Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên các quận, huyện từ tháng 6-2017
Đó là chủ trương đã được Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng thống nhất tại cuộc họp với Sở GD&ĐT cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan về một số nội dung thuộc lĩnh vực GD&ĐT vào ngày 3-10.

Trung tâm GDTX, KTTH-DN các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà dự kiến sẽ được sáp nhập vào Trung tâm GDTX thành phố và đặt tại Trung tâm GDTX thành phố

 

Việc sáp nhập này được xác định là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt số lượng người làm việc, lấy thu bù chi, tiến dần đến việc các trung tâm này có thể tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động. Theo đó, việc sáp nhập các trung tâm GDTX sẽ được triển khai thực hiện theo địa bàn, tình trạng cơ sở vật chất, vị trí đất đai để thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động sau này đạt hiệu quả; đồng thời, việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy sẽ gắn liền với tinh giảm biên chế.

 

Dự kiến, Trung tâm GDTX, Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp và Dạy nghề (KTTH-DN) các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà sẽ được sáp nhập vào Trung tâm GDTX thành phố và đặt tại Trung tâm GDTX thành phố. Trung tâm GDTX, KTTH-DN các quận Hải Châu và Liên Chiểu sẽ được sáp nhập với quận Thanh Khê và đặt tại Trung tâm GDTX, KTTH-DN quận Thanh Khê. Trung tâm GDTX, KTTH-DN huyện Hòa Vang sẽ được sáp nhập vào quận Cẩm Lệ và đặt tại Trung tâm GDTX, KTTH-DN quận Cẩm Lệ. 03 trung tâm mới này sẽ được đổi tên thành Trung tâm GDTX thành phố số 1,2, 3 và chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GD&ĐT.      

 

Sau khi đã thực hiện việc sáp nhập, dự kiến cơ sở vật chất của Trung tâm GDTX, KTTH-DN các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Sơn Trà và huyện Hoà Vang sẽ được bàn giao cho các quận/huyện tương ứng để chuyển thành trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Riêng cơ sở vật chất của Trung tâm GDTX, KTTH-DN quận Hải Châu sẽ được bàn giao cho UBND quận Hải Châu; trong đó, cơ sở 1 sẽ chuyển thành trường mầm non, cơ sở 2 sẽ chuyển cho trường tiểu học Nguyễn Du để mở rộng thêm diện tích trường.

 

Báo cáo của Sở GD&ĐT tại cuộc họp cho biết, hiện nay, hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), đặc biệt là trung tâm GDTX quận, huyện gặp nhiều khó khăn do số lượng học sinh đầu vào các lớp bổ túc văn hoá bậc THCS, THPT, các lớp liên kết đào tạo ngành nghề ngày càng ít dần. Năm học 2015-2016, số lượng học sinh bổ túc THCS của tất cả 8 trung tâm GDTX chỉ có 6 lớp với 73 học sinh, bổ túc THPT có 50 lớp với 1.605 học sinh (bình quân mỗi trung tâm có chưa đến 7 lớp). Năm học 2016-2017 bổ túc THCS có 3 lớp với 37 học sinh, bổ túc THPT có 54 lớp với 1.750 học sinh. Đặc biệt, do số giáo viên giảng dạy (trong biên chế và lao động hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế) quá ít nên các trung tâm phải mời giáo viên các trường THPT trên địa bàn thỉnh giảng, nhưng số tiền chi trả cho tiết dạy lại thấp, nên rất khó khăn cho các trung tâm trong việc mời giáo viên giảng dạy. Nhìn chung, các trung tâm GDTX hoạt động đạt hiệu quả chưa cao trong khi nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho các trung tâm này hằng năm lại tương đối lớn.

 

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác