UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 22-2-2022 triển khai thực hiện Thiết kế đô thị được duyệt tại khoản 9 Điều 1 Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch nhằm cụ thể hoá, hiện thực hoá Thiết kế đô thị được duyệt vào thực tiễn phát triển đô thị, nâng cao chất lượng không gian kiến trúc cảnh cảnh quan, xây dựng hình ảnh thành phố nhân văn, ấn tượng và thẩm mỹ; đồng thời làm căn cứ để các cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ việc thực hiện Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, nhiệm vụ đối với khung thiết kế đô thị tổng thể là bảo vệ giá trị và khai thác lợi thế của điều kiện địa hình tự nhiên độc đáo (bán đảo, đồi núi, sông suối, ao hồ và dải cát ven biển...), gìn giữ đa dạng sinh học; duy trì những khoảng không gian xanh, góc nhìn và tầm nhìn đến những khu vực cảnh quan tự nhiên. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và di sản của thành phố nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị. Khuyến khích khai thác các phong cách kiến trúc hiện đại, kiến trúc xanh, công trình có mật độ xây dựng và hình thái phù hợp theo bản sắc và đặc trưng của mỗi phân khu. Thiết kế hài hòa đảm bảo tính gắn kết giữa cảnh quan thiên nhiên, công trình và các hoạt động đô thị
Đồng thời, tăng cường kết nối không gian cảnh quan bằng các giải pháp giao thông “xanh”, phát triển hình thức đi bộ và xe đạp, giảm bớt đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân. Tổ chức kiến trúc cảnh quan chú trọng tỷ lệ diện tích đất cây xanh cao, hình thành các mảng xanh, bãi cỏ bờ sông, khu cây xanh cách ly giữa khu dân cư và khu công nghiệp, hệ thống hành lang xanh kết nối các khu vực cảnh quan.
Về tổ chức không gian, yêu cầu đảm bảo dành đù quỹ đất cho các khu vực cửa ngõ đô thị, bố trí các công trình biểu tượng, công trình điểm nhấn... có giá trị về mặt kiến trúc cảnh quan, là điểm nhận biết khi vào thành phổ; kết hợp theo Đề án tổng thể mạng lưới tượng, tượng đài và tranh hoành tráng. Quy hoạch các trục không gian, cảnh quan, không gian mở, quảng trường; lồng ghép vào quy hoạch những điểm nhấn đô thị. Xây dựng hình ảnh trung tâm đô thị Đà Nẵng thành một điểm đến kết hợp giữa hiện đại và các địa điểm văn hóa, lịch sử hiện tại được bảo tồn, tích hợp cùng với các khu vực phát triển đô thị, không gian công cộng mới và có mạng lưới giao thông tiếp cận dễ dàng.
Về tổ chức mạng lưới không gian xanh, đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị được tổ chức hành lang xanh, bao gồm các hành lang nằm dọc theo các con sông như sông Cu Đê và sông Hàn; hệ thống công viên tuyến tính dọc theo bờ sông và khu vực ven biển, xung quanh các hồ nước, tại giao điểm của hành lang xanh và mặt nước, hoặc gần trung tâm mỗi khu đô thị. Hành lang cây xanh cách ly được tạo thành các trục kết nối các không gian xanh trong toàn thành phố. Công viên chuyên đề được phân bổ cho các khu vực trung tâm thành phố, khu vực bờ Đông và khu vực phía Tây thành phố, phục vụ các hoạt động giải trí hấp dẫn dành cho người dân và du khách;
Bảo tổn rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, bao gồm dãy Bạch Mã, dãy Bà Nà và bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, các khu vực này cũng có tiềm năng để kình thành khu gỉải trí như một công viên tự nhiên và cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng. Những ngọn đồi trung tâm của Đà Nẵng (Phước Tường - An Ngãi, khu vực lân cận phía Đông Khu du lịch Bà Nà) được duy trì và phát triển là không gian xanh tự nhiên của thành phố. Khu vực dải cát ven biểu Đà Nẵng tổ chức các công viên, lối đi bộ, đảm bảo hành lang bảo vệ bờ biển và tiếp cận của người dân, du khách. Các dòng sông ở Đà Nẵng bao gồm: Sông Yên, sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện… xác định một số vùng đệm thoát lũ ven sông kết hợp hình thành các hành lang xanh, công viên tuyến tính.
Hồ và hồ chứa bao gồm các hồ hiện có như hồ Đồng Nghệ, hồ Hòa Trung, hồ Hóc Khế, hồ Trước Đông... cũng như các hồ chứa mới được tổ chức ở vùng trũng thấp phía Tây Đà Nẵng và vùng đồng bằng ngập lụt ở phía Nam. Quy hoạch các khu đô thị mới ưu tiên dành quỹ đất tổ chức hồ điều hòa, hành lang thoát lũ; các khu vực trũng thấp, bị ảnh hưởng thường xuyên của lũ lụt ưu tiên áp dụng mô hình đô thị thích ứng ngập lụt, dùng quỹ đất tạo khu vực chứa nước tạm.
Bàn sắc đô thị Đà Nẵng xây dựng xoay quanh 3 đặc trưng chủ yếu: (1) Hình thái không gian đô thị gắn với yếu tố đặc trưng và cánh quan tự nhiên Núi - Sông - Biển; (2) Bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc bản địa, gồm kiến trúc Đông Dương, kiến trúc dân gian truyền thống (làng nghề, đình làng...); (3) Khuyến khích các loại hình, phong cách kiến trúc hiện đại, trong đó chủ trọng kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc bền vững.
Các phân khu phải được xác định về hình thái không gian và bản sắc đô thị riêng, phù hợp với đặc trưng hiện trạng, đặc điểm hoạt động và chức năng hướng đến của từng khu vực. Hình thái đặc trưng cụ thể của từng phân khu được xác định chi tiết trong các đồ án quy hoạch phân khu. Khuyến khích thiết kế kiến trúc hiện đại, chú trọng yếu tố công năng, phát huy kiến trúc bản địa, sử dụng màu sắc trung tính, vật liệu thân thiện môi trường, hài hòa cảnh quan xung quanh, tôn trọng các điểm nhấn kiến trúc; khuyến khích kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững nhằm hướng đến một đô thị sinh thái trong tương lai. Ngoai việc đảm bảo mật độ cảnh quan tối thiểu, khuyến khích áp dụng Khu cảnh quan thay thế (Landscape Replacement Area) là các khu cảnh quan xây dựng trên mặt đất hoặc trên tầng của các tòa nhà để thay thế cho diện tích mặt bằng bị xây dựng.
UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện, chủ động xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp dự toán kinh phí của các sở, ban, ngành, quận, huyện; cân đối và tham mưu UBND thành phố bố trí vốn thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch.
UBND thành phố giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch cho UBND thành phố để theo dõi, chỉ đạo.
THÁI BÌNH