Ngày 2-6, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng các Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, Đặng Việt Dũng đã có buổi làm việc với các sở ban nhành về việc rà soát, đánh giá hiệu quả và các giải pháp tiếp tục đầu tư “Phát triển ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng thu hút ít nhất 10 dự án đầu tư vào Khu CNC, trong đó có ít nhất 1 dự án lớn của một công ty đa quốc gia về lĩnh vực CNC; đồng thời có từ 2-3 doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đến đầu tư, hoạt động trên địa bàn.
Ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng thêm chiếm gần 27% GRDP toàn thành phố
Hiện thành phố có 6 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 86% với tổng số 446 dự án đầu tư. Riêng Khu công nghệ cao, đến nay đã thu hút được 7 dự án với tổng vốn đầu tư 157,6 triệu USD cùng với Khu CNTT Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung số 2 hiện đã hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng và lập phương án kỹ thuật thi công... Về Cụm Công nghiệp, Đà Nẵng có Cụm Công nghiệp Thanh Vinh mở rộng với diện tích quy hoạch hơn 29 ha, với 13 doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành sản xuất thép xây dựng, sản xuất bê tông, cơ khí, mạ kẽm, kinh doanh kho bãi.. Cụm Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tập trung gần 300 cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ và Cụm Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn (7,56 ha) tập trung các cơ sở làm nghề đá chẻ trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Các KCN đã thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng cao về kỹ thuật - công nghệ. Tổng vốn đầu tư thu hút vào ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 tuy chỉ chiếm khoảng 16,8% vốn đầu tư phát triển toàn thành phố, nhưng đã tạo ra giá trị gia tăng thêm chiếm gần 27% GRDP (Tổng sản phẩm bình quân đầu người) toàn thành phố trong cả giai đoạn.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thuý Mai - Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố mới duy trì ổn định chứ chưa có đột phá do chưa thu hút được các dự án có quy mô nhỏ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Các dự án FDI thu hút được đến nay phần lớn vẫn là gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều lao động phổ thông. Vì vậy, tác động trong chuyển giao công nghệ nguồn chưa cao, tác động lan tỏa và khả năng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn vốn, việc triển khai Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung còn chậm. Tỷ lệ các dự án hoạt động không hiệu quả trong các KCN còn lớn, song vẫn chưa có phương án xử lý triệt để. Trong khi đó, có rất nhiều doanh nghiệp ngoài KCN có nhu cầu thuê đất để mở rộng sản xuất nhưng không được thuê hoặc phải thuê lại đất của các doanh nghiệp khác với giá cao.
Việc triển khai quy hoạch KCN không đồng bộ và chưa đảm bảo quy định về Khu Công nghiệp, nhất là quy hoạch để bảo vệ môi trường. Các KCN quá gần khu dân cư, thậm chí xen lẫn trong khu dân cư, ranh giới không rõ ràng khi có đến 5/6 KCN không có hàng rào phân cách với vùng lân cận. Các khu, cụm công nghiệp gần như đã lấp đầy, trong khi đó, các khu, cụm công nghiệp mới đang trong quá trình thành lập, dẫn đến thiếu mặt bằng sản xuất, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, Đà Nẵng ưu tiên thu hút và ưu đãi đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử. Khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, sản xuất lắp ráp ô tô, phương tiện vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao (dược phẩm, mỹ phảm, thực phẩm chức năng...), công nghiệp môi trường. Đối với các lĩnh vực sản xuất, chế biến, thành phố khuyến khích các dự án đầu tư có nguồn nguyên liệu đảm bảo, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, sử dụng công nghệ sạch, tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường. Thành phố không thu hút các dự án sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, chế biến thô, sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và những dự án có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố… và các đơn vị liên quan nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng các khu chức năng phù hợp với quy hoạch chung và tình hình lấp đầy của Khu CNC, đặc biệt ưu tiên Khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp, thu hút các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung; sản xuất CNC, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và ươm tạo doanh nghiệp CNC. Sở Công thương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đề án phát triển thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong công tác thị trường, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp.
Đối với các KCN mới, Ban Xúc tiến đầu tư và các sở ngành liên quan cần nghiên cứu phương thức tăng cường thu hút, huy động từ nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, nhà đầu tư phải đảm bảo yêu cầu về tiềm lực tài chính, năng lực và kinh nghiệm về xây dựng và quản lý kinh doanh hạ tầng KCN, năng lực quản lý, xúc tiến và thu hút các dự án đầu tư sản xuất. Đặc biệt, tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường của các nhà máy thép tại Cụm Công nghiệp Thanh Vinh mở rộng. Từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đến các KCN. Trước hết, ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng 3 Cụm công nghiệp gồm: CCN Cẩm Lệ, Hòa Nhơn và Hòa Khánh Nam. Ưu tiên đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, trong đó, thành phố đảm bảo vốn hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư; nhà đầu tư bố trí vốn xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN.
Bên cạnh khẩn trương triển khai các thủ tục thành lập các khu, cụm công nghiệp mới, thành phố tập trung thu hút đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các khu chức năng….đặc biệt là các công trình thiết yếu, nhà ở cho công nhân, các thiết chế văn hóa, cảnh quan, môi trường để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp. Đồng thời, xúc tiến nhanh dự án nâng cấp Cảng Liên Chiểu, phát triển các trung tâm dịch vụ logistics, xây dựng mạng lưới giao thông thuận lợi phát triển công nghiệp.
Về việc phát triển nguồn nhân lực, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ giao các sở ngành liên quan nghiên cứu, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề ở cả trong và ngoài nước; hỗ trợ thu hút cán bộ quản lý giỏi, chuyên gia khoa học kỹ thuật đầu đàn, công nhân có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp công nghệ cao , công nghiệp CNTT, công nghiệp hỗ trợ.... Trong đó, liên kết với các trung tâm đào tạo lớn trong và ngoài nước đối với các ngành nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, thời gian đào tạo dài hạn. Đặc biệt, khuyến khích các hoạt động ươm tạo công nghệ, các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển, cung cấp tín dụng và bảo lãnh tín dụng cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp...
CÔNG TÂM