Theo đánh giá, thành phố Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong công tác cải cách hành chính nhà nước. Bài viết sau một lần nữa xin được đánh giá thêm về công tác cải cách hành chính tại thành phố Đà Nẵng trong 10 năm qua:
Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, kiên trì của của cả hệ thống chính trị thành phố và cả toàn dân; đây là một trong những nội dung được đánh giá định kỳ trong các chương trình làm việc của BCH Đảng bộ thành phố, HĐND và UBND thành phố. Điểm nhấn và sự khác biệt trong công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính là thành phố đã đề ra những giải pháp và mô hình mới để nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và là địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.
Về công tác cải cách thủ tục hành chính, trong nỗ lực nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã thường xuyên tiến hành rà soát, hệ thống hoá các quy định về thủ tục hành chính để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, thuận lợi nhất cho người dân, giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian giải quyết các dịch vụ hành chính công trên tất cả các lĩnh vực, thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã trở thành điểm sáng nhất sau 10 năm thực hiện công tác cải cách hành chính. Từ năm 2001, cơ chế một cửa đã được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp: thành phố, quận, huyện và phường, xã (100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, 100% quận, huyện, phường, xã). Thành phố đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong cung ứng dịch vụ hành chính công và bước đi đầu tiên triển khai tại chính quyền cơ sở. Đến nay 100% phường, xã được cài đặt và sử dụng Phần mềm một cửa điện tử để quản lý hồ sơ một cửa, một cửa liên thông; kết hợp với trang www.motcua.danang.gov.vn - hiển thị tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ; phục vụ tra cứu thủ tục hành chính và tình trạng giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân. Điểm sáng của mô hình một cửa điện tử này là UBND quận Thanh Khê, dự kiến trong năm 2011 sẽ nhân rộng đến 1000% quận, huyện.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2001-2010, thành phố tập trung kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND quận, huyện, phường, xã phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới. Đây cũng là giai đoạn thành phố thực hiện chủ trương triển khai thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã góp phần giảm tầng nấc trung gian, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các quy trình xử lý công việc, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời vẫn bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.
Nhằm nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ công chức, thành phố đã tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tỷ lệ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng hàng năm chiếm 30% tổng số CBCCVC hiện có. Thực hiện Đề án 393, thành phố đã cử 81 người đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài (trong đó có 19 tiến sĩ). Đối với đào tạo học sinh giỏi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Đề án 47, thành phố đã cử 288 em đi học đại học trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó chính sách thu hút nguồn nhân lực bên ngoài cũng có những kết quả đáng phấn khởi (sau 10 năm, thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 866 người thuộc diện thu hút). Đề án đào tạo nguồn chức danh bí thư, chủ tịch UBND phường, xã (Đề án 89) cũng đã có 139 người người tốt nghiệp ra trường bố trí công tác tại các phường, xã. Đồng thời, sau hơn 4 năm (2006 – 2010) triển khai thực hiện chủ trương thi tuyển chức danh lãnh đạo, đến nay đã có 19 lượt Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tổ chức thi tuyển với 207 ứng viên đăng ký dự thi và có 68 trúng tuyển. Qua thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức có tuổi đời trẻ, cán bộ trong diện quy hoạch, khơi dậy nguồn lực từ bên ngoài đăng ký dự thi và đã tuyển chọn được những người có trình độ, năng lực, có phẩm chất, đạo đức tốt, phù hợp với kết quả quy hoạch cán bộ của các ngành, các địa phương để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị.
Thành phố cũng tập trung ban hành nhiều chương trình hành động và giải pháp cụ thể để làm chuyển biến lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Để theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản đã ban hành, UBND thành phố ban hành Quy định về việc khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, công, đồng thời tiến hành thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ. Hàng năm, tiến hành kiểm tra tại 100% cơ quan, đơn vị để đôn đốc, chấn chỉnh tình hình kỷ luật kỷ cương hành chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Hiện đại hóa nền hành chính, hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước đã được quan tâm đầu tư thường xuyên. Số lượng máy tính hiện nay tại các sở, ban, ngành, quận, huyện đạt tỷ lệ 1,23 máy/CBCC. Mạng trục thành phố được thiết lập bằng mạng truyền số liệu chuyên dùng, đã triển khai đến 100% sở, ngành, quận, huyện.
Đến năm 2010, 100% các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện đã thiết lập trang thông tin điện tử; trong đó: có 22/27 website đã triển khai 77 dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức 3 và mức 4 (81,5% cơ quan hành chính) phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiệu quả ứng dụng rõ nét tại nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt rõ nét thông qua các dịch vụ do Cục Thuế và Cục Hải quan triển khai với 80% hồ sơ được giải quyết thông qua mạng mức 3 và mức 4.
Theo định hướng của Chính phủ mục tiêu cải cách hành chính đến năm 2020 là, xây dựng được một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 10 năm tới của thành phố Đà Nẵng cần tập trung vào các nội dung cụ thể như: Xây dựng hệ thống quản lý công vụ, công chức hiện đại, khoa học hơn, làm nền tảng cho việc xây dựng tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức; Cải thiện rõ rệt mức thu nhập của cán bộ, công chức; Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Cụ thể, về thủ tục hành chính: Cần tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng: đơn giản và thuận tiện về phía người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm chủ động quản lý của chính quyền. Nâng cao văn hóa phục vụ, giao tiếp của công chức trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính. Những dịch vụ hành chính mà nhà nước không cần thiết hoặc có thể có các biện pháp quản lý gián tiếp thì nên chuyển giao cho các thành phần ngoài khu vực công đảm nhận. Về bộ máy hành chính, ban hành các quy định mới về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, tăng cường công tác chỉnh trang đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển; gắn với phân cấp quản lý hành chính, trách nhiệm người đứng đầu. Về công vụ, công chức đây là nhiệm vụ then chốt trong việc thiết kế lại tiêu chuẩn chức danh theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, làm cơ sở cho tuyển dụng, bố trí, trả lương theo thực tài và kết quả công việc; đổi mới cơ chế quản lý, nội dung chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Tiền lương của CBCCVC phải được cải cách đáng kể, tạo động lực làm việc và bảo đảm cuộc sống, bên cạnh các cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân lực chất lượng cao. Kỷ luật, kỷ cương hành chính phải được nâng cao.
Những thành công của cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 sẽ là cơ sở, nền móng vững chắc cho chính quyền thành phố Đà Nẵng thực hiện tốt những bước đi tiếp theo trong giai đoạn 2011-2020, tin rằng với sự chủ động và sáng tạo của mình, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu về công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo.
NGUYỄN TUYỀN TRIỆU (Sở Nội vụ)