"Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và hạ tầng giao thông, lợi thế về cảng biển để phát triển hệ thống dịch vụ Logistics; lấy dịch vụ vận tải biển và vận tải kết nối cảng biển làm trụ cột phát triển hệ thống Logistics trên địa bàn thành phố từng bước đảm nhận vai trò Trung tâm Logistics của khu vực, cửa ngõ chính ra biển của hành lang kinh tế Đông Tây." - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn tại Diễn đàn phát triển dịch vụ Logistics trên hành lang kinh tế Đông Tây tổ chức ngày 4-8, trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022.
"Thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến EWEC để hành lang kinh tế Đông Tây thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ Logistics" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh
Hướng đến Trung tâm dịch vụ Logistics của khu vực
Hành lang kinh tế Đông Tây (East West Economic Corridor - EWEC) là chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 8 vào năm 1998 để tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước EWEC. EWEC hình thành dựa trên tuyến đường bộ dài 1.450 km đi qua 4 quốc gia nằm trong trung tâm bán đảo Đông Dương là: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đến nay, sau gần 25 năm hình thành các địa phương trên hành lang vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự; hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển. Do đó, việc quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến EWEC là rất cần thiết để hành lang kinh tế Đông Tây thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, Đà Nẵng cũng như 5 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng với chính quyền các tỉnh của nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar trong thời gian qua đã có những chương trình, hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics như xây dựng và triển khai các quy hoạch trung tâm logistics, kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ logistics, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dịch vụ logistics.
"Dịch vụ logistics được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng của thành phố. Thành phố đang quyết liệt triển khai công tác xây dựng Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn về phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics cũng như đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn tới như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn thành phố." - Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Sonechanh Phoutthavong - Tham tán thương mại CHDCND Lào tại Việt Nam cho rằng, tiềm năng cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các tỉnh có chung biên giới hai nước nói riêng, giữa Lào và Việt Nam nói chung là rất lớn. Đặc biệt, tỉnh Savannakhet và thành phố Đà Nẵng cùng nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, tuyến hành lang quan trọng đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa xã hội giữa các quốc gia Đông Nam Á.
Để tận dụng vị trí địa lý quan trọng này phục vụ cho việc phát triển kinh tế, du lịch, bà Sonechanh Phoutthavong đề nghị cả hai nước cần thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển logistic. Các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư tại Lào, hợp tác kinh doanh tại Khu kinh tế đặc biệt Savan-Seno và Cảng cạn Seno để tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây cũng như phát triển trên lĩnh vực giao thông, du lịch, nông nghiệp và công nghiệp.
Theo ông Lê Quảng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, là cảng biển lớn nhất miền Trung, có lịch sử hình thành và phát triển trên 120 năm, Cảng Đà Nẵng có vai trò rất quan trọng trong tuyến EWEC. Cảng Đà Nẵng đã tập trung nguồn lực xây dựng Cảng Tiên Sa có hạ tầng ngày càng hiện đại, ứng dụng triệt để công nghệ 4.0 trong mọi mặt hoạt động, đi đầu trong việc trở thành cảng điện tử (E-Port). Từ giữa năm 2021, khách hàng giao nhận container không cần đến cảng để làm các thủ tục hành chính. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển các phương án thu hút hàng quá cảnh trên EWEC.
Hệ thống sàn nâng, băng chuyền được đưa vào sử dụng góp phần tăng nâng suất vận chuyển hàng qua cảng
Hiện Cảng Đà Nẵng thu hút được 14 hãng tàu container, hàng tuần đón khoảng 30 chuyến tàu. Trong đó có những hãng tàu hàng đầu thế giới như Mearsk Lines, MSC, CMA-CGM, YangMing, SITC, WanHai, ZIM. Với tốc độ phát triển sản lượng khoảng 15%/năm trong khoảng 5 năm trở lại đây, Cảng Đà Nẵng thu hút được một số lượng nhất định hàng quá cảnh tuyến EWEC trong tổng sản lượng hàng năm thông qua.
Tuy vậy, đại diện Công ty CP Cảng Đà Nẵng cũng cho rằng, lượng hành hóa qua EWEC chưa nhiều như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh nhằm thu hút đối với hàng hóa lưu thông trên tuyến này cũng như khuôn khổ pháp lý riêng, rõ ràng.
Phương tiện vận tải lưu thông trên tuyến EWEC còn gặp những trở ngại, nhất là vấn đề tay lái nghịch vẫn chưa được giải quyết, nên hàng hóa từ Thái Lan gặp khó khăn khi vào Việt Nam. Đường đến cửa khẩu của Việt Nam và phía Lào đều nhỏ hẹp. Chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao do trình độ quản lý, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chi phí dọc đường nhiều và hệ thống đường bộ với nhiều trạm thu phí cầu đường (chiếm bình quân 10 -15% chi phí vận tải), dẫn đến chi phí vận chuyển cao nên rất khó thu hút nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan. Thời gian thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Việt - Lào còn chậm, khoảng 6 tiếng (đối với các lô hàng khoảng 10 xe). Ngoài ra, vẫn còn thiếu khu kho bãi tập trung quy mô lớn, có vị trí chiến lược, kết nối đồng bộ với hệ thống cảng, đường quốc lộ, đường sắt nhằm phục vụ lượng hàng quá cảnh trên tuyến có sản lượng lớn.
Ông Lê Quảng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng đề xuất trong thời gian tới, cần xem xét giảm số lượng và giá các trạm BOT hiện có trên EWEC, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào kê khai thủ tục hải quan tại cửa khẩu và có hiệp định về thông quan hải quan giữa những quốc gia trên tuyến EWEC. Các địa phương tập trung hỗ trợ để có thể cho ra đời Trung tâm logistics quy mô lớn, có vị trí chiến lược, để cạnh tranh với các trung tâm của hai đầu đất nước và quốc tế. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ giá thuê đất và các chính sách tài chính ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, thành phố cần đẩy nhanh việc hình thành cảng Liên Chiểu, dần thay thế Cảng Tiên Sa, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của lượng hàng hóa thông qua, góp phần đáp ứng chất lượng dịch vụ logistics trên EWEC.
Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối Trung tâm Logistics, khu công nghiệp với cảng biển
Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics như: dịch vụ vận tải, dịch vụ kho bãi, giao nhận, đại lý tàu biển, đóng gói bao bì, ký mã hiệu, thủ tục hải quan... Về hệ thống kho bãi, Đà Nẵng có 2 trung tâm logistics quy mô nhỏ do doanh nghiệp đầu tư và hệ thống các kho bãi thuộc các công ty logistics, phần lớn các kho có trang thiết bị, máy móc chuyên dụng và được trang bị phần mềm quản lý hiện đại. Thành phố đã hình thành trung tâm logistics trong khu công nghệ cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố được quan tâm, nâng cấp với một số dự án lớn như: Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa - Liên Chiểu giai đoạn 2 (đã hoàn thành tháng 7-2018, nâng khả năng tiếp nhận tàu từ 1.800 TEU lên 3.5000 TEU); Dự án Cảng Liên Chiểu (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ), Dự án di dời ga Đà Nẵng, xây dựng ga Kim Liên (đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương).
Theo ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, hiện Đà Nẵng vẫn đang đối mặt với những thách thức như kết cấu hạ tầng kết nối với các đầu mối vận tải lớn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và khu bến Tiên Sa đều quá tải và nằm sâu trong trung tâm thành phố.
Để trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, thành phố cần kêu gọi thực hiện đầu tư và sớm đưa vào khai thác hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm trên hành lang như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo kết nối CKQT Lao Bảo; Tuyến QL14D, QL14E kết nối CKQT Nam Giang, khu bến Liên Chiểu.
Song song với xây dựng cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên hành lang kinh tế Đông Tây, ông Nguyễn Công Bằng cũng cho rằng cần có cơ chế phối hợp liên Vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố trên hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Trong đó, Đà Nẵng đảm nhận vai trò đầu tầu, dẫn dắt và đảm nhận các dịch vụ logistics đòi hỏi chất lượng cao.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, Đà Nẵng nằm gần tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông, nằm trên đường trung chuyển hàng không quốc tế. Đà Nẵng là đầu mút phía Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, cửa ngõ thông ra biển của vùng Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan và là một trong những cửa ngõ quan trọng của Tây Nguyên.
Với vị trí giao điểm của Hành lang kinh tế Đông Tây và Hành lang kinh tế Bắc - Nam, thành phố Đà Nẵng có những lợi thế đặc biệt và có vai trò chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng logistics thành phố vẫn chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để giúp kết nối hiệu quả với Hành lang Kinh tế Đông Tây và cả nước; chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong nội bộ thành phố và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn. Về hàng không, sân bay Đà Nẵng hiện chủ yếu phục vụ hành khách, chưa phát huy vai trò vận tải hàng hóa và logistics hàng hóa hàng không.
Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thực hiện các hoạt động logistics đơn lẻ, giá trị gia tăng ít. Các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, lượng nguồn hàng tại chỗ còn nhiều hạn chế. Việc thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên và luồng hàng đến các thị trường tiêu thụ như Lào, Campuchia, Thái Lan chưa đạt hiệu quả mong muốn.
"Trong thời gian tới, thành phố cần tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống logistics, dành quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng và trung tâm logistics; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cầu hạ tầng trọng điểm như: Tái thiết các khu đô thị xung quanh cảng biển, ga hàng hóa Kim Liên và Khu công nghiệp Liên Chiểu, Xây dựng mới cảng Liên Chiểu, Di dời ga đường sắt, Nâng cấp quốc lộ 14B, 14G; dành quỹ đất cho việc nâng cấp Sân bay Đà Nẵng, có giải pháp thiết kế nâng cấp khu vực chuyên biệt phục vụ vận chuyển hàng hóa.
Song song với đó, hỗ trợ hình thành các trung tâm đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao và doanh nghiệp dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ cao. Xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics công nghệ cao, trung tâm logistics thông minh, xanh, hiện đại, đóng vai trò kết nối thúc đẩy hàng hóa trong khu vực. Đồng thời, ban hành những chính sách ưu đãi thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng, thu hút đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất lớn trên địa bàn." - Ông Trần Thanh Hải nói.
THÙY LINH