Với sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao từ Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành cùng với việc tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, trong quí 1 năm 2017, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã có ý thức trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cuộc họp ngày 30-3, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì.
Từ đầu năm đến nay, các Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra 190 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, lấy 18 mẫu thực phẩm kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP); kết quả, phát hiện 1/18 mẫu không đạt yêu cầu, đã xử phạt vi phạm hành chính 27 trường hợp với số tiền 62,6 triệu đồng. Tổ chức 7 đoàn kiểm tra vệ sinh thú y và kiểm tra tại 8 cơ sở giết mổ động vật, 154 cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật nhằm chấn chỉnh công tác vệ sinh thú y, quy trình kiểm soát giết mỗ phục vụ cho Tết Nguyên Đán Đinh Dậu; qua đó, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y 25 trường hợp với số tiền 42,95 triệu đồng.
Ngành Công thương đã tổ chức kiểm tra ATTP đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, phát hiện 61 cơ sở không đạt về ATTP, xử phạt trên 153 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy tập huấn ATTP, không tổ chức khám sức khỏe đình kỳ, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; trong đó đáng lưu ý có 1 trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập lậu, chưa phát hiện trường hợp kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Ngành Y tế cũng tiến hành kiểm tra 2669/9338 cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống; kết quả có 2499/2669 cơ sở đảm bảo ATTP, tỉ lệ đạt 93,6%, xử lý 23 cơ sở với số tiền phạt trên 33 triệu đồng.
Công tác giám sát ô nhiễm sinh học, hóa chất tồn dư trong thực phẩm nông lâm thủy sản được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua lấy mẫu 45 loại rau, trái cây gửi phân tích các chỉ tiêu ATTP, phát hiện 1 mẫu xoài có tồn dư hoạt chất thuốc BVTV Carbendazim mức 2,0431 mg/kg, vượt so với quy định theo Quyết định 46/2007/QĐ-BYT là 2 mg/kg. Đồng thời, trong 20 mẫu thủy sản gửi phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng, tồn dư kháng sinh, có 5/5 mẫu không phát hiện tồn dư kháng sinh, 14/15 mẫu có mức tồn dư kim loại nặng không vượt giới hạn tối đa cho phép, có 1/15 mẫu thủy sản có tồn dư chỉ tiêu kim loại nặng Cadimi (Cd) mức 64,76 µg/kg so với quy định là 50 µg/kg.
Bên cạnh đó, công tác lấy mẫu xét nghiệm nhanh chỉ tiêu hàn the, chất tẩy trắng, phẩm màu cũng phát hiện 1 mẫu không đạt chỉ tiêu hàn the, 3 mẫu chả và 1 mẫu bò khô không đạt chỉ tỉêu Natri benzoat, 1 mẫu chả không đạt chỉ tiêu Kali sorbat, 1 mẫu chả không đạt cả 2 chỉ tiêu Natri benzoat và Kali sorbat. Đối với mẫu thủy sản nhiễm chì, Ban chỉ đạo đã có văn bản gửi chủ cơ sở yêu cầu ngừng khai thác tại vùng biển có mẫu thủy sản không đảm bảo ATTP; Ban chỉ đạo cũng gửi văn bản đối chủ cơ sở kinh doanh yêu cầu dừng nhập sản phẩm xoài bị phát hiện nhiễm thuốc BVTV trong vòng 30 ngày, đồng thời tham mưu văn bản gửi đến Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Tiền Giang đề nghị có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn, không để xảy ra tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm xoài; đồng thời, xử lý theo quy định các chủ cơ sở có hàn the trong mẫu chả.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP đòi hỏi sự bền bỉ, nhiệt huyết của các cấp, các ngành chức năng, và cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng chỉ tập trung thực hiện trong các đợt cao điểm mà nới lỏng quản lý những thời gian khác. Phó Chủ tịch yêu cầu Ban Chỉ đạo nhanh chóng xây dựng kế hoạch công tác quý 2 năm 2017, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các ngành, các cấp.
NGÔ HUYỀN