Bộ Chính trị vừa thông qua thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Đây là quyết định có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn sắp đến.
Quyết định này sẽ tạo động lực mới cho quá trình chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ giá trị gia tăng cao của thành phố Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa 12. Đây là cơ sở quan trọng, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.
Sau Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, với việc thành lập Khu thương mại tự do, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, cơ chế chính sách về phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,…
Đà Nẵng được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Tài chính khu vực
Đà Nẵng tiếp tục được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực. Có thể nói, Đà Nẵng đã có gần như có thêm tất cả các cơ sở chính trị để cùng với các cơ quan Trung ương nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cạnh tranh để kiến tạo mô hình phát triển Trung tâm tài chính hiệu quả nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính phục vụ cho sự phát triển cho Đà Nẵng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hiện nay, trên thế giới có 4 loại hình Trung tâm tài chính (TTTC) gồm TTTC quốc tế, TTTC khu vực, TTTC hải ngoại. Các TTTC đóng vai trò nguồn cung vốn cho nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của các quốc gia. Có thể kể đến các TTTC quốc tế như: New York, London, Singapore, Hong Kong…; TTTC khu vực như: Frankfurt, Paris, Tokyo, Dubai, Astana…TTTC quốc gia như: Bangkok, Jakarta, GIFT City (Ấn Độ)…
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận để hình thành một trung tâm tài chính đầy đủ sẽ là hành trình rất dài, ở đó là câu chuyện tầm nhìn quốc gia hướng đến phát triển, vượt qua các thách thức, bẫy thu nhập trung bình.
Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), dự báo năm 2023 và 2024, GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong ASEAN-6, đạt lần lượt 462,64 tỷ USD và 615,6 tỷ USD.Ngoài ra, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa tăng khoảng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Tốc độ tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022-2025.
Gần đây nhất, theo các số liệu được công bố, Việt Nam nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tương lai, có thể kể đến như: công nghệ tài chính (fintech) và metaverse (tiền điện tử, thực tế tăng cường, thực tế ảo, thế giới ảo và NFT - một nội dung số được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối).
Đặc biệt, có 58% người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam đã sử dụng các giải pháp Fintech (ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền...) trong năm qua. Việt Nam còn nằm ở múi giờ khác với hơn 20 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới,điều này tạo lợi thế đặc biệt trong việc thu hút vốn nhàn rỗi trong thời gian các trung tâm này nghỉ giao dịch.
Việc thành lập Trung tâm Tài chính khu vực tại thành phố là quyết định có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn sắp đến
Đây chính là những yếu tố thuận lợi trong triển khai hoạt động Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Nhưng đối với thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, khi được chọn để hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia sẽ là một thách thức không nhỏ.Để triển khai Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế, đòi hỏi bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm rõ ràng, rành mạch giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở phân cấp phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng trong triển khai thực hiện theo như chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Chính vì vậy, việc triển khai Trung tâm tài chính cũng đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương lựa chọn phát triển các Trung tâm tài chính có ranh giới địa lý và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng nhưng không "biệt lập"; theo mô hình "kết hợp" với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình. Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong công tác triển khai, Bộ Chính trị yêu cầu không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ và đặc biệt dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Có thể khẳng định việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng là câu chuyện tầm nhìn quốc gia. Với quyết tâm trong thực hiện, chúng ta sẽkhơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước để bướcvào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đà Nẵng sẽ quyết tâm cao nhất, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” để những cơ chế chính sách đi vào cuộc sống
Điều này cũng được thể hiện rất rõ qua quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị: “yêu cầu các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện Đề án quan trọng này. Đây không phải chỉ là việc riêng, thành quả của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng mà là trách nhiệm, thành quả của cả nước; vì vậy cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện. Các nội dung của Đề án cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhất quán, trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ để bứt phá; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, triển khai đúng tiến độ, lộ trình các công việc đề ra”.
Đối với thành phố Đà Nẵng, điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, sẽ phải quyết liệt, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương triển khai ngay các chỉ đạo của Bộ Chính trị, đảm bảo triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án.với quyết tâm cao nhất, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” để những cơ chế chính sách đi vào cuộc sống, được hiện thực hóa trên mảnh đất Đà Nẵng. Dứt khoát không để thời cơ vuột qua. Nếu không chính chúng ta sẽ có lỗi rất lớn đối với tiền nhân, đối với các thế hệ mai sau về sự phát triển của Đà Nẵng.
HOÀNG PHAN