Ngày 15-12, UBND thành phố phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng đại diện gần 70 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Phú Thọ, Lâm Đồng, Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhận định, mặc dù với cơ cấu đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của ngành nông nghiệp Đà Nẵng trong nhiều năm qua luôn duy trì ở mức thấp (2-2,5%), song không thể phủ nhận vai trò quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp trong việc chủ động nguồn lương thực, thực phẩm, đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thành phố, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện an sinh xã hội. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển bền vững ngành nông nghiệp, làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, tạo nguồn cung ổn định, có chất lượng luôn được các cấp, các ngành hết sức quan tâm.
Hội thảo Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế và thách thức trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng và quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao cho thành phố, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn quyết định đầu tư.
Những kết quả bước đầu
Trong những năm gần đây, các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả khả quan, sản xuất nông nghiệp bước đầu đã thu được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến lâm nghiệp, thủy sản...; năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy hoạch; xuất hiện nhiều mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng được hoàn thiện gắn với mục tiêu chương trình nông thôn mới; nhiều ứng dụng công nghệ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất; cơ giới hóa phát triển nhanh ở một số khâu góp phần nâng cao trình độ sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất của người dân.
Từ năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã xây dựng dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” nhằm giải quyết liên hoàn chuỗi vấn đề nhân lực, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát sản phẩm từ quá trình sản xuất kinh doanh đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, việc sản xuất cây thực phẩm, chủ yếu là rau an toàn có bước chuyển biến tích cực, sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh cao, bước đầu đã áp dụng một số công nghệ mới trong sản xuất như: sử dụng màng phủ nông nghiệp, sản xuất trong nhà lưới, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại cao, sử dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, hạt giống lai Fl, thuốc trừ sâu sinh học tạo sản phẩm an toàn, chất lượng. Một số mô hình nhà màng sản xuất rau ăn lá, ăn quả với mức độ đầu tư công nghệ cao khá hiện đại đã được hình thành và đưa vào sản xuất. Đây được xem là bước đầu đánh dấu đột phá mới trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trồng rau công nghệ cao đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư
Nhằm mục đích nâng cao giá trị, đảm bảo cho sản xuất lúa hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp thành phố đã thực hiện du nhập, khảo nghiệm các giống lúa trung ngày có năng suất, chất lượng, có tính chống chịu cao với các dịch bệnh để thay thế dần giống lúa dài ngày đã sản xuất trong thời gian dài và đang dần thoái hóa tại Đà Nẵng. Tính đến nay, tỷ lệ cơ cấu diện tích sử dụng giống trung ngắn ngày đạt trên 70%. Song song với công tác giống, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa được đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ với chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM trong phòng ngừa sâu bệnh, chăm sóc cây trồng. Ngành nông nghiệp thành phố cũng đã đầu tư hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, trang bị máy cày đất, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa cho các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, hộ nông dân giúp giảm lao động, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, giảm hao hụt trong khâu thu hoạch. Nhờ đó, mặc dù diện tích lúa liên tục giảm do tác động của quá trình đô thị hóa nhưng năng suất vẫn ở mức ổn định và liên tục tăng, đảm bảo sản lượng lương thực hàng năm.
Tại Đà Nẵng, chăn nuôi chủ yếu tập trung tại huyện Hòa Vang, với một số cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại và công nghiệp đã được hình thành. Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng cao công nghệ chăn nuôi theo hướng liên kết cũng được hình thành. Ngoài việc tập trung chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm truyền thống, ngành chăn nuôi đã chú trọng đưa vào chăn nuôi các đối tượng giống mới như: thỏ New Zealand, gà Ai Cập, dê Boer... Bên cạnh đó, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng đối với chăn nuôi gà, heo và triển khai các chương tình nâng cao chất lượng đàn bò theo công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng các giống bò chuyên thịt nhiệt đới Brahman, Drough Master. Việc ứng dụng công nghệ biogas, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm sóat dịch bệnh, góp phần hỗ trợ chăn nuôi phát triển bền vững.
Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được giới thiệu tại hội thảo
Trong ngành thủy sản, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chủ yếu được áp dụng trong việc đưa vào nuôi trồng các giống thủy sản nước ngọt có giá trị thương phẩm cao như cá trắm cỏ, cá điều hòng, cả rô đơn tính, tôm thẻ chân trắng...; cung cấp hệ thống giàn sục khí, sử dụng công nghệ men vi sinh xử lý môi trường, tăng tỉ lệ tiêu hóa, phòng trị bệnh để hỗ trợ nuôi thâm canh, bán thâm canh. Trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm đã chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong nuôi thủy sản nước ngọt như triển khai mô hình nuôi cá an toàn sinh học. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt giúp rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, từng bước khuyến cáo người nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường, phòng trừ bệnh, hạn chế lạm dụng hóa chất và kháng sinh trong nuôi cá nước ngọt, tạo nguồn sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Cùng với đó, công tác giống thủy sản nước ngọt cũng được quan tâm đầu tư cải thiện. Hàng năm, trại giống thủy sản nước ngọt Hòa Khương sản xuất khoảng 1 triệu con cá giống nước ngọt các loại có chất lượng; việc triển khai nghiên cứu thực hiện sinh sản nhân tạo cá trê lai, cá rô đầu vuông, cá leo... tại trại đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan và đã được áp dụng vào sản xuất con giống tại chỗ, cung ứng giống thương phẩm cho người dân.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Mặc dù Đà Nẵng có những lợi thế và tiềm năng nhất định về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bước đầu đã được triển khai, được đầu tư, hỗ trợ phát triển, tuy nhiên, để có thể nhân rộng các mô hình, nâng cao số lượng các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như giá trị mà nông nghiệp công nghệ cao mang lại thì thành phố còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Một số vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dù đã được quy hoạch những vẫn chưa xác định được ranh giới cụ thể dẫn đến tính bền vững không cao, gây khó khăn cho các hộ nông dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, sản xuất, cũng như các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thảo luận tại hội thảo, đại diện Công ty Danapha cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong triển khai dự án trồng cây dược liệu tại huyện Hòa Vang là việc tiếp cận đất đai. Hiện nay, theo quy định, sau khi được thành phố quyết định phân đất, doanh nghiệp phải tự đứng ra liên lạc với người dân để giải quyết vấn đề đền bù giải tỏa, và trung bình giá trị đền bù là 2 tỷ đồng/ha. Như vậy, với một vùng sản xuất khoảng 20 ha, doanh nghiệp phải bỏ ra 20 tỷ đồng tiền đền bù giải tỏa đất, điều này vượt quá khả năng tài chính của một doanh nghiệp nông nghiệp. Cũng gặp khó khăn liên quan đến thủ tục về đất đai, đại diện Công ty Vinamilk cho biết, doanh nghiệp này đã tiến hành thủ tục triển khai đầu tư xây dựng trang trại bò sữa tại huyện Hòa Vang từ năm 2015, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thống nhất được phương án giao đất trực tiếp hay qua đấu giá. TS, Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế xã hội Bắc Ninh chia sẻ thêm, hiện nay, có một thực trạng là người dân không thích cho doanh nghiệp thuê đất làm nông nghiệp công nghệ cao mà muốn những dự án đô thị hóa để được thu hồi đất và đền bù. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn gây khó khăn trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp làm nông nghiệp.
Đại diện Công ty Danapha nêu kiến nghị tại hội thảo
Một khó khăn nữa cần nói đến đó là hiện nay, phần lớn ruộng đất sử dụng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đang ở trong tình trạng manh mún, sản xuất nhỏ lẻ vẫn là phổ biến, nên việc thay đổi phương thức sản xuất cũng như nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Việc ứng dụng cảc công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Bên cạnh đó, chưa có sự gắn kết trong sản xuất giữa nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông dẫn đến lúng túng trong quá trình tổ chức sản xuất; sản xuất sản phẩm chưa gắn với thị trường tiêu thụ, nhu cầu của thị trường dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu, “được mùa thì mất giá”. Người nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo kiểu truyền thống, tự tiêu thụ sản phẩm, chưa có ý thức về thị trường, do đó việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp chưa được quan tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, trong thời gian qua, Chính phủ cũng như chính quyền thành phố đã rất nỗ lực trong việc đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp nông thôn nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa chính sách và thực tế mong muốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp còn khá lớn, phần lớn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vẫn chưa bị hấp dẫn bởi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện tại. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lực lượng lao động phải có trình độ quản lý và tay nghề cao, nên thường chỉ có những tổ chức, cá nhân có điều kiện về năng lực, về vốn mới sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao được. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi giá thành sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thường cao hơn so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, nhưng giá bán lại không cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân chưa thực sự mặn mà trong việc đầu tư.
Định hướng và giải pháp
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, thành phố Đà Nẵng cần xác định rõ đây là thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở đô thị, chứ không phải ở nông thôn, từ đó, sẽ xác định được lợi thế để tận dụng và những điểm bất lợi để khắc phục. Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, cần thay đổi cách tiếp cận trong thu hút nông nghiệp công nghệ cao, không nhất thiết lấy công nghệ làm tiêu chí mà nên lấy doanh nghiệp làm trụ để thu hút đầu tư, có doanh nghiệp sẽ có công nghệ, có doanh nghiệp sẽ có thị trường lớn, có doanh nghiệp sẽ có tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. PGS.TS. Trần Đình Thiên đề xuất, Đà Nẵng nên hướng đến mô hình du lịch đẳng cấp cao gắn với nông nghiệp công nghệ cao nhằm đem đến cho du khách những trải nghiệm về ẩm thực đặc sản của địa phương.
PGS.TS. Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo
Theo một đại diện đến từ Hội Doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng, hiện nay chính là thời điểm vô cùng thuận lợi cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, vì vậy, các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến lĩnh vực này. Để đón đầu xu thế này, việc thành phố Đà Nẵng cần làm ngay là quy hoạch, giải phóng một vùng đất sạch hoàn toàn cho thu hút nông nghiệp công nghệ cao; bởi hiện nay, vướng mắc giữa nhà nước và doanh nghiệp như một vòng tròn: nhà nước muốn doanh nghiệp có dự án chi tiết mới giải phóng mặt bằng, trong khi doanh nghiêp muốn có đất sạch mới có thể xây dựng dự án chi tiết. “Có đất sạch, doanh nghiệp sẽ tham gia ngay”, doanh nhân trẻ khẳng định. Rất đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng đề xuất, trước mắt thành phố nên tập trung giải phóng một khu đất sạch cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để thu hút nhà đầu tư.
Để nhân rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần cỏ quỹ đất tập trung, ổn định quy hoạch, vốn đầu tư chuồng trại, nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, đầu tư chi phí thiết bị lớn, thực hiện khấu hao dài hạn, chi phí giá thành sản phẩm thường cao hơn sản xuất thông thường. Vì vậy, đối với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải lựa chọn đối tượng sản xuất có giá trị cao, áp dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết lập kênh tiêu thụ phân phối sản phẩm ổn định, dài hạn để mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND về việc Quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chính là đòn bẩy chính sách, cơ chế mạnh, tạo thuận lợi cho nông dân, hợp tác xã, các nhà đầu tư tham gia đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng thời gian đến.Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch cũng tạo điều kiện cho các nhà quản lý, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người sản xuất tiếp cận, nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hưởng sản xuất hàng hóa, hiện đại hóa, giúp người nông dân hình thành được tư duy về thị trường, tiếp cận công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương, từng bước hình thành khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phấn đấu đưa Đà Nẵng phát triển trở thành trung tâm, đầu tàu dẫn dắt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho khu vực duyên hải miền Trung.
NGÔ HUYỀN