Bàn giải pháp chống ngập úng
Đăng ngày 02-11-2023 16:41, Lượt xem: 336

Sáng 2-11, Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố tổ chức "Hội thảo về nhận diện các nguyên nhân gây ngập úng và đề xuất các giải pháp về thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố". Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn, đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND thành phố, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở Hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng; Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Trung Trung Bộ; Chuyên gia đến từ Khoa xây dựng công trình thủy, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh trong thời gian qua, thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên hệ thống thoát nước vẫn chưa thể hoàn chỉnh để đáp ứng được yêu cầu về giải quyết triệt để ngập úng, bởi tốc độ đô thị hóa tại thành phố Đà Nẵng đang diễn ra nhanh chóng.

Toàn cảnh hội thảo

Tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây ngày càng nhiều, mực nước sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn ở mức cao mỗi khi mưa lớn hoặc xảy ra lũ từ thượng nguồn. Do vậy, thành phố chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên lập quy hoạch phân khu, ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa... Đồng thời, khẩn trương đánh giá hiện trạng quy hoạch về cao độ nền và năng lực thoát nước của thành phố.

Theo ý kiến của các chuyên gia, địa hình tự nhiên thành phố Đà Nẵng dốc theo hướng từ Tây sang Đông nên thuận lợi cho việc thoát nước mưa. Chiều dài các tuyến thoát nước tương đối ngắn, nguồn xả là dọc hệ thống sông Túy Loan, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cổ Cổ và Hàn; sông Cu Đê; ven biển phía Đông và ven Vịnh Đà Nẵng kết hợp hệ thống hồ điều hòa bố trí rãi rác trong thành phố. 

Tuy nhiên, các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cao hơn đáy cửa xả nên hạn chế khả năng tự chảy của cống. Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố.

Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp phòng chống và ứng phó kịp thời để giảm thiểu tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố và thiệt hại do đợt mưa lớn gây ra. Triển khai hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất tại hồ Công viên 29/3, hồ Thạc Gián Vĩnh Trung, hồ Ba Sen Vàng....để tăng khả năng điều tiết nước. Bố trí lực lượng ứng trực, thực hiện công tác khơi thông thoát nước tại các vị trí ngập úng trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, vận hành các cửa Ba Sen Vàng, Đảo Xanh, Khuê Trung, Thanh Huy, Yên Khê 1, Yên Khê 2, Công viên 29/3, Thạc Gián -Vĩnh Trung, Yên Thế Bắc Sơn, cửa trạm bơm Ông Ích Khiêm, cửa tại trạm bơm chống ngập Trương Chí Cương. 

Qua theo dõi các đợt mưa vừa qua, hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 50 vị trí ngập úng cục bộ (quận Cẩm Lệ: 03 vị trí; quận Sơn Trà: 06 vị trí; quận Ngũ Hành Sơn: 04 vị trí; quận Hải Châu: 17 vị trí; quận Thanh Khê: 13 vị trí và quận Liên Chiểu 07 vị trí).

Hiện nay, các cửa xả ven biển thường xuyên bị bồi lấp khi có gió lớn nên gây ảnh hưởng rất lớn cho việc thoát nước của các cửa xả này khi có mưa (đặc biệt khi kết hợp triều cường). Do vậy, thành phố cần nghiên cứu giải pháp để hạn chế hiện tượng này, cũng như giải pháp điều tiết nước tại khu vực sân bay nhằm hạn chế lưu lượng nước từ sân bay đổ về các khu vực lân cận khi có mưa gây ngập úng. Tăng cường công tác nạo vét, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước nhằm phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu theo phân cấp.


Tiến sĩ Lê Hùng, Khoa xây dựng công trình thủy, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng phát biểu

Tiến sĩ Lê Hùng, Khoa xây dựng công trình thủy, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đề nghị, thành phố cần sớm hoàn thành cắm mốc ranh giới hành lang thoát lũ cho các lưu vực sông Đà Nẵng; xem xét đánh giá thẩm định thẩm tra kỹ các công trình giao thông gây cản trở dòng chảy lũ. Đồng thời, đánh giá chuẩn xác hơn các đồ án thiết kế quá trình thẩm định, thẩm tra các dự án thoát nước Đà Nẵng cần mở rộng, bố trí thêm nhiều cửa xả ra các sông, biển như mở các vị trí trên các tuyến đường Phùng Hưng/Hồ Quý Ly Lý Thái Tông, vị trí Hà Khê ra biển, cửa xả đoạn từ Trần Thị Lý đến công viên Châu Á...

"Thành phố cần phân vùng thoát nước theo các lưu vực cho hợp lý, phân chia lại trục thoát nước khu tượng đài 2/9, đường Núi Thành, đường 30/4, Phan Đăng Lưu...Mặc dù hệ thống cống thượng lưu có khả năng thoát nhưng lại bị ứ đọng tại các cửa thoát dẫn đến ngập như tại các cửa thu trạm bơm Ông Ích Khiêm, trạm bơm Thuận Phước... Bên cạnh đó, cần đánh giá lại hiệu quả các trạm bơm ứng với giai đoạn hiện nay, xem xét lại mực nước và lưu lượng đổ về của các trạm bơm," Tiến sĩ Lê Hùng nói.

Ông Trần Viết Dũng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng chia sẻ, hiện các khu vực có cao độ thấp hơn mực nước khống chế gồm: Khu vực ven sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện; Khu vực ven sông Cu Đê; Khu vực ven sông Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Túy Loan Huyện Hòa Vang. Ngập toàn bộ các khu vực ở phía Nam, bao gồm các xã Hòa Tiến, Hoa Châu, Hòa Phước và 1 phần xã Hòa Nhơn, Hòa Khương.

Về định hướng giải pháp về cao độ nền, ông Trần Viết Dũng cho rằng, đối với những khu vực đô thị cũ như Hải Châu, Thanh Khê và những khu vực đô thị mới đã được xây dựng (thuộc các quận Liên Chiểu, Nam Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), cần giữ lại cao trình hiện trạng, tuy nhiên cần có giải pháp nâng cao độ các kè hiện trạng dọc sông Hàn, sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Cu Đê, Vĩnh Điện lên đến cao độ mực nước khống chế, kết hợp với giải pháp bố trí trạm bơm và hồ điều tiết.

Đối các khu vực dân cư giữ lại chỉnh trang và khu vực quy hoạch đô thị mới thuộc huyện Hòa Vang, định hướng giải pháp bố trí đê bao dọc các sông Túy Loan, sông Yên, sông Cu Đê, sông Vĩnh Điện. Khu vực trong đê, cốt nền xây dựng tối thiểu P=5% kết hợp giải pháp bố trí hồ điều tiết kết hợp trạm bơm chống ngập. Riêng đối với các khu vực đồi núi cao thì cao độ cơ bản bám theo địa hình hiện trạng, tránh đào sâu, phá vỡ cảnh quan tự nhiên.

Vận động người dân tham gia cùng thực hiện khơi thông cửa thu nước, kênh mương, cống thoát nước

Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố, trong thời gian qua, Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường khơi thông cửa thu, mương thu nước theo phạm vi phân cấp quản lý. Tiến hành khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay về hệ thống cống thoát nước, trước mắt ưu tiên tại khu vực đô thị cũ như khẩu độ cống, cao trình, khớp nối, cửa thu nước. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu cải tạo của thu nước hiện trạng theo hưởng bảo đảm mỹ quan đô thị, nâng cao khả năng thu nước và giảm tác động đến người dân.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố phát biểu

Cùng với đó, UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, đây là cơ sở để triển khai các dự án thoát nước có quy mô lớn trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, bảo đảm giải quyết triệt để vấn đề ngập úng đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan hoàn thiện, phát triển Hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thông qua ứng dung Danang SmartCity. 

Phần lớn hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố hiện nay được phân cấp cho Sở Xây dựng quản lý và đơn vị được nhận đặt hàng là Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng với quy mô tổng chiều dài hệ thống cống thoát nước khoảng 850 km; 19 hồ điều tiết; 27 tuyến kênh, mương với chiều dài khoảng 25km, 05 trạm bơm chống ngập và toàn bộ hệ thống thu gom nước thải trên toàn thành phố.

Hệ thống thoát nước của thành phố chủ yếu là hệ thống thoát nước nửa riêng, hướng thoát nước hầu hết đổ ra sông và biển. UBND các quận, huyện được giao quản lý hệ thống thoát nước theo phạm vi phân cấp và khối lượng thực hiện chủ yếu là nạo vét cống và sửa chữa mương cống thoát nước.

Theo KS. Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, một số trận mưa có tính chất cực đoan, cường độ mưa rất lớn nhưng tập trung trong khoảng thời gian rất ngắn dẫn đến hệ thống cống thoát nước không thể chuyển tải kịp thời về các trạm bơm chống ngập hoặc của xả; hơn nữa, cửa thu nước trên nhiều tuyến đường cũng đã mất khả năng thu nước do bị bịt kín, mương thu chưa kịp thời khơi thông, dẫn đến ngập úng.

Một bộ phận người dân còn xả rác sinh hoạt xuống cống, cửa thu nước hoặc tự ý che đậy, cải tạo làm lấp các cửa thu nước, làm giảm khả năng thu nước gây ngập úng cục bộ trên một số tuyến đường. Người dân tự ý bít miệng cửa thu hoặc xả rác thải xuống cống nên khả năng thoát nước trong mùa mưa bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, một số tuyến đường lớn như Đống Đa, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng. Trần Hưng Đạo... vì lý do mỹ quan nên đã lát vỉa hè gạch block lên trên nắp hố ga, làm cho công tác kiểm tra, xử lý sự cố không được thuận lợi.

Do đó, thành phố cần tăng cường truyền thông giáo dục, tuyên truyền người dân không bịt của thu nước gây cản trở dòng chảy và chung tay với chính quyền trong công tác khởi thông dòng chảy khi có mưa lớn xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước. Nạo vét cửa thu, cống thoát nước gắn liền với việc giám sát của cộng đồng dân cư, bảo đảm hệ thống cống thoát nước phải được thông suốt nhằm phát huy tối đa năng lực hiện có.

THUỲ LINH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác