Trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017, chiều ngày 14.10, tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Ariyana đã diễn ra Hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thành phố Đà Nẵng do UBND thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự Hôi nghị có hơn 200 đại biểu đến từ nhiều quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc , Hoa Kỳ …
Đà Nẵng sử dụng vốn ODA hiệu quả cao
Hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng là cơ hội để thành phố kết nối với các nhà tài trợ, các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước quan tâm về các dự án cơ sở hạ tầng (ODA, PPP) tại Đà Nẵng, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu các chính sách khi thực hiện các dự án ODA, PPP theo quy định hiện hành.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã chủ động và nỗ lực huy động các nguồn lực từ ngân sách, ODA, doanh nghiệp …để đầu tư và triển khai hiệu quả các dự án cơ sở hạ tầng, góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố thông qua việc cải thiện vệ sinh môi trường, thoát nước thải, rác thải, thoát nước mưa, nâng cấp xây dựng đường xá, cầu cống, các công trình giao thông trọng điểm … Nổi bật như các dự án cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, Cổ Cò, đường vành đai phía nam, xử lý nước thải sông Phú Lộc, khu công nghệ cao, Trung tâm tim mạch, Trung tâm hạt nhân và xạ trị, nhóm các công trình phục vụ APEC …
Từ năm 1999 đến nay, thành phố đã tiếp nhận 31 dự án ODA với tổng vốn khoảng 426 triệu USD. Các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA của thành phố Đà Nẵng những năm qua chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng và phát triển CSHT. Đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Đà Nẵng, ông Cao Mạnh Cường Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thành phố Đà Nẵng đảm bảo tốt các điều kiện đối ứng cam kết trong hiệp định để các dự án triển khai thực hiện theo kế hoạch. Nhờ sử dụng và quản lý vốn ODA hiệu quả cao nên thành phố Đà Nẵng đã tạo dựng được mối quan hệ vững chắc tin cậy với nhà tài trợ.
Giới thiệu 9 nhóm dự án CSHT kêu gọi đầu tư
Tại Hội nghị, thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu và tạo điều kiện để các đối tác, các nhà đầu tư tiếp cận với các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm kêu gọi đầu tư trong giai đoạn phát triển sắp đến của thành phố. Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã giới thiệu 9 nhóm dự án kêu gọi đầu tư
Đó là các dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, tàu Container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU nhằm phát triển bến cảng này thành cửa ngõ của khu vực miền Trung, bến trung chuyển trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, đồng thời giúp giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ trong thành phố do vận tải hàng từ cảng Tiên Sa, Sơn Trà phải đi qua các khu vực nội đô.
Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng là một trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà thành phố xúc tiến triển khai. Dự án hoàn thành với việc di dời ga đường sắt và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố, không chỉ làm rút ngắn hành trình, thời gian chạy tàu Bắc-Nam, tăng kết nối của hệ thống đường sắt với đường bộ cao tốc và cảng Liên Chiểu, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng mà còn là chủ trương lớn cho việc phát triển đô thị một cách hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân, cải thiện điều kiện đi lại của người dân.
Nhằm tăng tính kết nối với các tỉnh lân cận, gia tăng giá trị du lịch, giá trị sử dụng đất và hiệu quả giao thông, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cùng xúc tiến dự án tàu điện kết nối giữa 2 thành phố Đà Nẵng và Hội An. Đây được đánh giá là một dự án tiềm năng có khả năng thu hút cao đối với các nhà đầu tư
Trong lĩnh vực môi trường, hiện nay thành phố đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và dự án cải thiện môi trường nước thành phố. Hai dự án trọng điểm này sẽ góp phần giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải đô thị và bờ biển Đà Nẵng.
Dự án phát triển Cảng cá Thọ Quang phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển nghề cá trong tương lai. Theo đó, Cảng cá Thọ Quang được Chính phủ phê duyệt xây dựng cảng cá động lực loại 1, trở thành Trung tâm nghề cá hiện đại, trung tâm thương mại hải sản vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái kết hợp phát triển du lịch.
Ngoài ra, nhằm xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm tham gia thực hiện các dự án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành. Các dự án phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống thông minh
Các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án phát triển bền vững
Tại Hội nghị, một số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đối với một số dự án CSHT của thành phố. Ông Gen Takahashi, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế, Công ty JFE Engineering (Nhật Bản) đã đề xuất về kỹ thuật và tài chính cho dự án quản lý rác thải tại Hòa Nhơn, Đà Nẵng. Theo ông, thành phố nên lựa chọn giải pháp công nghệ mà JFE đã thực hiện thành công tại Nhật Bản về xử lý chất thải rắn là “Đốt rác phát điện” vì giải pháp này ưu việt hơn khi phát thải ở mức thấp hơn nhiều so với quy chuẩn; nhiệt lượng của quá trình đốt rác có thể được tái sử dụng trong cộng đồng; do khoảng cách vận chuyển ngắn nên giảm thiểu những vấn đề về ô nhiễm môi trường và tai nạn…
Ông Kang Bong Jun, đại diện cho tập đoàn OCC (Hàn Quốc) trình bày về dự án tàu điện không dây và cho rằng dự án này rất thích hợp trong việc vận chuyển khách du lịch trên tuyến đường Đà Nẵng- Hội An vì thân thiện môi trường, an toàn, tiện lợi …
Đại diện của thành phố Yokohama (Nhật Bản), địa phương kết nghĩa với Đà Nẵng, ông Toru Hashimoto, Giám đốc điều hành Văn phòng hợp tác phát triển, Cục hợp tác quốc tế của thành phố Yokohama cho biết, hai thành phố Đà Nẵng và Yokohama có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên cũng như lịch sử phát triển. Cũng như Đà Nẵng, Yokohama đã từng đối mặt và vượt qua những vấn đề đô thị như ô nhiễm môi trường, rác thải, đường sá, nguồn nước … Yokohama sẵn sàng chia sẻ với thành phố Đà Nẵng những kinh nghiệm phát triển của mình thông qua một khung hợp tác xúc tiến phát triển đô thị bền vững. Ông Toru Hashimoto cho rằng, Đà Nẵng cần phải có tầm nhìn rộng hơn về một tương lai với dân số trên 3 triệu người và vì vậy phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng sẵn sàng đáp ứng được sự phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ông cũng đưa ra những hướng tiếp cận trên nhiều lĩnh vực, đa ngành, đa khu vực đồng thời bày tỏ sự tin tưởng Đà Nẵng sẽ thực hiện được những dự án mang tính chiến lược cho sự phát triển.
Kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm đề xuất, kiến nghị của các nhà đầu tư tiềm năng, các nhà tài trợ trong việc phát triển các dự án CSHT của thành phố . Đồng thời cam kết chính quyền thành phố sẽ nỗ lực sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư trong công cuộc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố.
LÊ HOA