Đa dạng hóa các nguồn lực triển khai Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị
Ngày 17-6, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do ông Đặng Đức Cường, chuyên gia của WB và cũng là Chủ nhiệm Dự án Phát triển Bền vững TP Đà Nẵng, dẫn đầu liên quan đến Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị.

 Ý tưởng thiết kế nhà ga mới của thành phố nhìn từ hướng tây - bắc

 

Tại buổi làm việc, các chuyên gia của Hansen Partnership và Martyn Group - đơn vị tư vấn được WB chỉ định thực hiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (PFS) của dự án này – đã trình bày ý tưởng phát triển khu đô thị tại khu vực nhà ga mới, tái phát triển khu vực nhà ga hiện trạng và hình thành tuyến hành lang giao thông xanh kết nối giữa ga cũ và nhà ga mới trên cơ sở vị trí ga mới tại quận Liên Chiểu và các hướng tuyến đã được các bên liên quan thống nhất trong đợt công tác hồi tháng 3-2016. Đơn vị tư vấn cũng đưa ra khuyến nghị, trên tuyến hành lang xanh này cần tích hợp phát triển mô hình xe buýt nhanh (BRT) do đây là phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn mang tính tiện ích, có chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hiện trạng địa hình tại khu vực này.

 

Ông Đặng Đức Cường cho hay, PFS này được đơn vị tư vấn thực hiện trên nguyên tắc tối đa hóa các lợi ích của thành phố, đặc biệt là khai thác quỹ đất để phát triển đô thị. Theo đó, dự án sẽ mang lại cơ hội cho người dân thành phố sử dụng đường bộ và đường sắt di chuyển quanh thành phố hiệu quả hơn, phát triển mạng lưới giao thông cộng kết hợp giữa nhiều loại hình vận chuyển, tăng giá trị đất đai tại khu vực nhà ga và trên hành lang tuyến, đồng thời củng cố tham vọng của Đà Nẵng trở thành thành phố xanh, sạch, thân thiện và bền vững với môi trường. Cũng theo ông Đặng Đức Cường, trong Báo cáo này cũng đã có tính đến tiềm năng phát triển trong tương lai của các dự án khác tại khu vực nhà ga mới, bao gồm cảng Liên Chiểu, Khu Công nghệ cao, Khu CNTT tập trung…Đặc biệt, dự án này sẽ mở ra tiềm năng phát triển cho Cảng Liên Chiểu trở thành cảng biển có kết nối giao thông tốt nhất Việt Nam, vì chưa có cảng biển nào (đã làm rồi hoặc chưa làm) ở nước ta có kết nối với đường sắt, qua đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của thành phố phát triển. Ông cũng cho hay, dự kiến vào tháng 7 này, WB sẽ hoàn thành PFS và làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng như Bộ GTVT liên quan đến việc triển khai dự án.

 

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh “di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố là chủ trương mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã có từ lâu, tuy nhiên vấn đề đặt ra là nguồn lực ở đâu để thực hiện?”. Cho nên, thành phố xác định địa phương sẽ đóng vai trò chủ động trong việc huy động các nguồn lực để triển khai dự án chứ không lệ thuộc vào Bộ GTVT. Ông cho biết, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay, từ năm 2015, Bộ GTVT đã giao BQL DA đường sắt triển khai lập đề xuất Dự án di dời ga đường sắt để nghiên cứu, kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa (hiện đang thực hiện báo cáo giữa kỳ). Những ý tưởng nghiên cứu giai đoạn 1 được đơn vị tư vấn của WB trình bày tại cuộc họp này về cơ bản là hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu đề xuất dự án quy hoạch nhà ga mới với diện tích 43 ha do BQL DA đường sắt lập. Do vậy, Chủ tịch đã yêu cầu Sở KH-ĐT và các đơn vị liên quan phối hợp đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện PFS làm cơ sở để thành phố làm việc với Bộ GTVT nhằm thống nhất phương thức để có thể triển khai được dự án, trong đó có sự phân chia nguồn lực đầu tư giữa Bộ GTVT, ngân sách TP và nguồn khai thác quỹ đất vì mức đầu tư dự kiến có thể lên đến 8.000-9.000 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cũng sẽ nghiên cứu kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực như Sun Group, Vingroup… tham gia đầu tư khai thác tiềm năng tại các hạng mục thuộc phạm vi dự án.

 

Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, thành phố sẽ không thu được nhiều tiền từ khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ, song do đây là khu vực có mật dân cư đông đúc và là vùng lõi đô thị nên thành phố ủng hộ chủ trương tổ chức lại khu vực nhà ga cũ thành khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu dân cư, và tổ chức giao thông kết nối với nhà ga mới theo trục bắc – nam (từ Hoàng Hoa Thám đi Hàm Nghi). Đối với nhà ga mới, thành phố ủng hộ ý tưởng phát triển thành khu đô thị, trung tâm thương mại dịch vụ, kho bãi logistics…  mà nhà ga mới đóng vai trò chủ đạo, có kết nối giao thông với cảng Liên Chiểu, cao tốc Bắc – Nam. Liên quan đến tuyến hành lang giao thông xanh kết nối giữa nhà ga cũ và nhà ga mới, Chủ tịch cho rằng đây là cơ hội tốt để xóa những khu nhà ổ chuột và các điểm đen về tệ nạn xã hội trên tuyến, đồng thời “ có thể mạnh dạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang của tuyến đạt khoảng 23 m để tích hợp phát triển BRT  tại khu vực này”.

 

QUỲNH ĐAN​ 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác