Chiều 27-6, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức Lễ công bố quyết định, đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng và kỷ niệm 5 năm Nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi; Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Lê Hồng.
Nghề truyền thống nước mắm có một ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nghề làm nước mắm không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi và Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Lê Hồng trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng cho lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu
Cách đây 5 năm, Nghề làm nước mắm Nam Ô chính thức được Nhà nước công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào và là sự ghi nhận đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Liên Chiểu và thành phố Đà Nẵng trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, phát triển làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, quận Liên Chiểu và thành phố Đà Nẵng đã có những nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu các giải pháp và hỗ trợ Làng nghề.
Nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ Quốc gia đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và chính thức triển khai từ năm 2022. Sau gần 2 năm thực hiện đến nay, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 437/QĐ-SHTT ngày 3-6-2024 của Cục Sở hữu trí tuệ, đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm nước mắm truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho sản phẩm nước mắm truyền thống được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm có ý nghĩa quan trọng đối với bà con Hội Làng nghề truyền thống nước nắm Nam Ô trong việc xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường để phát triển bền vững
“Chỉ dẫn địa lý là tài sản mang tính cộng đồng, giá trị của sản phẩm cần được xây dựng bởi cộng đồng và vai trò của cộng đồng trong quá trình phát triển chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng. Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hội viên hội làng nghề cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm, đúng tiêu chuẩn nhằm duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm và cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu nước mắm Nam Ô của thành phố có giá trị truyền thống, lịch sử hàng trăm năm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo thành phố chúc mừng bà con Hội Làng nghề truyền thống nước nắm Nam Ô với sản phẩm nước mắm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Anh Thi bày tỏ hy vọng, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” sẽ phát huy được giá trị sau khi được Nhà nước bảo hộ, góp phần hỗ trợ người dân làng nghề nước mắm Nam Ô phát triển sản xuất truyền thống ra thị trường một cách hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.
NGÔ HUYỀN