Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động tư pháp
Đăng ngày 19-09-2019 09:53, Lượt xem: 142

Ngày 19-9, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trên địa bàn thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố, chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW

Hoạt động tư pháp ngày càng hoàn thiện, đổi mới

Báo cáo tại hội nghị, Phó Ban Nội chính Thành ủy Trần Văn Sơn cho biết, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ chốt, các cấp uỷ đảng, chính quyền về công tác cải cách tư pháp được nâng lên; hệ thống các cơ quan tư pháp thành phố được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.

Thành phố đã có nhiều đổi mới về tổ chức phiên tòa, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, xác định là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Tòa án nhân dân thành phố là đơn vị tiên phong thực hiện bố trí, sắp xếp lại Hội trường xét xử, thể hiện tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp trong mô hình tố tụng, xét hỏi, tranh tụng. Thành phố cũng đã triển khai Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân 2 cấp thành phố; đầu tư hệ thống quan sát trực tuyến các phiên tòa; hoàn thành triển khai Đề án điều động, bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã tại 11 xã thuộc huyện Hòa Vang.

Cùng với đó, công tác quy hoạch, đào tạo đối với cán bộ các cơ quan tư pháp luôn được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đội ngũ cán bộ, công chức các ngành tư pháp luôn được quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm. Cơ chế phối hợp giữa các tổ chức đảng với các cơ quan tư pháp và ban, ngành có liên quan được thực hiện khá tốt; việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW (nay là Chỉ thị số 26-CT/TW) của Bộ chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng thực hiện nghiêm túc.

Thành phố đã triển khai có hiệu quả việc xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020; thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý về luật sư và hành nghề luật sư. Theo đó, hiện trên toàn thành phố có 3 phòng công chứng hoạt động theo cơ chế tự chủ từ quý III năm 2018; 16 văn phòng công chứng tại 7 quận, huyện; có 75 tổ chức hành nghề luật sư, 245 luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố; 2 tổ chức giám định tư pháp công lập, 4 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, 2 văn phòng thừa phát lại.

Bên cạnh đó, cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp được chỉ đạo triển khai thực hiện tốt. HĐND thành phố đã ban hành 29 nghị quyết có nội dung liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp; tổ chức trên 195 cuộc kiểm tra, giám sát tại các cơ quan tư pháp; chú trọng theo dõi, giám sát, đôn đốc tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc qua thanh tra có dấu hiệu tội phạm, các vụ việc nổi cộm trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Võ Công Trí nhận định, trong 15 năm qua, việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 49- NQ/TW trên địa bàn thành phố đã được thực hiện thực sự nghiêm túc, kịp thời. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của từng ngành tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hoạt động tranh tụng tại các phiên toà được nâng lên; hoạt động bắt, giam, giữ đã khắc phục căn bản tình trạng oan, sai; quy chế phối hợp giữa các ngành tư pháp được duy trì, chú trọng, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tư pháp vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể như, công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan trong điều tra xử lý các vụ án, vụ việc còn bị động, chưa quyết liệt; công tác giám định tư pháp, định giá tài sản còn nhiều bất cập, chậm trễ, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết án, đặc biệt là các vụ án nổi cộm thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo như giám định thiệt hại đối với dự án Khu tái định cư và tuyến kênh thoát lũ tổng thể xã Hòa Liên, giá đất tại nghĩa trang Hòa Sơn. Bên cạnh đó, trước tình hình người nước ngoài vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, ngành tư pháp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người đáp ứng các tiêu chí quy định để phiên dịch trong hoạt động tố tụng, chưa có cơ chế thu hút người tham gia phiên dịch về quyền lợi, mà hiện nay nặng về trách nhiệm.

Trong thời gian đến, Phó Bí thư Võ Công Trí đề nghị, ngành tư pháp thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW; kịp thời phổ biến, tuyên truyền, triển khai thi hành các luật mới có hiệu lực, nhất là trên các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm như: Luật An ninh mạng; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Thi hành án hình sự; Luật Đầu tư công... Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn chỉnh Đề án trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã được Chính phủ thống nhất đưa vào chương trình ban hành luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo Phó Bí thư Võ Công Trí, ngành tư pháp cần cần chú trọng đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, định hướng đối với những vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề nảy sinh ảnh hưởng tiêu cực, có diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội, nhất là trên các lĩnh vực tội phạm và tệ nạn ma túy; giết người; tín dụng đen, băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen; xâm hại phụ nữ, trẻ em; bạo lực học đường; vi phạm trật tự, an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy; an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Đặc biệt, Phó Bí thư Võ Công Trí cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục nâng cao trình độ lý luận chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ, công chức, nhất là trong ngành tư pháp; tránh sa ngã, vụ lợi trong xử lý vụ án, vụ việc. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, cố tình né tránh, chậm trễ, kéo dài, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật. “Đối với những vi phạm này, nhẹ thì kiểm điểm, phê bình nghiêm túc, nặng thì kỷ luật, cách chức, có dấu hiệu tội phạm thì xử lý hình sự nghiêm khắc”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác