Chiều 18-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, và xây dựng chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020
Đạt được nhiều kết quả quan trọng
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngay sau khi Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch CCHC mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch CCHC một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, tỉnh/thành. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Cũng trong giai đoạn này, các chỉ số đo lường, đánh giá kết quả, tác động của cải cách hành chính được ban hành và triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp.
Theo đó, công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt là những luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Từ năm 2012 đến nay, các bộ đã ban hành hơn 8.600 văn bản quy phạm pháp luật; từ năm 2011 đến tháng 5-2020, các tỉnh/thành đã ban hành khoảng 385.826 văn bản quy phạm pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật hàng năm được các bộ, ngành, địa phương triển khai theo kế hoạch, với trọng tâm tập trung vào những lĩnh vực thuộc phạm vi quán lý nhà nước, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là một khâu trọng tâm, đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC; việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11 năm 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9,926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xứ lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Đề án Tổng thể đơn gián hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 bước đầu đạt được một số kết quả trong thực hiện.
Trong công tác Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tính đến 31-3-2020, các bộ ngành Trung ương giảm 10.284 người so với số giao năm 2015; các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015. So sánh thời điểm 29-2-2020 với năm 2017 và năm 2015 cho thấy, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành là 1.045 đơn vị, giảm 44 đơn vị so với năm 2017, giảm 53 đơn vị so với năm 2015; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các địa phương là 49.445 đơn vị, giảm 4.670 đơn vị so với năm 2017, giảm 6.189 đơn vị so với năm 2015.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng
Tại Đà Nẵng, trong giai đoạn 2011-2020, công tác CCHC trên địa bàn thành phố luôn có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, toàn diện của Thành ủy, UBND thành phố và lãnh đạo các cấp, các ngành. Hiệu quả, chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành không ngừng được nâng cao nhờ vào đội ngũ công chức tham mưu năng động, sáng tạo, hệ thống công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để, đồng bộ, đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực, nổi bật mà thành phố đạt được trong giai đoạn vừa qua.
Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã ban hành 639 văn bản quy phạp pháp luật, kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực, bám sát nhu cầu thực tế của địa phương và nội dung phân cấp, phân quyền tại các văn bản của Trung ương. Đồng thời, đã tập trung vào công tác cải cách TTHC, rà soát với hơn 3400 TTHC, trong đó đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa được hơn 300 TTHC được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và thành phố như kiến nghị việc giảm thành phần hồ sơ; giảm thời gian giải quyết TTHC, bãi bỏ yêu cầu, điều kiện không cần thiết hoặc miễn, giảm phí, lệ phí... tập trung vào một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư, y tế và một số lĩnh vực khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện TTHC theo chủ trương chung của thành phố về chính sách thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, cơ chế một cửa được triển khai có hiệu quả đồng bộ cả ba cấp: 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, 100% quận, huyện; 100% phường, xã. Trong đó, cơ chế một cửa liên thông được duy trì hiệu quả tại 100% phường, xã; 100% quận, huyện và được mở rộng đáng kể tại các sở, ban, ngành. Đến nay, tỷ lệ TTHC liên thông như sau: cấp sở, ngành 206/1101 (tỷ lệ 19%); quận, huyện đạt 62/200 TTHC (tỷ lệ 31%); phường, xã đạt 40/97 TTHC (tỷ lệ 41%).
Tính đến tháng 4-2020, thành phố đã sắp xếp 70 đơn vị, giảm 37 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 121 đơn vị cấp phòng; 172 vị trí lãnh đạo, quản lý, thu hồi 73 chỉ tiêu người làm việc, giải quyết 38 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; chấm dứt hợp đồng lao động đối với 23 người. Trong giai đoạn 2017 - 2019 thành phố đã thực hiện đổi mới, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, giảm chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với dự toán đầu năm hơn 242 tỷ đồng.
Cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, quá trình thực hiện CCHC 10 năm qua gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục như: thủ tục hành chính còn rườm rà, tình trạng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn; còn chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan; còn những hiện tượng nhũng nhiễu khi làm các thủ tục; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh chinhphu.vn)
Định hướng CCHC trong thời gian đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, trên nguyên tắc luật dễ hiểu, dễ vận dụng, một luật có 2 nghị định là nhiều nhất, một nghị định có không quá một thông tư, ban hành một văn bản thì phải hủy văn bản cũ; không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Những thể chế này cần tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Đồng thời, phải triển khai thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn; tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn.nTăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần, đơn vị tự chủ. Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
“Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Cải cách đã là khó, CCHC đụng chạm đến bộ máy, đến con người thì càng khó hơn. Và chúng ta đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ hơn. Cải cách để đưa đất nước tiến lên”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
NGÔ HUYỀN