Từ những viên gạch đầu tiên để hình thành ngành công nghiệp CNTT và với những kết quả đã đạt được, Đà Nẵng quyết tâm hiện thực hóa khát vọng trở thành thung lũng Sillicon ở khu vực Đông Nam Á với những nỗ lực xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án CNTT, công nghệ cao, công viên phần mềm số 2.
Hình thành công viên phần mềm số 2
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Để cụ thể hóa nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở Quyết định số 2407 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Quyết định số 1967 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về công nhận công viên phần mềm Đà Nẵng là khu công nghệ thông tin tập trung, Đà Nẵng đã triển khai các thủ tục quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khu công viên phần mềm số 2.
Dự án khu công viên phần mềm số 2 được triển khai xúc tiến vào Đà Nẵng từ tháng 6-2016. Trên cơ sở các buổi làm việc giữa đại diện lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng, các sở, ngành có liên quan và đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp (Singapore), dự án đã được Chính phủ hai nước lựa chọn là dự án trọng điểm xúc tiến thông qua ký kết bản ghi nhớ vào ngày 23-3-2017.
Trên cơ sở quy hoạch 1/500 được duyệt và phương án đấu giá quyền sử dụng đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã 2 lần tổ chức đấu giá không thành công nên không thể lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai dự án.
Qua phân tích, với tổng giá trị khởi điểm khu đất theo quyết định số 5793 năm 2018 quy định giá đất cụ thể làm cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất là hơn 1.355 tỉ đồng, tương đương khoảng 58,9 triệu USD, cùng với các chi phí hợp lệ khác của dự án.
Đặc biệt là phải đáp ứng điều kiện khác của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung thì dự án không có khả năng hoàn vốn trực tiếp nên không lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai.
Dự án khu công viên phần mềm số 2
Do đó, thành phố Đà Nẵng đã căn cứ vào điều 3, Nghị quyết số 1023 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được thuộc các ngành, lĩnh vực…" và Nghị định số 154/2013, quyết định sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng khu công viên phần mềm số 2.
Tại Quyết định số 1565 ngày 04/5/2020, Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 799 tỉ đồng và khởi công xây dựng công trình vào ngày 10/10/2020. Trong quá trình thi công, dự án đã được bổ sung tổng mức đầu tư hơn 186 tỉ đồng, nâng tổng mức dự án lên hơn 986 tỉ đồng và được HĐND thành phố thống nhất tại Nghị quyết số 358 ngày 12/4/2021.
Công trình gồm khối tòa nhà Văn phòng ICT 20 tầng; 02 khối Văn phòng kết hợp trụ sở 8 tầng gồm ICT1 và ICT2 cùng hệ thống sân bãi, đường giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng…
Theo dự kiến, sau khi hoàn thành dự án, Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ số... Với những yếu tố thuận lợi về giao thông, cảnh quan, công viên phần mềm số 2 được đánh giá khi hoàn thành sẽ trở thành điểm đến đầy hứa hẹn với các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT lớn trong và ngoài nước.
Tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng CNTT
Tuy nhiên, mặc dù công trình đã cơ bản hoàn chỉnh phần xây dựng hạ tầng nhưng phải tạm dừng chưa thể đưa vào hoạt động do vướng mắc về hành lang pháp lý.
“Là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin của thành phố Đà Nẵng được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước nên Công viên phần mềm số 2 là tài sản công do Nhà nước quản lý. Nhưng, quy định của pháp luật về hành lang pháp lý của tài sản là kết cấu hạ tầng công thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin mà cụ thể là quy định về quản lý, sử dụng tài sản và khai thác công viên phần mềm thời gian qua vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Đây là vướng mắc chính- là “điểm nghẽn” đối với dự án này cần được tháo gỡ", ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.
Để tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, giúp thành phố tháo gỡ vướng mắc về vấn đề pháp lý để hoàn thiện công trình sớm đưa vào khai thác hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Công trình gồm khối tòa nhà Văn phòng ICT 20 tầng; 02 khối Văn phòng kết hợp trụ sở 8 tầng gồm ICT1 và ICT2 cùng hệ thống sân bãi, đường giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng…
Đến ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thành phố bổ sung nội dung này vào quy định cơ chế đặc thù của thành phố Đà Nẵng và thực hiện theo hướng xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, quá trình xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã 2 lần lấy ý kiến các Bộ, ngành; thành phố Đà Nẵng đã 3 lần có văn bản giải trình, kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến Dự án Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng…
Từ kiến nghị của thành phố Đà Nẵng và các ý kiến tham mưu của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ thống nhất tháo gỡ vướng mắc cho dự án khu Công viên phần mềm số 2. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP ngày 01/02/2024, bổ sung Điều 9a về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng.
Theo đó, Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng do UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin. HĐND thành phố Đà Nẵng được xem xét, quyết định việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đối với Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Cơ quan quản lý Nhà nước đối với Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng là UBND thành phố Đà Nẵng…
Những nội dung mới bổ sung Nghị định tập trung vào việc quản lý, khai thác Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng như: nguyên tắc quản lý, khai thác; đối tượng, trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng; việc lập và tổ chức thực hiện đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng.
Như vậy, Nghị định số 09/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ cơ chế cụ thể, rõ ràng trong việc xác định tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin và quy định chi tiết về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Những không gian sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng thung lũng Silicon
Từ những năm 2015, Đà Nẵng đã xác định CNTT (cùng với công nghệ cao) là 01 trong 03 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Có thể nói với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP đã tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho thành phố Đà Nẵng đưa vào sử dụng, khai thác dự án Công viên phần mềm số 2, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Từ đó, mở rộng không gian phát triển phần mềm cũng như các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ nghiên cứu phát triển chuyển đổi số, phát triển không gian đổi mới sáng tạo tại Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng.
Trước đó, năm 2016 khu phức hợp văn phòng FPT đã được hình thành, là nơi làm việc của 3.000 kỹ sư, lập trình viên. Tại đây nhiều sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin chất lượng cao đã ra đời.
Khu phức hợp văn phòng FPT (FPT Complex) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Công nghệ thông tin tập trung và là khu CNTT tập trung thứ 3 của Đà Nẵng trong tổng số 5 khu CNTT tập trung của cả nước
Khu phức hợp Văn phòng FPT có diện tích 59.312m2, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo ra việc làm cho hơn 5.000 lao động. Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 261/QĐ-TTg công nhận Khu phức hợp Văn phòng FPT (FPT Complex) là Khu Công nghệ thông tin tập trung và là khu CNTT tập trung thứ 3 của Đà Nẵng trong tổng số 5 khu CNTT tập trung của cả nước.
Cùng với đó, Đà Nẵng cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương xác định là một trong ba Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, và thành lập ba Khu công nghệ cao quốc gia để thu hút các nguồn lực đầu tư về công nghệ cao, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và thế giới.
Trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ hình thành thêm những không gian sáng tạo, điểm đến công nghệ như Dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ; Dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay; Tòa nhà Viettel Đà Nẵng.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 có tối thiểu 7 Khu CNTT, công viên phần mềm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10%/năm, tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm.
Có thể khẳng định với chủ trương xác định CNTT là lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của chính quyền thành phố, cùng với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và những kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, khát vọng trở thành thung lũng Silicon khu vực Đông Nam Á của Đà Nẵng đang dần trở thành hiện thực.
HOÀNG PHAN