Sáng 28-6, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo, dân tộc thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh và Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Lê Văn Trung đồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành đã nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở tại các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp tích cực hơn trong công tác phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ngày càng thiết thực, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những vấn đề Nhân dân quan tâm.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nhân rộng 16 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu và xây dựng các mô hình mới phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể tại đơn vị. Trong 06 tháng đầu năm, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tham gia góp ý vào 25 dự thảo văn bản, trong đó góp ý với hơn 06 dự thảo Luật (sửa đổi) và các dự thảo các Nghị quyết của HĐND sửa đổi (bổ sung); các kế hoạch, dự án, quy chế, chính sách của địa phương như chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách xã, phường do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố …
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quán triệt việc công khai để Nhân dân biết chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình thông qua người đại diện là Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc trực tiếp giám sát thông qua Luật khiếu nại, tố cáo và kiến nghị đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền, qua đó nhằm phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được thành lập 46 Ban, với 253 thành viên; tổ chức 73 cuộc giám sát các công trình, dự án, qua đó phát hiện có 02 công trình, dự án phát hiện vi phạm thiếu sót, kiến nghị trực tiếp để chủ đầu tư khắc phục, giải quyết; hoạt động giám sát của các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở các phường, xã chủ yếu tập trung vào giám sát việc thi công các công trình dự án phục vụ dân sinh, công viên, vườn dạo...
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Việc thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp đảm bảo theo đúng quy định. Tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp luôn chủ động phối hợp với người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung, ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Người lao động được tham gia ý kiến trong công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản khác liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh phát biểu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh ghi nhận nỗ lực của các cấp uỷ đảng, sự điều hành của chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận các cơ quan nhà nước gắn với Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27/10/2023 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tình hình hiện nay; thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm, giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Song song với đó, đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách, quyền lợi người lao động. Hướng dẫn và định kỳ tổ chức các buổi đối thoại; ký kết thỏa ước lao động tập thể; quan tâm thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; đặc biệt là theo dõi tình hình thành lập, hoạt động của tổ chức đại diện khác của người lao động ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp tiếp tục thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên. Theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng để chỉ đạo xử lý và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra xử lý; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; vận động và tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động tự quản tại địa bàn dân cư.
CÔNG TÂM