Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2017
Đăng ngày 21-03-2017 11:23, Lượt xem: 3370

PHẦN THỨ 1: TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

Năm 2016 là năm đầu tiên thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; năm diễn ra nhiều sự kiện lớn như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5), Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen do ảnh hưởng của tình hình chính trị và kinh tế trong nước và thế giới, UBND thành phố cùng các ngành, các cấp đã tập trung chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương của Chính phủ, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phù hợp, tình hình kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tăng trưởng GRDP đạt khá. Kết quả một số chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 136/NQ-HĐND như sau:

(1) Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 9,04% so với năm 2015 (NQ: 9-10%);

(2) Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 9,2% (NQ: 10-11%);

(3) Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,5% (NQ: 10,5-11,5%), trong đó công nghiệp ước tăng 11,3% (NQ: 11-12%);

(4) Giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm ước tăng 3,6% (NQ: 2-3%);

(5) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 9,6% (NQ: 15-16%);

(6) Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 18.227 tỷ đồng, đạt 122,3% dự toán HĐND giao (NQ: tăng 5% so với TW giao);

(7) Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 9,3% (NQ: tăng 9-10%);

(8) Tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm 4,05% (NQ: 4-5%), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47% (NQ: 47%) và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,8% (NQ: 3,8%);

(9) Tỷ lệ giảm sinh ước đạt 0,15%o (NQ: 0,1%o);

(10) Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm (chuẩn mới TP đến năm 2020) giảm còn 5,54% (NQ: 6,11%);

(11) Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu HĐND thành phố giao.

Kết quả cụ thể các lĩnh vực như sau:

1. Về kinh tế

1.1. Các lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định. Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng và duy trì định hướng cơ cấu kinh tế “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Giá trị sản xuất dịch vụ (giá SS2010) ước đạt 47.366 tỷ đồng, đạt 96,3% kế hoạch, tăng 9,2% so với năm 2015 (KH tăng 10-11%).

Dịch vụ du lịch tiếp tục khởi sắc, sôi nổi với nhiều sản phẩm du lịch mới[1]. Đặc biệt, Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 với nhiều hoạt động phụ trợ đặc sắc góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh thành phố đến bạn bè quốc tế. Thành phố tổ chức thành công các hoạt động trong sự kiện Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 (thu hút 40.000 lượt du khách lưu trú) và một số sự kiện, chương trình đặc sắc khác[2].

Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2020, trong đó tập trung phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch đường thủy nội địa, du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề và nâng cao chất lượng phục vụ lưu trú. Đến nay, thành phố có 85 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ USD[3]. Tổng lượt khách tham quan, du lịch năm 2016 ước đạt 5,51 triệu lượt, đạt 107,2% kế hoạch, tăng 17,7% so với năm 2015, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,67 triệu lượt, đạt 126,2% kế hoạch, tăng 31,6%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 15.979 tỷ đồng, đạt 107,1% kế hoạch, tăng 24,7%. Đến nay, thành phố có 20 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động, trong đó có 11 đường bay trực tiếp thường kỳ[4] và 9 đường bay trực tiếp thuê chuyến[5] kết nối hiệu quả với 21 thành phố của các nước trong khu vực.

Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, quản lý không để xảy ra tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch tại trung tâm thành phố và các điểm tham quan; theo dõi, kiểm tra tình trạng xử lý ăn xin biến tướng, bán hàng rong lấn chiếm lòng đường tại một số tuyến đường chính và các khu vực nhà hàng ven biển; kiểm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các bãi biển, các khu điểm du lịch, khu vực đỉnh đèo Hải Vân và đặc biệt tập trung kiểm tra hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch trái phép[6].

Hoạt động thương mại khá sôi động, nguồn hàng phong phú, đa dạng với nhiều sự kiện trong các dịp Lễ, Tết và thời điểm bước vào mùa du lịch như: Hội chợ Xuân 2016, Triển lãm Quốc tế Xây dựng Vietbuild 2016, Hội chợ Quốc tế Thương mại - Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng 2016 v.v.. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 77.050 tỷ đồng, đạt 91,2% kế hoạch, tăng 15,3% so với năm 2015 (KH tăng 16-17%).Nguyên nhân chưa đạt kế hoạch chưa đạt kế hoạch là do sức mua không tăng mạnh, thiếu gắn kết với hoạt động du lịch, thiếu các sản phẩm phục vụ du khách như: các trung tâm mua sắm giảm thuế, các mặt hàng lưu niệm đặc sắc v.v..

Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp xúc tiến đầu tư Trung tâm Thương mại chợ Cồn, quy hoạch khu vực chợ Hàn thành Quảng trường trung tâm đa chức năng, kết hợp với chợ truyền thống và các tuyến phố chuyên doanh; tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung - cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên[7] và với các doanh nghiệp tỉnh Bình Phước[8]. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường, tình hình thị trường ổn định, không xảy ra các hiện tượng biến động về giá, găm hàng, nâng giá bất hợp lý, ngăn chặn hiện tượng bán hàng giả, kém chất lượng v.v.. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2016 tăng 1,84% so với năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.300 triệu USD, đạt 86,9% kế hoạch năm, tăng 9,6% so với năm 2015 (KH tăng 15-16%). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu duy trì mức tăng khá như: cao su thành phẩm tăng 34,3%; sản phẩm gỗ và TCMN tăng 13,6%; đồ chơi trẻ em tăng 11,6%; thiết bị điện, viễn thông và sản phẩm điện tử tăng 10,3%; riêng hàng dệt may tăng thấp (tăng 3,2%) do nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chính giảm, các doanh nghiệp dệt may cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, giá xuất khẩu giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng và phải cạnh tranh mạnh với các thị trường xuất khẩu khác; thủy sản xuất khẩu giảm 13,5% do thiếu hụt nguyên liệu và đơn hàng hạn chế do các đối tác vẫn lo ngại về chất lượng thủy sản tại khu vực miền Trung. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.115 triệu USD, đạt 85,4% kế hoạch năm, tăng 3,2%.

Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Doanh thu vận tải ước đạt 8.713 tỷ đồng, đạt 113,4% kế hoạch, tăng 5,2%; khối lượng hàng hóa qua Cảng ước đạt 7,1 triệu tấn, đạt 102,9% kế hoạch, tăng 10,9%, trong đó vận chuyển container tăng 10,8%. Thành phố đã đưa vào vận hành 05 tuyến xe buýt trợ giá, phối hợp với tỉnh Quảng Nam thống nhất mở tuyến xe buýt R1 (Sân Bay Đà Nẵng - Hội An) có dịch vụ tiêu chuẩn BRT thuộc Hợp phần 2 Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng[9] và phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư tuyến xe buýt liên tỉnh giữa 02 địa phương. Tập trung xử lý tình trạng ùn tắc giao thông như: tổ chức giao thông một chiều trên 06 tuyến đường, cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ trên 16 đoạn, tuyến đường trong nội thành; xử lý 97 vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông, cải tạo, nâng cấp, điều chỉnh tổ chức giao thông một số nút giao thông trọng điểm v.v.. Công tác quản lý vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa được chấn chỉnh[10].

Hoạt động thông tin - truyền thông phát triển khá. Doanh thu toàn ngành ước đạt 19.915 tỷ đồng, đạt 102,1% kế hoạch, tăng 4,5% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 58 triệu USD, đạt 101,8% kế hoạch, tăng 17%, tập trung chủ yếu vào các thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Âu. Thành phố thường xuyên chỉ đạo, giám sát triển khai sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin, trong năm 2016 đã sắp xếp, chỉnh trang hơn 64,5 km cáp tại 213 đoạn/tuyến, tăng 37,9% so với năm 2015. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) 7 năm qua, thành phố đã phê duyệt 47 chương trình, dự án, tổng kinh phí 7 tỷ đồng để triển khai nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố.

Hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng nguồn vốn huy động năm 2016 ước đạt 100.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước thực hiện 90.000 tỷ đồng, tăng 21,3%. Đến ngày 30/10/2016, các ngân hàng đã cho 1.322 khách hàng vay hỗ trợ nhà ở với tổng dư nợ đạt 432,7 tỷ đồng.

1.2. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS2010) ước đạt 50.627 tỷ đồng, đạt 103,3% kế hoạch, tăng 11,3% so với năm 2015 (KH tăng 11-12%); Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 12,3% (KH tăng 10,8%). Một số ngành sản xuất tăng trưởng cao so với cùng kỳ do có thị trường tiêu thụ ổn định và mở rộng thị trường, có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng đã đi vào giai đoạn khai thác phát huy công suất như: sản xuất bê tông (45%); sản xuất cấu kiện kim loại (35,8%); sản xuất dụng cụ thể dục thể thao (33,3%); sản xuất săm lốp cao su (22,3%); sản xuất sản phẩm điện tử-máy vi tính (17,3%); sản xuất vải dệt thoi (13,1%). Bên cạnh đó, một số ngành hàng giảm sút chủ yếu do khó khăn lớn về nguồn nguyên liệu và cạnh tranh thị trường, số lượng đơn hàng giảm như: sản xuất dây bện và lưới giảm 22,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 4,4%; chế biến thủy sản giảm 2,1% v.v..

Thành phố đã xây dựng và trình HĐND thành phố thông qua chính sách khuyến công địa phương và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổ chức 02 đợt làm việc với hơn 50 doanh nghiệp để nắm thông tin về tình hình hoạt động và các vướng mắc, khó khăn, xử lý 15 lượt kiến nghị và gửi Bộ Công Thương đề nghị xử lý 06 lượt kiến nghị; tập trung xây dựng hạ tầng Khu Công nghệ cao, đến nay đã thu hút được 04 dự án đầu tư, trong đó có 03 dự án sản xuất công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 137 triệu USD (02 dự án FDI 100% vốn Nhật Bản) và 01 dự án nghiên cứu công nghệ với vốn đầu tư 10 tỷ đồng.

1.3. Giá trị sản xuất thuỷ sản - nông - lâm (giá SS2010) ước đạt 2.048 tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch, tăng 3,6% so với năm 2015 (KH tăng 2-3%); sản lượng khai thác ước đạt 34.000 tấn, đạt 100% kế hoạch, giảm 1,4% so với năm 2015 do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung.

Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển năng lực khai thác hải sản xa bờ[11], năng lực khai thác tăng khá với tổng số tàu thuyền công suất 90 Cv trở lên đạt 435 chiếc, tăng 20,7% so với năm 2015, riêng tàu công suất 400 Cv trở lên đạt 313 chiếc, tăng 46,3%[12]. Phê duyệt và cấp kinh phí để triển khai thực hiện Đề án giảm tàu công suất dưới 20 Cv, thúng máy khai thác ven bờ. Dự án Nâng cấp Cảng cá Thọ Quang thành Cảng cá loại I cấp quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai công tác Quy hoạch Trung tâm nghề cá thành phố Đà Nẵng. 

Năng suất vụ Đông - Xuân đạt bình quân 60 tạ/ha, tăng 0,5-1 tạ/ha so với vụ Đông - Xuân 2014-2015  và vụ Hè Thu ước đạt 59,8 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha. Chỉ đạo, đẩy mạnh sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại 05 vùng rau an toàn và triển khai các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi giá trị, hình thành các cửa hàng tiêu thụ rau, sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tình hình chăn nuôi ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh.

Công tác quản lý bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo[13]. Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, năm 2016 đã xảy ra 16 vụ phát lửa, cháy trên diện tích 132,51 ha[14], các lực lượng chức năng đã phối hợp kịp thời ứng phó xử lý, khắc phục hậu quả, đồng thời tổ chức trực 24/24 trong thời điểm nắng nóng. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã tổ chức 381 đợt kiểm tra tại rừng, phát hiện và lập biên bản 55 trường hợp vi phạm[15], thu nộp ngân sách 568 triệu đồng.

2. Thu hút đầu tư trong, ngoài nước và các hoạt động đối ngoại

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước thực hiện đạt 34.275 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2015 (KH tăng 9-10%), trong đó vốn đầu tư từ khu vực dân doanh, đầu tư trong nước và dân cư tăng cao so với tổng vốn đầu tư, ước đạt 24.900 tỷ đồng, chiếm 72,7% tổng vốn đầu tư phát triển.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dân doanh duy trì ổn định và có mức tăng trưởng cao trong lĩnh vực du lịch. Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, thường xuyên rà soát, báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật; chủ động rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư; ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ thực hiện các giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017 trên địa bàn thành phố, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng năm 2016”; hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn thành phố; tổ chức hội nghị đối thoại Doanh nghiệp 2016 với hơn 300 doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp tham gia v.v..

Đến nay, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.827 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 12.650,3 tỷ đồng, tăng 33,4% về số doanh nghiệp và tăng 32,8% về vốn so với năm 2015. Hướng dẫn, hỗ trợ 765 doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp qua mạng, chiếm 20% hồ sơ thành lập mới. Công tác quản lý sau cấp phép đăng ký doanh nghiệp được duy trì, có 368 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể; 1.015 doanh nghiệp khó khăn, hoạt động kinh doanh không hiệu quả đăng ký tạm ngừng hoạt động và 81 doanh nghiệp đăng ký khôi phục hoạt động trở lại trước thời hạn. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 18.680  doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 90.600 tỷ đồng.

Trong năm 2016, thành phố đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 dự án trong nước, vốn đầu tư 4.738,6 tỷ đồng[16] và quyết định chủ trương đầu tư cho 07 dự án, vốn đầu tư 13.112,76 tỷ đồng[17]; ngoài ra, đã cấp phép xây dựng cho 2.288 dự án thực hiện đầu tư trên địa bàn thành phố. Riêng lĩnh vực du lịch, lũy kế đến nay, thành phố có 85 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ USD[18].

Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được chú trọng, thành phố đã đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động vận động, xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực và đối tác cụ thể, đặt trọng tâm vào công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; ban hành và triển khai thực hiện Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020; tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực CNTT&TT (Danang ICTD). Năm 2016, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 53 dự án FDI (đạt 80,3% so với năm 2015), tổng vốn đầu tư 16,7 triệu USD (đạt 37,4%), điều chỉnh tăng vốn cho 13 dự án (tăng 01 dự án) với tổng vốn tăng thêm là 32,7 triệu USD (đạt 52,7% so với năm 2015) và 01 dự án giảm vốn[19], số vốn giảm là 14,3 triệu USD. Đến nay, thành phố có 430 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,98 tỷ USD đạt 53,8% tổng vốn đăng ký và có 17 dự án đang trong giai đoạn xúc tiến, tổng mức đầu tư dự kiến 650 triệu USD. Hiện các nhà đầu tư đang phối hợp với các sở, ban, ngành để tìm hiểu, xác định vị trí đất, các thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch.

Tuy tổng vốn đầu tư FDI cấp mới và tăng thêm năm 2016 còn thấp (giảm khoảng 57,3 triệu USD so với năm 2015, tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng)[20], song kết quả thu hút đầu tư trong nước và đăng ký doanh nghiệp dân doanh tăng khá (tăng 33,4% về số doanh nghiệp và tăng 32,8% về vốn so với năm 2015) góp phần bù đắp sự giảm sút của đầu tư nước ngoài và đóng góp lớn cho tăng trưởng ổn định của thành phố, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Tuy tổng vốn đầu tư FDI cấp mới và tăng thêm năm 2016 còn thấp (giảm khoảng 57,3 triệu USD so với năm 2015, tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng)[21], song kết quả thu hút đầu tư trong nước và đăng ký doanh nghiệp dân doanh tăng khá (tăng 33,4% về số doanh nghiệp và tăng 32,8% về vốn so với năm 2015) góp phần bù đắp sự giảm sút của đầu tư nước ngoài và đóng góp lớn cho tăng trưởng ổn định của thành phố, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Hoạt động thu hút và xúc tiến các dự án ODA đạt kết quả tốt. Thành phố hiện có 05 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư trên 390 triệu USD, trong đó vốn ODA đạt 314 triệu USD, chiếm 80%. Các dự án tập trung vào đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, cấp, thoát nước, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, cải cách công tác hành chính của thành phố v.v… Tổng giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng năm 2016 ước đạt 626,4 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA ước đạt 386,7 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch, vốn đối ứng 239,7 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch. Thành phố đang tích cực làm việc với các Bộ ngành Trung ương và các nhà tài trợ để xúc tiến chủ trương đầu tư và vận động tài trợ ODA cho các dự án quan trọng, chiến lược của thành phố như: Cải thiện môi trường nước, Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng, Xây dựng Cảng Liên Chiểu, Xây dựng nhà máy nước Hòa Liên, Di dời ga đường sắt và Tái phát triển đô thị. Thành phố cũng đã phê duyệt 71 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), tổng giá trị cam kết ước đạt 161,24 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND về Quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Quyết định số 3926/QĐ-UBND về ban hành một số nội dung hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển từ xã hội. Đến nay, thành phố đã triển khai 26 dự án theo hình thức PPP, nguồn vốn đầu tư huy động từ khu vực tư nhân đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp nước, thoát nước, trụ sở công, đầu tư trang thiết bị… Các dự án đã phục vụ đáng kể cho mục tiêu phát triển hạ tầng, an sinh xã hội của thành phố.

Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường. Lãnh đạo thành phố đã tiếp và làm việc với 75 đoàn khách quốc tế, tăng 03 đoàn so với cùng năm 2015, tiêu biểu có các đoàn: đoàn Thủ tướng Slovakia; đoàn Phó Thủ tướng , Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào; đoàn Bí thư, Tỉnh trưởng Savannakhet; đoàn Đại diện đặc biệt của Tổng Thư kí LHQ về chống bạo lực đối với trẻ em v.v.. Đến nay, thành phố đã thiết lập quan hệ hợp tác với 37 địa phương của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với 65 thỏa thuận được ký‎ kết. Thành phố đã tổ chức các sự kiện ngoại giao, văn hóa như: Lễ hội hoa anh đào 2016, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật 2016, Lễ hội Việt – Hàn, các cuộc họp Ban chỉ đạo APEC 2017, các Tiểu ban, Ban Thư ký APEC 2017, thăm và làm việc với các tỉnh Nam Lào v.v.. Đặc biệt, thành phố Yokohama đã hỗ trợ Đà Nẵng tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật để triển khai nghiên cứu các dự án quan trọng như: Nghiên cứu Phát triển Cảng Liên Chiểu, dự án Quản lý chất thải rắn nhằm đẩy mạnh phân loại và tái chế tại thành phố Đà Nẵng, các dự án chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng v.v..

3. Quản lý quy hoạch, đô thị, đầu tư - xây dựng cơ bản và tài nguyên môi trường

Thành phố đã sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại và ban hành quy chế làm việc của các Ban Quản lý dự án trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và hoàn thành báo cáo chuyên đề Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm. Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế - dự toán, thẩm định đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng quy trình và luật định. Từ đầu năm đến nay, đã phê duyệt 560 hồ sơ đấu thầu, trong đó 277 hồ sơ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 127 hồ sơ kết quả lựa chọn nhà thầu, 156 hồ sơ điều chỉnh bổ sung giá trị trúng thầu; tổng giá trúng thầu là 1.067 tỷ đồng, qua đấu thầu, đã tiết kiệm cho ngân sách thành phố 22 tỷ đồng (chưa kể các gói thầu tư vấn giảm trước 5% so với dự toán được phê duyệt). Dự kiến tổng chi XDCB nguồn vốn ngân sách năm 2016 là 5.310 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch

Nguồn vốn xây dựng cơ bản được ưu tiên tập trung đầu tư cho các các công trình và nhóm công trình trọng điểm, công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, thực hiện đền bù giải tỏa để bố trí tái định cư, thực hiện các công trình cấp bách, an sinh xã hội v.v.. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân thành phố, đến nay một số công trình trọng điểm đã hoàn thành gồm: Trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc (giai đoạn 1), Trạm Xử lý nước thải Sơn Trà (thuộc Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng), góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm; đưa vào sử dụng Cung văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Hải Châu (giai đoạn 1). Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Trung tâm Tim mạch bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Trung tâm huấn luyện đào tạo vận động viên tại Khu Liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân (g/đ 1), Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng), Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (đường vành đai phía Nam, tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương, đường Nguyễn Tất Thành nối dài). ). Năm 2016, nhiều tuyến đường trong các khu dân cư đã được thảm nhựa, tạo điều kiện đi lại, sinh hoạt cho dân cư với số vốn đã bố trí 39,5 tỷ đồng.

Nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường học đảm bảo học sinh tiểu học được học ngày hai buổi, đến cuối năm 2016 có 28/34 trường tiểu học hoàn thành, đưa vào sử dụng 208 phòng học phục vụ cho năm học 2016-2017. Ngoài ra, nhiều công trình trường học được ưu tiên nguồn lực đầu tư, đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Các công trình giao thông, y tế, văn hóa, xã hội, hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư đã hoàn thành như Tuyến đường Trục I Tây Bắc, HTKT Khu số 2 và số 7 Trung tâm Đô thị mới Tây Bắc, hoàn thành đầu tư hạ tầng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 5 (ABG 5), Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH8; cơ bản hoàn thành tuyến đường Tôn Đản - Lê Trọng Tấn đi Quốc lộ 14B, Tuyến đường từ đường ĐT 602 vào Nghĩa trang Hòa Ninh, Cải tạo, nâng cấp đường Nam Cao, Nâng cấp đường Bà Huyện Thanh Quan (đoạn cuối tuyến), Nâng cấp đường vào di tích K20, Nâng cấp đường Chế Lan Viên, Trung tâm  y tế quận Cẩm Lệ, Khu điều trị lão khoa tại Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bể bơi tại Trung tâm VHTT quận Thanh Khê, Cảnh quan công viên, vườn dạo tại các khu dân cư nhằm tạo không gian vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho người sống khu vực xung quanh, Chung cư 201 Đống Đa, Chung cư 11 tầng tại khu dân cư Phong Bắc, Chung cư thu nhập thấp tại Khu tái định cư Phước Lý,...

Thành phố cũng đã khởi công xây dựng nhiều công trình như: Nhóm công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 (Cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường đối ngoại và đối nội, Cải tạo, sửa chữa Cung Thể thao Tuyên Sơn để phục vụ việc dự phòng địa điểm tổ chức Gala Dinner tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Cải tạo Trung tâm Hội chợ triển lãm thành thành Trung tâm báo chí phục vụ công tác tuyên truyền tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017), Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Tuyến đường gom dọc đường sắt đoạn từ Ngã Ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm; Nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Trường Tiểu học Nguyễn Như Hạnh, Trường Tiểu học Hai Bà Trưng, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Trung tâm văn hóa thể thao quận Hải Châu, Nâng cấp mở rộng Trung tâm bảo trợ xã hội, Mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy và Quản lý sau cai nghiện tập trung tại Bàu Bàng, Nâng cấp đê kè sông, đê kè biển nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng nhân dân trong mùa mưa lũ, Lắp đặt hệ thống cấp nước sạch phục vụ nhân dân các xã huyện Hòa Vang, Lắp đặt camera quan sát an ninh giao thông trật tự trên địa bàn thành phố, trụ sở các cơ quan Đảng, Đoàn thể và HĐND thành phố v.v..

Đẩy nhanh công tác đền bù, giải toả, bố trí tái định cư đối với các dự án: Khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân, Nâng cấp, xử lý ngập úng khu vực Tổ 17, 18, 19 khu vực Bình Hòa, phường Khuê Trung, Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Tuý Loan, chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án, công trình trong Nghị quyết 33-NQ/TW, Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị, Tuần lễ cấp cao APEC 2017; tạo điều kiện để triển khai một số dự án lớn như: Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng,  Bệnh viện Quốc tế Vinmec, Công viên Đại dương v.v..

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đô thị, xây dựng, kiến trúc, tài nguyên, môi trường như: cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực quản lý, bố trí chung cư. Trong năm 2016, đã phê duyệt 263 đồ án quy hoạch xây dựng, tổng diện tích 5.621,3 ha; phê duyệt 58 đồ án ranh giới quy hoạch sử dụng đất, tổng diện tích 12.132,3 ha; tổ chức kiểm tra 217 lượt công trình, phát hiện và xử lý 146 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, ban hành 146 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 2,3 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản và tài nguyên nước, ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết các điểm nóng về môi trường mang lại những chuyển biến tích cực, như: khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, sông Phú Lộc, trạm Sơn Trà, các khu đất trống; kiểm tra 65 cơ sở trong các KCN và các hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị, hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm, Làng đá Mỹ nghệ Non Nước, Khu neo đậu Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Chợ đầu mối Thủy sản Đà Nẵng, Trung tâm Giết mổ gia súc.v.v..; thực hiện Chương trình quan trắc môi trường tổng hợp[22], quan trắc, giám sát sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung[23]; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, giám sát việc xả thải tại trạm xử lý nước thải Phú Lộc, Hòa Xuân, Hòa Khánh, Đà Nẵng. Trong năm 2016, ngành chức năng đã tổ chức 32 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 58 đơn vị về lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý khoáng sản, tài nguyên nước, xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. 

4. Thu chi ngân sách

Thành phố đã tập trung chỉ đạo quản lý, điều hành thu ngân sách ngay từ đầu năm, đặc biệt đã tập trung bám sát dự toán, khai thác triệt để các nguồn thu, chống thất thu. Tiếp tục triển khai các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2016 ước thực hiện 18.227 tỷ đồng, đạt 122,3% dự toán, trong đó: thu nội địa ước 14.977 tỷ đồng, đạt 117,9% dự toán HĐND giao (trong đó thu tiền sử dụng đất 2.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán) và thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 3.250 tỷ đồng, đạt 147,7% dự toán.

Điều hành chi ngân sách tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả. Thực hiện cân đối, sắp xếp tổng dự toán đã giao đảm bảo đủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đúng với các chính sách, chế độ nhà nước quy định, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và và Chính phủ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 13.477,7 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán HĐND giao, trong đó: chi đầu tư phát triển 6.498,7 tỷ đồng, đạt 106,9% dự toán HĐND giao; chi thường xuyên 6.200 tỷ đồng, đạt 102,2% dự toán HĐND giao.

5. Về giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá - thể thao, lao động - thương binh - xã hội, Chương trình “5 không”, “3 có” v.v..

Về Khoa học và Công nghệ: Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ, triển khai tuyển chọn, đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố; tổ chức thẩm định, nghiệm thu các đề tài khoa học; đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN[24] nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân tổ chức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hoạt động ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ được chú trọng[25]. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm[26] và xây dựng văn bản thay thế Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tiếp tục mở rộng và đầu tư cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Công nghệ sinh học; tổ chức xét công nhận sáng kiến có tác dụng ảnh hưởng với thành phố Đà Nẵng năm 2016 và tổ chức thành công diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp thành phố.

Tăng cường quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đo lường chất lượng; hỗ trợ 05 tập thể đăng ký bảo hộ 09 đối tượng quyền sở hữu công nghiệp[27]; thanh tra, kiểm tra 203 cơ sở kinh doanh xăng dầu, thiết bị bức xạ, kinh doanh mũ bảo hiểm, phát hiện xử phạt 02 cơ sở vi phạm; tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Tuần lễ KH&CN.

Về Văn hóa - Thể thao: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy về thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”; ban hành và triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa – lễ hội hai bên bờ sông Hàn; Chương trình tổng thể các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp tổ chức thành công Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016 (ABG5). Tập trung chỉ đạo xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện “thành phố 4 an” gắn với chương trình “thành phố 5 không, 3 có”.

Nhiều công trình văn hóa được đầu tư nâng cấp như: Bảo tàng Điêu Khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật, Khu di tích K20; khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố; hoàn thành việc nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng lên bậc Cao đẳng; phê duyệt quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao cơ sở các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Thanh Khê và Hải Châu. Công tác quản lý di sản văn hóa được chú trọng đúng mức.

Hoạt động thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động như: Ngày chạy Olympic “vì sức khỏe toàn dân”, Cuộc thi VNG IRONMAN 70.3 Việt Nam và IRONKID Việt Nam, Đường chạy sắc màu v.v.. Đoàn thể thao Đà Nẵng tham gia thi đấu 95 giải quốc gia và quốc tế đạt 155 HCV, 193 HCB, 242 HCĐ; thành phố có 3 vận động viên tham dự Olympic Rio 2016 tại Brazil; Đội SHB Đà Nẵng đạt giải ba tại giải vô địch quốc gia V-League; Đội bóng rổ Đà Nẵng Dragon đoạt chức vô địch Giải Bóng rổ chuyên nghiệp quốc gia.

Về Giáo dục - Đào tạo: Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển mạng lưới trường lớp theo cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học; đảm bảo các điều kiện dạy 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học. Triển khai công tác quy hoạch sử dụng đất, chọn địa điểm xây dựng phát triển trường học theo quy hoạch đến năm 2020, đảm bảo diện tích đạt chuẩn quy định; tổ chức dạy - học bơi Hè 2016 tại các trường học, trung tâm văn hóa - thể thao các quận, huyện nhằm trang bị kỹ năng bơi và chống đuối nước cho học sinh; phối hợp triển khai Chương trình Sữa học đường tại 500 trường học. 

Về Y tế: Triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện ở tuyến thành phố, thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến hợp lý hơn trong khám chữa bệnh; duy trì tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân đạt 96%, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện giá dịch vụ y tế mới, từng bước tiến tới phương thức thu đúng thu đủ”. Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ trong công tác khám chữa bệnh, đạt trên 80% tỷ lệ hài lòng của người bệnh. Tình hình bệnh tương đối ổn định, tuy nhiên một số bệnh như: Sốt xuất huyết, Thủy đậu có tăng so với năm 2015. Thành phố đã tăng cường giám sát, điều tra, phát hiện, xử lý kịp thời các dịch bệnh lưu hành tại địa phương, ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài có khả năng xâm nhập vào thành phố Đà Nẵng.

Đôn đốc, đẩy nhanh các công trình trọng điểm năm 2016 như: Trung tâm Tim mạch Bệnh viên Đa Khoa Đà Nẵng, Khu đa chức năng và trang thiết bị Bệnh viện phục hồi chức năng thành phố, nâng cấp cơ sở và trang thiết bị Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, khánh thành đưa vào hoạt động khu Phẫu thuật Hồi sức tích cực chống độc và Đơn vị Điều trị Quốc tế tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo đề án “thành phố 4 an”, các ngành chứ năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 5.275/8.053 cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống, trong đó 4.852/5.275 cơ sở đạt điều kiện ATTP, xử phạt 69 cơ sở và cảnh cáo 362 cơ sở; tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, tập huấn nghiệp vụ quản lý cho cán bộ quản lý, kỹ thuật, tiến hành ký cam kết đối với cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, các bếp ăn tập thể trong các trường học v.v.. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 06 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Về Lao động - Thương binh - Xã hội: Các thành phần kinh tế trên địa bàn ước tạo việc làm cho 32.000 lao động, đạt 100% kế hoạch, trong đó lao động có việc làm tăng thêm đạt 21.846 lao động, tăng 4,05% so với năm 2015 (NQ: 4-5%); tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,8% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47%.

Thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công, thành phố đã giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên, một lần theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và Quyết định 290/QĐ-TTg cho 5.343 lượt đối tượng chính sách; tổ chức chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 22.000 đối tượng người có công, kinh phí hàng tháng trên 28 tỷ đồng; tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo 246 mẹ Việt Nam anh hùng và thực hiện Đề án sửa chữa nhà ở cho đối tượng người có công năm 2016 với 1.367 nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt 102,7% kế hoạch. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 34.000 đối tượng bảo trợ xã hội, tổng kinh phí trên 102 tỷ đồng. Số hộ thoát nghèo năm 2016 ước đạt 6.070 hộ, đạt 132% kế hoạch. Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố đã phối hợp với Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR) và Hội Cứu tế Đông nam Á (SEAR) thực hiện Chương trình giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm giáo dục dạy nghề 05-06 đã tiếp nhận 543 người nghiện. Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp đã tiến hành kiểm tra 306 cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ hoạt động mại dâm, qua kiểm tra phát hiện 69 cơ sở vi phạm hành chính, xử phạt 303,5 triệu đồng, đình chỉ 13 cơ sở và nhắc nhở 190 cơ sở.

6. Xây dựng chính quyền - Thanh tra - Tư pháp

Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được chuẩn bị chu đáo, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày bầu cử với tỷ lệ 99,8% cử tri đi bầu.

Thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sáp nhập 08 trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp thành 03 trung tâm; hợp nhất 02 Trung tâm dạy nghề Liên Chiểu và Hòa Vang thành 01 Trung tâm phù hợp với quy mô, yêu cầu nhiệm vụ và xu hướng xã hội hóa công tác giáo dục và đào tạo; báo cáo Bộ Nội vụ phê duyệt danh sách tinh giản biên chế năm 2016 với tổng số 82 trường hợp theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục phê duyệt Đề án vị trí việc làm một số cơ quan, đơn vị. Xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động tổ dân phố, thôn.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính, đạo đức công vụ và ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động quản lý. Tiếp tục hoàn thiện mô hình một cửa điện tử tập trung tại Trung tâm Hành chính thành phố; triển khai tiện ích hẹn giờ giao dịch hành chính; triển khai khung khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị; tiếp tục xây dựng các Đề án liên thông, liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của tổ chức, công dân thông qua tổng đài hành chính công; chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng góp ý (gopy.danang.gov.vn) để sẵn sàng nhận góp ý, phản ánh của người dân. Xây dựng và triển khai phần mềm kiểm soát thủ tục hành chính nội bộ của cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Tập trung triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành trên các lĩnh vực, nhất là về tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản v.v... Năm 2016, toàn ngành thanh tra đã triển khai 68 cuộc thanh tra hành chính, kết quả thanh tra đã phát hiện 43 đơn vị có vi phạm/106 đơn vị được thanh tra. Toàn ngành tư pháp đã thực hiện thẩm định 101 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của thành phố và tham gia góp ý 235 dự thảo văn bản. Trong lĩnh vực hộ tịch, thành phố đã ban hành Đề án triển khai thí điểm thực hiện trao Giấy khai sinh, BHYT, hộ khẩu tại gia đình trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thể hiện sự quan tâm thiết thực của chính quyền đối với trẻ em, đồng thời tạo bước chuyển biến mới trong cải cách thủ tục hành chính. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, Đội dự thi của thành phố Đà Nẵng đạt giải Nhất Hội thi hòa giải viên giỏi Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

7. Quốc phòng - An ninh

Tiếp tục quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường khả năng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền tuyến biển của thành phố, bảo vệ ngư dân hoạt động trên biển; tổ chức giao quân đạt 100% chỉ tiêu. Duy trì công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống cháy nổ, nhất là các dịp và sự kiện như: Lễ, Tết, bầu cử v.v..

Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm, triển khai toàn diện công tác đảm bảo an ninh trật tự, ra quân tấn công trấn áp tội phạm, tiến hành khảo sát, lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tại các điểm công cộng, các tuyến, chốt trọng điểm, phức tạp về an ninh trên địa bàn thành phố; thực hiện hiệu quả các kế hoạch chuyên đề, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội[28]. Tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực, đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại nút phía Tây cầu Sông Hàn và các nút giao dọc tuyến đường Cách mạng Tháng Tám (đoạn từ Hòa Cầm đến đường dẫn cầu Hòa Xuân); triển khai phạt người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông qua camera giám sát v.v..  Đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông đường bộ (giảm 31 vụ - 22,5% so với năm 2015), làm chết 92 người (giảm 08 người - 8,9%), bị thương 65 người (giảm 40 người - 38,1%).

Nhìn chung, trong năm 2016, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và toàn diện trên các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kế hoạch đề ra, thu hút đầu tư trong nước tăng trưởng tốt tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt kế hoạch, đạt 122,3% so với dự toán HĐND thành phố giao. Đặc biệt, thành phố đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại một số điểm nóng về môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được chuẩn bị chu đáo v.v.. Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí diễn ra sôi nổi; chương trình “thành phố 5 không và 3 có”, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, các mục tiêu an sinh xã hội và đời sống nhân dân được quan tâm; an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch như: giá trị sản xuất dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; thiếu dịch vụ giải trí về đêm và thiếu gắn kết với các hoạt động thương mại; quỹ đất dành cho công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng yêu cầu; các dự án đầu tư sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap chưa thực sự hiệu quả; kết quả thu hút đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa có tín hiệu khởi sắc, chỉ thu hút được một số dự án có quy mô vừa và nhỏ; một số dự án chậm triển khai đã được gia hạn nhưng triển khai chưa đúng tiến độ gia hạn; tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn diễn ra tại một số khu vực; quản lý đất đai, quản lý chất lượng công trình vẫn còn để xảy ra sai phạm; tình trạng vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép, vi phạm quy định về phòng chống cháy rừng còn diễn biến phức tạp; quản lý an toàn trong vận chuyển của các tàu du lịch còn lỏng lẻo dẫn đến sự cố; một số doanh nghiệp vẫn còn sai phạm trong hoạt động khai thác đất, đá làm ảnh hưởng đến môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ mới được kiểm soát tại các cơ sở sản xuất chính; các hoạt động văn hóa, văn  nghệ, thể thao quần chúng phát triển chưa toàn diện; một số tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhất là những đối tượng nhập cư trái phép.

 

 

 


[1] Khu du lịch Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Lễ hội Rượu vang 2016 lần thứ 3 và Lễ hội đường phố Carnaval tại Khu du lịch Bà Nà Hills, các trò chơi mới sôi động tại Công viên Châu Á, đưa vào khai thác tuyến du lịch sông Hàn - Bán đảo Sơn Trà - Hòn Chảo (Đảo Ngọc),v.v…

[2] Chương trình khai trương mùa du lịch biển, Chương trình Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016, Diễn đàn du lịch mùa xuân,v.v…

[3] Trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 1,175 tỷ USD và 63 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

[4] Singapore-Đà Nẵng (Silk Air), Hồng Kông-Đà Nẵng (Dragon Air, HK Express), Siêm Riệp-Đà Nẵng (Vietnam Airlines, Silk Air), Incheon-Đà Nẵng (Asiana Airlines, Korean Airlines, Vietnam Airlines, Jin Air, Jeju Air, T’way Air), Quảng Châu-Đà Nẵng (Vietnam Airlines), Narita-Đà Nẵng (Vietnam Airlines), Kuala Lumpur-Đà Nẵng (Air Asia), Hàng Châu-Đà Nẵng (Vietnam Airlines), Busan-Đà Nẵng (Air Busan, JinAir), Macao-Đà Nẵng (Air Macau), Bangkok-Đà Nẵng (Bangkok Airways, Vietnam Airlines).

[5] Bắc Kinh-Đà Nẵng (China Eastern Airlines), Thành Đô-Đà Nẵng (Vietnam Airlines), Thượng Hải-Đà Nẵng (Vietnam Airlines), Nam Kinh-Nam Ninh-Đà Nẵng (Vietnam Airlines), Quảng Châu-Đà Nẵng (Hainan Airlines), Hàng Châu-Đà Nẵng (Loong Air), Đài Loan-Đà Nẵng (Far Eastern Air Transport), Hải Khẩu-Đà Nẵng (Hainan Airlines); Thâm Quyến-Đà Nẵng (Hainan Airlines).

[6] Xử phạt 03 đơn vị kinh doanh lữ hành trái phép (cho người nước ngoài mượn tư cách pháp nhân để hoạt động lữ hành quốc tế và hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép), 16 trường hợp người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép và chuyển 20 trường hợp đến cơ quan Công an xử lý theo quy định.

[7] Với hơn 200 doanh nghiệp tham gia, có 40 cặp doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ, 03 hợp đồng được ký kết.

[8] Có 7 biên bản hợp tác, ghi nhớ giữa các đơn vị, doanh nghiệp của hai địa phương được ký kết.

[9] Triển khai thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27/4/2016 giữa Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh Ủy Quảng Nam.

[10] Lắp đặt hệ thống Camera khu vực Cảng Sông Hàn và các tàu du lịch, kết nối dữ liệu về Trung tâm điều hành Cảng vụ; lắp đặt còi báo động, các bảng thông tin về tải trọng phương tiện, đường dây nóng, hệ thống loa khu vực Cảng, hàng rào an ninh, tăng cường công tác kiểm soát, giám sát, đảm bảo trật tự tại khu vực Cảng Sông Hàn, đưa hoạt động của các tàu du lịch vào nề nếp.

[11] Đến nay đã hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg cho 125 tàu cá, tổng kinh phí 23,887 tỷ đồng, đang hỗ trợ đợt 3 cho 68 tàu, kinh phí 15,580 tỷ đồng; phê duyệt 01 hồ sơ đóng tàu vỏ thép được hưởng chính sách tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; chấp thuận cho 23 chiếc tàu đóng mới được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg, trong đó: 04 chiếc đang đóng, 14 chiếc đã hạ thủy, 05 chiếc đang chuẩn bị thi công.

[12] Tổng số tàu cá hiện có 1.160 chiếc, tổng công suất đạt 210.00cv, công suất bình quân đạt 181 cv/tàu.

[13] Chỉ đạo, xử lý các vụ việc xâm hại rừng trái phép tại Khu vực Bán đảo Sơn Trà; tăng cường công tác tuần tra, truy quét, tổ chức chốt chặn tại các khu vực dễ bị tác động (tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan); kiện toàn bộ máy tổ chức lực lượng Kiểm lâm, triển khai các nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; tổ chức chăm sóc rừng trồng, xây dựng phương án chuyển hóa rừng giống từ rừng tự nhiên v.v..

[14] 7 vụ phát lửa và 9 vụ cháy rừng trên 114,26 ha thực bì, cây bụi, lau lách, 14,3 ha rừng trồng và 3,95 ha rừng tự nhiên tái sinh phục hồi.

[15] 03 vụ khai thác rừng trái phép; 12 vụ vận chuyển trái phép lâm sản; 20 vụ về mua, bán, tàng trữ, cất giấu trái phép lâm sản; 01 vụ vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy rừng; 02 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, 06 vụ vi phạm thủ tục hành chính; 08 vụ vi phạm quy định chung về QLBVR; 03 vụ vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD.

[16] Dự án DragonCity Park – Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, vốn đầu tư 655,2 tỷ đồng, dự án KDC Hòa Khánh mở rộng – Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, vốn đầu tư 140,6 tỷ đồng, dự án KĐT Xanh Bàu Tràm – Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, vốn đầu tư 605,3 tỷ đồng, dự án KĐT sinh thái và cảnh quan sông nước làng quê – Công ty CP Địa Cầu, vốn đầu tư 3.337,5 tỷ đồng.

[17] Dự án Bệnh viện Vinmec – tập đoàn Vingroup, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, dự án Khách sạn 84-88 Bạch Đằng – Công ty CP Xây dựng 79, vốn đầu tư 144,6 tỷ đồng, dự án Làng vân – tập đoàn Vingroup, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, dự án Công viên Đại dương Sơn Trà – tập đoàn Sungroup, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng, dự án Khu nhà thấp tầng Quốc Bảo – Công ty CP Đầu tư Quốc Bảo, vốn đầu tư 535,26 tỷ đồng, dự án KĐT sinh thái và cảnh quan sông nước làng quê - Công ty CP Địa Cầu, vốn đầu tư 3.337,5 tỷ đồng, dự án Nhà hàng và Bến du thuyền – Công ty IVC, vốn đầu tư 95,4 tỷ đồng.

[18] Trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 1,175 tỷ USD và 63 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

[19] Lý do giảm vốn do dự án bị thu hồi đất nên giảm qui mô đầu tư, giảm vốn đầu tư vào dự án.

[20] Thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm, do: i) Các dự án đầu tư cấp mới tập trung chủ yếu ở lĩnh dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics… theo định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. ii) Nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng hợp đồng thuê đất đã ký nên bị thu hồi đất làm giảm quy mô đầu tư; iii) Khu công nghệ cao mới hoàn thiện cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, một số công trình thiết yếu chưa triển khai xây dựng, vị trí Khu CNC nằm cách xa trung tâm thành phố nên hạn chế trong việc thu hút đầu tư vào Khu CNC; iv) Công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng chưa phát triển nên một số dự án lớn không thể đầu tư vì nếu đầu tư tại Đà Nẵng phải tốn nhiều chi phí vận chuyển do nhập khẩu hoặc phải mua linh kiện từ nơi khác đến làm tăng giá thành dẫn đến giảm sức cạnh tranh của sản phẩm .v.v…

[21] Thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm, do: i) Các dự án đầu tư cấp mới tập trung chủ yếu ở lĩnh dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics… theo định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. ii) Nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng hợp đồng thuê đất đã ký nên bị thu hồi đất làm giảm quy mô đầu tư; iii) Khu công nghệ cao mới hoàn thiện cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, một số công trình thiết yếu chưa triển khai xây dựng, vị trí Khu CNC nằm cách xa trung tâm thành phố nên hạn chế trong việc thu hút đầu tư vào Khu CNC; iv) Công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng chưa phát triển nên một số dự án lớn không thể đầu tư vì nếu đầu tư tại Đà Nẵng phải tốn nhiều chi phí vận chuyển do nhập khẩu hoặc phải mua linh kiện từ nơi khác đến làm tăng giá thành dẫn đến giảm sức cạnh tranh của sản phẩm .v.v…

[22] Qua 9 tháng đã thực hiện 54 mẫu nước sông, 60 mẫu nước biển, 12 mẫu nước hồ, 12 mẫu nước ngầm.

[23] Lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển tại 08 vị trí [23], tần suất 02 ngày/lần với tổng số 136 mẫu, kết quả phân tích cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép.

[24] Thông qua các quy định mới tại Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND​ về Quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN thành phố và Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND về Quy định định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.

[25] Tổ chức bàn giao sản phẩm kết quả nghiên cứu 05/18 nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2015 cho các cơ quan, đơn vị.

[26] Hỗ trợ 01 DN với kinh phí 20 triệu đồng theo Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND đăng kí nhãn hiệu tại nước ngoài; tài trợ 01 DN thực hiện dự án đổi mới công nghệ từ Quỹ phát triển KHCN với kinh phí 70 triệu đồng; Hỗ trợ 08 doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa với tổng kinh phí là 380 triệu đồng từ Dự án năng suất chất lượng; hoàn thành đánh giá trình độ công nghệ cho 130 DN thuộc các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn thành phố và tiếp tục triển khai đánh giá tại 50 doanh nghiệp v.v..

[27] Gồm: 01 sáng chế, 03 kiểu dáng công nghiệp, 05 nhãn hiệu.

[28] Đã điều tra, khám phá 390/460 vụ vi phạm về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 83,3%), bắt xử lý 589 đối tượng, thu hồi tài sản trên 10 tỷ đồng; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,2% (25/26 vụ). Phá thành công 14 chuyên án về ma túy, bắt giữ 28 đối tượng; phát hiện, bắt giữ 133 vụ/179 đối tượng hoạt động tội phạm về ma túy, thu giữ 4,24 kg ma túy các loại.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT