UBND thành phố vừa phê duyệt Quyết định số 1928/QĐ-UBND ngày 20-7-2022 ban hành Quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, quy định trình tự xây dựng, tiếp nhận, đánh giá sơ bộ, thẩm định, phê duyệt các đề án; tổ chức thực hiện đề án, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu đề án, tạm ứng, thanh toán kinh phí, thanh lý hợp đồng thực hiện các đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 và các giai đoạn sau theo phê duyệt của UBND thành phố.
Theo đó, Đề án thuộc Chương trình là đề án, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố Đà Nẵng quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Việc lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28-3-2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố.
UBND thành phố chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố; phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong từng giai đoạn, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình hàng năm.
Sở Công thương là cơ quan chủ trì tham mưu giúp UBND thành phố việc xây dựng, tổ chức quản lý và triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố theo từng giai đoạn và hàng năm. Tham mưu giúp UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy chế theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công. Hướng dẫn các đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án xây dựng hồ sơ đề án theo quy định tại Quy chế này. Đảm bảo các điều kiện cần thiểt để đánh giá, thẩm định, tổng hợp danh mục đề án thực hiện hàng năm trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt.
Bên cạnh đó, quản lý, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các đề án đúng quy định; đánh giá và tổng hợp báo cáo UBND thành phố theo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện Chương trình. Chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá và tổng kết việc thực hiện Chương trình. Đề xuất với Chủ tịch UBND thành phố về hình thức khen thưởng tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình .
UBND thành phố giao Sở Tài chính căn cứ nguồn và khả năng cân đối ngân sách thành phố, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành; cử đại diện tham gia làm thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá, lựa chọn các đề án tham gia Chương trình.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, các tổ chức có liên quan có trách nhiệm tích cực tuyền truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý đăng ký đề án tham gia Chương trình; cử đại diện tham gia làm thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá, lựa chọn các đề án tham gia Chương trình khi có đề nghị của Sở Công Thương. Phối họp theo dõi, giám sát việc thực hiện đề án thuộc Chương trình của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
Đơn vị chủ trì đề án có trách nhiệm Lập hồ sơ đề án theo đúng quy định, đảm bảo và chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của các thông tin trong hồ sơ, tài liệu đã cung cấp cho cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng đề án; tổ chức thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí các đề án thuộc Chương trình, lập báo cáo theo đúng các điều khoản quy định tại hợp đồng và quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, tổ chức triển khai các nội dung đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả thực hiện đề án của Chương trình; đề xuất với Sở Công Thương về các vấn đề phát sinh cần giải quyết trong quá trình thực hiện đề án. Sử dụng kinh phí thực hiện đề án theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật đấu thầu và các quy định hiện hành; phối hợp với Sở Công Thương trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện đề án thuộc Chương trình theo mục tiêu, nội dung và tiến độ đã đề ra.
Đơn vị chủ trì đề án thực hiện nghiệm thu đề án cấp cơ sở trước khi gửi hồ sơ nghiệm thu đề án cho Hội đồng nghiệm thu tiến hành nghiệm thu đề án theo đúng quy định. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình triển khai nhiệm vụ của Chương trình. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc hoàn trả kinh phí (nếu có) theo quy định tại Quy chế này.
Đơn vị thụ hưởng đề án (doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) có trách nhiệm sử dụng tài sản hình thành do đầu tư, mua sắm từ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố đúng mục đích và có hiệu quả; định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm trong vòng 3 năm kể từ khi đề án kết thúc, gửi báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản được hỗ trợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cho Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
THÁI BÌNH