và công tác văn thư lưu trữ năm 2012. Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tham dự Hội nghị.

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến trao Chứng nhận cho các đơn vị dẫn đầu.

Nhiều tiến bộ vượt bậc
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2012 kết quả công tác cải cách hành chính của cả 3 khối cơ quan trên địa bàn thành phố đã có những bước tiến bộ rõ rệt so với các năm trước. Tổng điểm bình quân của 3 khối đã tăng từ 82,1 % lên đến 88,2% với sự xếp hạng chung là khá đến rất tốt. Đặc biệt là nhóm cơ quan trung ương gồm 5 đơn vị ( BHXH, Hải quan, Thuế, Kho bạc, Công an) đều được xếp loại rất tốt. Điểm mạnh của các cơ quan trung ương là công tác chỉ đạo điều hành, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Khối sở ban ngành của thành phố có 20 đơn vị thì có 11 đơn vị được xếp loại rất tốt, 7 đơn vị xếp loại tốt và 2 đơn vị xếp loại khá. Điểm mạnh của các đơn vị này là việc chỉ đạo điều hành, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC . Nhiều sở đã có những mô hình, sáng kiến trong thực hiện CCHC qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy vậy, hạn chế của nhóm cơ quan của thành phố là việc ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, kiểm soát thủ tục hành chính, việc nâng cao quy mô và chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công …đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành.

Tuy có kết quả đánh giá, xếp hạng thấp hơn hai khối trên, nhưng khối quận, huyện cũng đã có nhiều mặt cải thiện trong công tác CCHC. Hạn chế của khối này nằm ở việc ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính công.

Đây là lần thứ 5 Đà Nẵng tiến hành việc đánh giá xếp hạng công tác cải cách hành chính đối với các đơn vị cơ quan trên địa bàn thành phố. Trong lần này, với cách làm có nhiều điểm mới, đặc biệt là bộ chỉ số theo dõi đánh giá xếp hạng CCHC được xây dựng đảm bảo tính khoa học, khách quan hơn đã không chỉ đem lại một cái nhìn tống thể về công tác CCHC của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố mà đã giúp các đơn vị tự nhìn nhận lại mình, biết được những điểm mạnh, điểm hạn chế để từ đó có các biện pháp cải thiện mạnh mẽ hơn. Cùng với Bộ chỉ số đánh giá, Sở Nội vụ, đơn vị giúp UBND thành phố trong công tác này đã tiến hành thu thập thông tin từ các cơ quan đơn vị, lấy phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng và tiến hành kiểm tra thực tế tại các đơn vị. Theo ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ thì đây chính là việc đánh giá dựa vào kết quả “đầu ra” (tức là việc đánh giá dựa trên các kết quả phản ảnh mức độ phục vụ của cơ quan nhà nước đối với nhân dân) với nguyên tắc công khai, dân chủ công bằng. Với cách làm này, các đơn vị đã phải “tâm phục, khẩu phục” dù không khỏi làm cho một vài đơn vị phiền lòng vì sự khiếm khuyết của đơn vị mình.

Đánh giá toàn diện hoạt động của đơn vị

Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc đánh giá xếp hạng CCHC hàng năm đối với các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố. Tuy chỉ là việc đánh giá kết quả trên 8 chỉ số cơ bản về CCHC nhưng qua đó có thể phản ánh được “sức khỏe” của từng đơn vị và khả năng mức độ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ví dụ như việc đánh giá tiêu chí về xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hoặc tiêu chí về thực hiện cơ chế một cửa cũng đồng thời là sự phản ảnh về chất lượng phục vụ của các đơn vị. Nếu sự “méo mó” trong biểu đồ hình sao càng nhiều thì cũng đồng nghĩa là đơn vị đó càng có nhiều mặt hạn chế, yếu kém.

Mặt khác, các chỉ số về thực hiện CCHC tuy không thể hiện rõ nhưng cũng “tham gia” trong hầu hết các tiêu chí đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hiện đang là những chỉ số quan trọng cấp quốc gia. Khi đánh giá về tính minh bạch và tiếp cận thông tin hay tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh trong bộ chỉ số PCI thì cũng có thể trích dẫn các số liệu từ tiêu chí về hiện đại hóa quản lý hành chính và chỉ đạo điều hành công tác cải cách hành chính từ bộ chỉ số CCHC. Cũng như 2 chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PAPI là mức độ công khai minh bạch và kiểm soát tham nhũng là hai chỉ số mà Đà Nẵng có mức điểm tăng cao nhất của năm 2012, hoặc 2 chỉ số về thủ tục hành chính công và dịch vụ công của Đà Nẵng cũng ở thứ bậc cao đã góp phần chủ yếu để đưa vị trí xếp hạng của thành phố từ vị trí số 11 năm 2011 lên thứ 2 năm 2012. Và chính ở đây, chúng ta cũng thấy rõ sự cải thiện (hoặc kém dần) của các trục chỉ số PCI hay PAPI có mối quan hệ khá chặt chẽ với những nỗ lực trong CCHC của thành phố. Như vậy việc đánh giá và xếp hạng CCHC không chỉ đơn thuần là sự so sánh giữa các đơn vị về mức độ thực hiện CCHC mà còn làm cơ sở để đánh giá mức độ phụ vụ của đội ngũ cán bộ công chức, không chỉ đánh giá về năng lực hoạt động của chính quyền địa phương mà còn phản ảnh sức phát triển của địa phương đó.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho rằng, việc đánh giá hàng năm về công tác CCHC đã tạo động lực cho các đơn vị phấn đấu hơn nữa trong việc, nâng cao hiệu quả quản lý và không ngừng cải thiện các điều kiện phục vụ nhân dân. Vì vậy, việc này cần được tiến hành thường xuyên cùng với việc đẩy mạnh cuộc vận động “3 hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn) trên cơ sở nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa những tiêu chí đánh giá CCHC để phù hợp hơn với các đơn vị và với yêu cầu của sự phát triển.
 

Các đơn vị Cục Hải quan, Sở Nội vụ và quận Liên Chiểu đại diện cho các khối cơ quan Trung ương, sở ngành và quận huyện đã được xếp hạng Nhất; các đơn vị Cục Thuế, Sở Thông tin và Truyền thông và quận Thanh Khê được xếp hạng Hai; Kho bạc Nhà nước, Sở Văn hóa-Thể thao Du lịch và Sở Lao động –Thương binh và xã hội và quận Sơn Trà là các đơn vị được xếp hạng Ba.

LÊ HOA
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT