Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, ngành
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể chính trị- xã hội của thành phố đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) không ngừng được nâng lên; đồng thời, nhận thức của đa số người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn trên địa bàn cũng có những chuyển biến tích cực.
Trong giai đoạn 2012-2016, tổng kinh phí ngân sách đã phân bổ để thực hiện chương trình VSATTP là hơn 24,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách thành phố là hơn 17,6 tỷ đồng. Để phát triển sản xuất và quản lý các cơ sở nông sản thực phẩm, thành phố đã quy hoạch, đầu tư 5 vùng chuyên canh rau khoảng 90 ha tại huyện Hòa Vang và đưa vào sản xuất khoảng 50 ha, trong có có 3 vùng rau được chứng nhận VietGAP là La Hường, Túy Loan Tây và Yến Nê với diện tích sản xuất 14 ha. Thành phố cũng đã sửa chữa, nâng cấp bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y cho 8 cơ sở giết mổ tập trung.
Cùng với đó, công tác phối hợp liên ngành về đảm bảo ATTP có chuyển biến rõ rệt, có sự phân công, phân cấp nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp.Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm được triển khai thực hiện tích cực với hơn 36.300 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở đã được triển khai, kết quả phát hiện 2.038 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 5,61%), xử phạt gần 4,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện các sai phạm chủ yếu như không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; không có GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc GCN đã hết hạn; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ; vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo điều kiện bảo quản, hết hạn sử dụng; vận chuyển, mua, bán gia súc, gia cầm sống chưa qua kiểm dịch…
Nhờ đó, tình hình ATTP trên địa bàn thành phố cơ bản được đảm bảo, trong 5 năm chỉ xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nhỏ với 163 người bị ngộ độc, không có các vụ NĐTP tập thể trên 30 người và không có trường hợp tử vong, trung bình tỷ lệ người bị NĐTP là 3,26 người/100.000 dân/năm. Về nguyên nhân có 5/13 vụ (38,5%) do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, 2/13 vụ (15,4%) do thực phẩm có sẵn độc tố tự nhiên, 6/13 vụ (46,1%) không xác định được nguyên nhân.
Tăng cường vai trò của người đứng đầu đối với vấn đề ATTP
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua tuy đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, song kết quả chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông cũng thừa nhận thực trạng công tác QLNN về ATTP trên địa bàn nhiều mặt vẫn còn “thả nổi, bỏ ngõ”, lực lượng kiểm tra xử lý còn mỏng và thiếu trang thiết bị kỹ thuật, chế tài xử lý các vụ việc vi phạm chưa đủ sức răn đe và chưa có những giải pháp thực sự căn cơ đối với các vấn đề như sử dụng sabutamol (chất tạo nạc), chất vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý thực phẩm tại các chợ, quản lý thực phẩm chức năng… dẫn đến gây hoang mang, lo lắng trong các tầng lớp nhân dân và phần nào ảnh hưởng đến môi trường du lịch của thành phố.
“Đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người và được toàn xã hội quan tâm. Đầu tư cho ATTP phải được xem là đầu tư mang tính chiến lược và là đầu tư cho sự phát triển bền vững của giống nòi, có tốn tiền cũng phải làm”, ông Trí nhấn mạnh. Đồng thời, đảm bảo ATTP phải được xem là 1 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, trong đó trách nhiệm QLNN trên lĩnh vực này sẽ đóng vai trò then chốt. Do vậy, sắp tới đây, Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ ban hành 1 Chỉ thị chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác ATTP nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ra quân đồng loạt trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn. Theo đó, Ban Thường vụ các quận uỷ, huyện uỷ chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức đảng trực thuộc bổ sung hoặc ban hành nghị quyết về nhiệm vụ quản lý ATTP giai đoạn 2016-2020 và có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể hằng năm, xem đây là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cũng như các danh hiệu thi đua khác.
Để triển khai nhiệm vụ này, trong thời gian tới, ông đề nghị các cấp, các ngành phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền mà trước hết phải là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đối với vấn đề ATTP. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP tới từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và từng người dân, đặc biệt các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ATTP. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về ATTP, kịp thời công bố rộng rãi địa chỉ những cơ sở, cá nhân vi phạm vệ sinh ATTP để người dân được biết; đồng thời, thông tin về địa chỉ những điểm bán thực phẩm sạch, an toàn để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng nhấn mạnh yêu cầu phải sớm thành lập tổ chức trực thuộc UBND thành phố đảm nhận vai trò là cơ quan QLNN điều phối chung về lĩnh vực ATTP trên địa bàn thành phố thì mới có thể giải bài toán phân cấp QLNN về ATTP quá chồng chéo như hiện tại. Đồng thời, phát huy hiệu quả của đường dây nóng trong công tác tiếp nhận, và xử lý tốt các thông tin về ATTP. Mặt trận và các hội, đoàn thể thành phố tăng cường tuyên truyền tổ chức phát động cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa ATTP, lên án và tẩy chay thực phẩm bẩn gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, cộng đồng dân cư bằng những việc làm cụ thể.
QUỲNH ĐAN