I. Quan điểm phát triển
1. Dịch vụ thương mại
Phát triển thương mại gắn với sự phát triển của các thành phần kinh tế; Quan tâm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hình thành các doanh nghiệp lớn theo mô hình tập đoàn, có hệ thống phân phối hiện đại, có vai trò dẫn dắt thị trường.
Gắn đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu với thị trường nội địa, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến sâu, phát triển mạnh một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và các mặt hàng mới có sức cạnh tranh.
Huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội và tiềm năng của thành phố để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường và các hoạt động thương mại.
2. Dịch vụ tài chính (bao gồm cả ngân hàng và bảo hiểm)
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ tài chính cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Mở rộng khả năng “cung” dịch vụ, đồng thời góp phần kích “cầu” dịch vụ thông qua uy tín và thương hiệu, nhân lực có trình độ cao, công nghệ kỹ thuật hiện đại và quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
3. Dịch vụ bưu chính - Viễn thông
Phát triển dịch vụ bưu chính, viễn thông đảm bảo an ninh - quốc phòng, sự điều hành của Đảng và chính quyền được thông suốt.
Mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; mỹ quan đô thị; xây dựng Chính phủ điện tử; phổ cập dịch vụ viễn thông.
II. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại và du lịch; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hoá; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính - ngân hàng - bảo hiểm…
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ tăng cao hơn tăng trưởng chung nền kinh tế thành phố, giai đoạn 2011-2015 tăng 13,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng 14,0%/năm; tỷ trọng GDP của ngành dịch vụ đến năm 2015 chiếm 52,2% và năm 2020 chiếm 55,6% trong tổng GDP thành phố.
2. Mục tiêu cụ thể
- Thương mại
Thương mại chiếm tỷ trọng GDP cao trong tổng GDP khối dịch vụ, chiếm 31,5% GDP dịch vụ năm 2015 và 30% năm 2020. GDP thương mại tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 12,2%, giai đoạn 2016-2020 là 14,1%.
+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011-2015 là 17,5%, giai đoạn 2016-2020 là 17%.
+ Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 là 19,8%, giai đoạn 2016-2020 là 18,5%.
+ Khách sạn, nhà hàng: Tốc độ tăng giai đoạn 2011-2015 là 12,3%, giai đoạn 2016-2020 là 13,6%.
- Vận tải, kho bãi, thông tin truyền thông
+ Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 14,0%, giai đoạn 2016-2020 là 17,4%. Chiếm tỷ trọng 13% GDP dịch vụ năm 2015 và 15% năm 2020.
+ Đến năm 2020, bán kính phục vụ 0,73km/điểm, dân số phục vụ 1.200 người/điểm. Mật độ thuê bao cố định 48 máy/100 dân, di động 150 máy/100 dân, Internet 39 thuê bao/100 dân, truyền hình cáp 180.000 thuê bao.
- Tài chính, tín dụng, bảo hiểm
+ Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 13,7%, giai đoạn 2016-2020 là 15,5%. Là ngành có tỷ trọng GDP cao thứ 4 trong hệ thống các ngành dịch vụ, năm 2015 chiếm 8%, năm 2020 chiếm 8,5% trong cơ cấu các ngành dịch vụ.
+ Tốc độ tăng trưởng phương tiện thanh toán 20-25%, tăng vốn huy động 20-25%, tỷ lệ nguồn vốn trung dài hạn/nguồn vốn huy động 30-35%. Tốc độ tăng dư nợ cho vay 20-25%/năm.
+ Mục tiêu thị trường bảo hiểm Đà Nẵng đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân 15% (phi nhân thọ 17%, nhân thọ 12%). Đầu tư vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế thành phố tăng 20%/năm.
III. Định hướng phát triển
1. Định hướng phát triển chung
Ưu tiên phát triển các dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch và thương mại. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đời sống, dịch vụ chất lượng cao, khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ cơ bản với chất lượng cao như: dịch vụ thương mại, khách sạn nhà hàng, kinh doanh tài sản và tư vấn...
2. Định hướng phát triển một số ngành dịch vụ cụ thể
2.1. Dịch vụ thương mại
- Khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp (Tổng công ty, tập đoàn, công ty mẹ - con; hợp tác xã thương mại - dịch vụ; tư nhân).
- Phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, thương mại điện tử.
(1) Đối với loại hình bán buôn: đầu tư Trung tâm thương mại bán buôn Chợ Cồn; Trung tâm thương mại bán buôn Hòa Minh; Chợ gia súc, gia cầm (Hòa Phước - Hòa Vang); Chợ vật liệu xây dựng (Liên Chiểu) và mở rộng chợ đầu mối nông sản (Hòa Cường - Hải Châu). Quy hoạch đầu tư một tổng kho hàng với diện tích 30-50ha, tại địa điểm là đầu mối giao thông thuận lợi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
(2) Đối với loại hình bán lẻ:
+ Đầu tư phát triển mới 21 trung tâm thương mại, bách hóa tổng hợp, siêu thị có quy mô lớn:
* Quận Hải Châu: 6 dự án (Tháp đôi Viễn Đông Meridian, Golden Square, Đà Nẵng Center, Trung tâm thương mại Đa Phước, Đại Siêu thị Hùng Vương, Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu đất mặt tiền các đường Hùng Vương - Ngô Gia Tự - Lê Duẩn - Triệu Nữ Vương);
* Quận Thanh Khê: 1 dự án (Trung tâm mua sắm Đà Nẵng);
* Quận Liên Chiểu: 2 dự án (Siêu thị giá rẻ Liên Chiểu, Khu thương mại Ga mới Đà Nẵng);
* Quận Sơn Trà: 1 dự án (Trung tâm Thương mại thế giới Đà Nẵng - World Trade Center);
* Quận Ngũ Hành Sơn: 3 dự án (Siêu thị Bắc Mỹ An, Trung tâm thương mại Ngũ Hành Sơn, Siêu thị Làng Đại học Quốc tế);
* Quận Cẩm Lệ: 3 dự án (Trung tâm thương mại Hòa Cầm, Khu thương mại bến xe trung tâm, Siêu thị Hòa Xuân - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ);
* Huyện Hòa Vang: 4 dự án (Siêu thị giá rẻ - gần khu Công nghệ cao, Siêu thị Túy Loan, Siêu thị Hòa Sơn - gần điểm cắt đường đi Bà Nà và đường tránh nam hầm đèo Hải Vân, Siêu thị quy mô nhỏ Hòa Tiến - đối diện ga Lệ Trạch).
+ Đầu tư xây dựng 3 chợ truyền thống văn minh: chợ Hàn, chợ Trung tâm mua sắm Đà Nẵng và Chợ An Hải Đông.
+ Chú trọng và khuyến khích phát triển khoảng 20 cửa hàng tiện lợi phục vụ kéo dài về đêm.
+ Định hướng phát triển một số khu phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố: Các đường: Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành là các khu phố chuyên về các ngành dịch vụ: du lịch, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí; Đường Nguyễn Văn Linh: dịch vụ tài chính. Đường Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Hùng Vương: phố thời trang; các điểm phân phối, mua bán sản phẩm lưu niệm của thành phố phục vụ khách du lịch tại các khu thương mại và các điểm du lịch. Trong đó, quan trọng là hình thành Khu phố buôn bán hàng mỹ nghệ trong quy hoạch Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn.
- Quy hoạch hệ thống các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) phù hợp với quy hoạch không gian đô thị và đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ.
- Phấn đấu đến năm 2015 tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website để giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa trên mạng, tổ chức hội thảo, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về thương mại điện tử để 60-80% doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia thương mại điện tử ở những mức độ khác nhau. Đến năm 2020, có từ 800-1.000 doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử của Bộ Công Thương và quốc tế; 50% số trên buôn bán trên Sàn.
- Đến 2015 có từ 4-5 Sở giao dịch hàng hóa: thủy sản, nông sản, dệt may, vật liệu xây dựng… Đến năm 2020 buôn bán hàng hóa qua Sở giao dịch chiếm 40-50% tổng lượng hàng hóa bán buôn.
2.2. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
2.2.1. Dịch vụ tài chính
- Giai đoạn 2011-2015: Chú trọng phát triển về quy mô.
+ Dịch vụ kế toán, kiểm toán: gia tăng mạnh mẽ số lượng và chất lượng lao động, nâng cấp công nghệ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
+ Dịch vụ chứng khoán: giữ vững khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng và hướng đến thị trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
+ Dịch vụ quỹ: chuyển từ đầu tư gián tiếp sang trực tiếp, ưu tiên các dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
+ Dịch vụ tài chính khác: gia tăng số lượng và quy mô doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
- Giai đoạn 2016-2020: nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường ra khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính của khu vực và cả nước.
2.2.2. Dịch vụ ngân hàng
- Phát triển mạng lưới tài chính tín dụng:
+ Phân bố hợp lý các mạng lưới tài chính tín dụng (văn phòng đại diện, chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch, quỹ tiết kiệm, máy ATM…).
+ Đa dạng hóa các loại hình tổ chức tín dụng (Ngân hàng Thương mại: Ngân hàng nước ngoài, liên doanh, thương mại nhà nước, thương mại cổ phần; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: Công ty Cho thuê tài chính, Công ty tài chính...); phát triển phương thức giao dịch hiện đại, ngân hàng tự động, ngân hàng điện tử.
- Phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng chủ yếu:
+ Dịch vụ huy động vốn: Đa dạng hóa phương thức, hình thức huy động; Cạnh tranh dựa vào chất lượng, tính tiện lợi, hiệu quả, uy tín. Thay đổi cơ cấu nguồn huy động theo hướng tăng nguồn trung, dài hạn.
+ Dịch vụ tín dụng và đầu tư cho nền kinh tế: Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ tín dụng; Mở rộng tín dụng trung, dài hạn, đẩy mạnh phương thức cho vay đồng tài trợ; triển khai các dịch vụ mới, nghiệp vụ phái sinh tín dụng và lãi suất.
+ Dịch vụ thanh toán: Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, thanh toán quốc tế.
- Phát triển thị trường dịch vụ ngân hàng và xác định đối tượng phục vụ:
Các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, có nhiều triển vọng phát triển: sản xuất hàng xuất khẩu, Công nghiệp điện tử, Công nghiệp công nghệ cao, Công nghiệp phụ trợ, vận tải, tài chính, du lịch, bưu chính viễn thông, Công nghệ thông tin…
2.2.3. Dịch vụ bảo hiểm
- Phát triển đa dạng các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
- Đổi mới mô hình tổ chức, công nghệ quản lý và phương thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý, hệ thống mạng tin học, phần mềm tiên tiến…
- Khuyến khích đầu tư vốn nhàn rỗi góp phần phát triển kinh tế thành phố.
2.3. Dịch vụ bưu chính, viễn thông
2.3.1. Dịch vụ bưu chính
- Phát triển điểm đại lý bưu điện; triển khai điểm phục vụ tự động tại bưu cục cấp 1; bổ sung dịch vụ bán hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của địa phương tại bưu cục cấp 2; Bưu cục cấp 3 cung cấp tất cả các dịch vụ.
- Phát triển mạng đại lý, cung cấp dịch vụ bưu chính kết hợp với đại lý thu cước viễn thông, thu hộ cước (điện, nước, LPG, ...) và bán các loại bảo hiểm.
- Triển khai tự động hoá khai thác, chia chọn các dịch vụ bưu chính, cung cấp dịch vụ bưu chính điện tử tiến đến tự động hóa khâu chấp nhận các sản phẩm dịch vụ bưu chính.
- Triển khai dịch vụ tìm kiếm và định vị bưu kiện trong nước.
- Triển khai thanh toán điện tử bưu chính. Nghiên cứu và thực hiện thí điểm dịch vụ bưu chính điện tử (E-Post).
- Phát triển mạng chuyển phát an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ kho bãi.
- Nâng cấp điểm truy nhập Internet tại 100% điểm bưu điện văn hoá xã để dân sử dụng các dịch vụ công qua mạng; Trang bị thêm điểm truy cập Internet công cộng cho các xã miền núi, địa hình rộng, điều kiện đi lại khó khăn.
2.3.2. Dịch vụ viễn thông
- Hạ tầng viễn thông
+ Phát triển, xây dựng mạng theo mô hình mạng thế hệ mới (NGN).
+ Phát triển mạng thông tin di dộng theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị, mở rộng, nâng cao chất lượng vùng phủ sóng.
+ Đẩy nhanh ngầm hóa cáp treo hiện có. Phát triển mạng ngoại vi theo hướng cáp quang hóa (2020 đạt 100%); ngầm hóa các tuyến cáp quang, mở rộng, nâng cấp dung lượng các tuyến cáp nhánh.
+ Hoàn thiện mạng truyền hình cáp (2015); Phát triển mạng vô tuyến băng rộng, lắp đặt các điểm truy nhập wifi công cộng, tiến đến phát triển thành các điểm wimax, mở rộng tầm phủ sóng.
+ Xây dựng mạng MAN kết nối các quận, huyện, sở ban ngành với Trung tâm tích hợp dữ liệu của thành phố, các UBND xã, phường với UBND quận, huyện (2012).
- Dịch vụ viễn thông
+ Củng cố và nâng cao các dịch vụ viễn thông cố định truyền thống; Mở rộng lĩnh vực giải đáp thông tin, dịch vụ giải trí, thương mại, các dịch vụ khác; Phối hợp với ngân hàng mở dịch vụ thanh toán qua điện thoại.
+ Phát triển các dịch vụ trên mạng di động và truy nhập vô tuyến.
+ Triển khai các dịch vụ viễn thông trên nền hạ tầng mạng NGN, bao gồm nhóm dịch vụ cho doanh nghiệp và cho người dân.
IV. Giải pháp thực hiện
1. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
- Đối với doanh nghiệp:
+ Có chính sách thu hút người giỏi, người tài, có năng lực về hoạt động trong các ngành dịch vụ, trong đó chủ yếu là tạo môi trường làm việc và xây dựng chính sách đãi ngộ, bố trí và sử dụng lao động hợp lý.
+ Nâng cao tính chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ.
+ Theo dõi quá trình phát triển chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc của nhân viên ở mỗi bộ phận, có kế hoạch luân chuyển nhân viên giữa các bộ phận.
- Đối với chính quyền Thành phố Đà Nẵng: dành một phần ngân sách đào tạo của thành phố để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ.
2. Giải pháp về đầu tư
2.1. Đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại
Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư: vốn FDI, liên doanh, liên kết, vốn trong nhân dân, thu hút rộng rãi các nguồn vốn trong xã hội... để tạo nguồn vốn triển khai đầu tư phát triển trung tâm thương mại, siêu thị... Kêu gọi đầu tư theo các phương thức BOT, BTO, vận động vay vốn ODA.
- Phát triển hệ thống kết cấu thương mại bán lẻ văn minh, hiện đại theo từng cụm dân cư, từng đường phố hiện có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, văn minh thương mại. Củng cố thị trường bán buôn theo hướng đầu tư phát triển một số Trung tâm thương mại, trung tâm Logistics, kho hàng trung chuyển lớn, có tầm ảnh hưởng, chi phối đến lưu thông hàng hóa của khu vực.
- Xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia và của các nhà sản xuất, chú trọng lĩnh vực điện tử và công nghệ phần mềm.
2.2. Phát triển hạ tầng mạng lưới tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
- Phát triển hạ tầng mạng lưới tài chính, ngân hàng
+ Tạo điều kiện để thành lập các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán có hội sở chính đóng tại Đà Nẵng hoặc có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán chuyển Hội sở chính về thành phố.
+ Xây dựng các phương án phát hành trái phiếu địa phương.
- Phát triển hạ tầng mạng lưới bảo hiểm
+ Khuyến khích các công ty bảo hiểm mở văn phòng hoặc chuyển trụ sở chính về thành phố. Tạo điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất để mở rộng trụ sở làm việc và đầu tư vốn nhàn rỗi vào phát triển kinh tế.
+ Khuyến khích các hình thức đầu tư dài hạn, động viên các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sử dụng vốn nhàn rỗi đầu tư tại thành phố, tạo ra sự bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam.
2.3. Phát triển hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông
- Phát triển hạ tầng viễn thông, xây dựng trụ ăng-ten trạm thu phát sóng viễn thông và xây dựng mạng ngoại vi (cáp quang, cáp điện thoại cố định và Internet, cáp truyền hình, trụ cáp, tủ và hộp cáp) vừa phân bổ mạng lưới, mật độ một cách hợp lý vừa đảm bảo yếu tố mỹ quan đô thị.
- Các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu UBND thành phố quy định chi tiết về quản lý xây dựng trạm thu phát sóng và mạng ngoại vi viễn thông trên địa bàn thành phố; quy định sử dụng chung hạ tầng viễn thông, thông tin, truyền thông.
3. Giải pháp về cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển một số ngành dịch vụ
3.1. Đối với dịch vụ thương mại - xuất nhập khẩu
- Xây dựng triển khai thí điểm và từng bước thực hiện việc chuyển giao một số chợ loại 2, loại 3 cho hợp tác xã quản lý, kinh doanh và khai thác.
- Cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh: giải quyết vốn, mặt bằng, lao động, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng thông tin…
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hiện diện thương mại nước ngoài tại Đà Nẵng, đặc biệt tập trung vào các phương thức bán hàng mới như: bán hàng đa cấp, các dịch vụ thương mại hiện đại…Khuyến khích và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
3.2. Đối với dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm
- Khuyến khích, hỗ trợ các công ty cổ phần niêm yết trên sàn.
- Tạo điều kiện cho sự hình thành các quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư. Hỗ trợ, khuyến khích, và kêu gọi các quỹ đầu tư trong và ngoài nước mở chi nhánh tại thành phố.
- Nghiêm cấm cạnh tranh bất hợp pháp, gây bất ổn định thị trường. Theo dõi, kiểm tra phương án tái bảo hiểm, các nhà nhận tái bảo hiểm quốc tế. Thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm.
3.3. Đối với dịch vụ bưu chính viễn thông
- Tạo điều kiện thuận lợi cho phép các doanh nghiệp thuê hạ tầng thuộc ngành truyền hình, điện lực, giao thông vận tải… để thiết lập mạng cung cấp dịch vụ viễn thông.
- Cấp đất xây dựng hoặc cho chính sách ưu đãi cho việc triển khai các điểm phục vụ bưu chính, viễn thông công cộng; tổng đài điện thoại, trạm phát sóng di động; triển khai cung cấp dịch vụ tại khu công nghiệp, đô thị, thương mại và du lịch; triển khai mạng lưới truy nhập Internet băng rộng công cộng.
- Thành phố bố trí kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật để các doanh nghiệp thuê, dùng chung hoặc có quy định ưu tiên cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng để các doanh nghiệp viễn thông dùng chung.