Liên khu 5, tuy là chiến trường phụ, nhưng là một hướng chiến lược rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến chiến trường chính. Địch đã tập trung nơi đây một lực lượng lớn chưa từng thấy, nhằm nhanh chóng giành thắng lợi để chuyển sang hoạt động ở Quân khu 9. Liên khu 5 có vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú rất rộng lớn, được đánh giá là kho nhân vật lực ở Nam Trung Bộ. Vì vậy, đánh chiếm vùng tự do ở Liên khu 5 (cùng với vùng Hậu Giang ở Nam Bộ) là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện kế hoạch Navarre của địch hòng chuyển bại thành thắng, tìm lối thoát “danh dự
Sau chiến dịch An Khê (01.1953), tình hình chiến trường Liên khu 5 đã có những thay đổi to lớn. Lực lượng vũ trang Liên khu 5 có bước trưởng thành mạnh mẽ về chất và lượng, ta giải phóng hơn 10.000 dân. Quân Pháp bị ta tiêu diệt một phần lực lượng. Cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Liên khu phát triển theo hướng có lợi cho ta, không có lợi cho địch. ”.
Để bình định được vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú, địch tiến hành cuộc hành quân Atlante do De Beaufort - tư lệnh Quân khu Tây Nguyên - chỉ huy, gồm 3 bước: Bước 1: Đánh chiếm Tuy Hoà và toàn tỉnh Phú Yên theo 3 hướng: từ biển vào, Khánh Hoà ra và Đắk Lắk xuống. Bước 2: Sau khi đánh chiếm xong Phú Yên, sẽ tăng lực lượng đánh chiếm Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định theo 3 hướng: Phú Yên ra, An Khê xuống và từ biển vào. Bước 3: Đây là bước quyết định; tập trung toàn bộ lực lượng đánh chiếm tỉnh Quảng Ngãi theo 4 hướng: Quảng Nam vào, Bình Định ra, Kon Tum xuống và từ biển lên, lấy thị xã Quảng Ngãi làm hợp điểm; hoàn thành kế hoạch đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5.
Để tiến hành cuộc hành quân Atlante, tháng 12.1953, Pháp lần lượt đưa 6 Binh đoàn cơ động số 10 từ chính quốc, Nam Triều Tiên, Bình Trị Thiên và Nam Bộ hợp cùng các binh đoàn, tiểu đoàn độc lập tại chỗ hình thành nên một lực lượng tập trung gồm 40 tiểu đoàn trên chiến trường Liên khu 5.
Đối với ta, từ tháng 9.1953, Liên khu ủy có chủ trương hoạt động trong Đông Xuân 1953 - 1954: “Nhiệm vụ củng cố, xây dựng căn cứ địa bảo vệ vùng tự do là quan trọng và chính hơn hết.” Đến cuối năm 1953, trước những diễn biến mới của tình hình chiến trường, Tổng Quân ủy xác định phương hướng chiến lược của Liên khu 5 và đã được Bộ Chính trị thông qua: “Tích cực và mạnh bạo phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là ở phía Bắc.”
Đầu tháng 12.1953, Hội nghị Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu quyết định: Tập trung toàn bộ chủ lực cho nhiệm vụ tiến công lên Tây Nguyên - đây là một quyết định sáng suốt để bẻ gãy cuộc càn Atlante ; giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương; các chiến trường sau lưng địch tích cực đẩy mạnh du kích chiến tranh, đánh phá giao thông, bao vây các đồn bót, gây rối loạn ngay trong lòng địch. Giữa tháng 12.1953, kế hoạch tiến công lên Tây Nguyên được chính thức thông qua. Bộ Tư lệnh Liên khu sử dụng hai trung đoàn chủ lực cơ động: Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803, Trung đoàn chủ lực 120 phụ trách địa phương, một số tiểu đoàn, đại đội độc lập của Liên khu phối hợp với các lực lượng địa phương thực hành tiến công địch trên hai hướng: hướng chính là Bắc Kon Tum, hướng phụ là đường 19 - An Khê.
Ngày 20.01.1954, địch bắt đầu tiến quân vào Phú Yên, các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân đã anh dũng chiến đấu chống trả các cuộc tiến công ồ ạt của thực dân Pháp. Nhận định tình hình: phần lớn lực lượng cơ động của địch đã tập trung ở Phú Yên, nếu quả đấm chủ lực của ta ở hướng tây không đủ mạnh, không có sức uy hiếp lớn thì không thể phá vỡ thế trận của địch. Mở cuộc tiến công lớn lên Tây Nguyên là đánh vào nơi sơ hở, chỗ yếu và hiểm yếu của địch, giành được quyền chủ động trên Tây Nguyên tức là giành được thế đứng trên cao, tạo điều kiện cho thế và lực của ta phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Từ đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm tiêu diệt 3 cứ điểm Mang Đen, Mang Bút và Công Rẫy, đập tan cụm phòng ngự Đông Bắc Kon Tum của địch trong một đêm.
Theo đúng kế hoạch, từ tháng 1 năm 1954 các chiến trường sau lưng địch ở liên khu 5 lần lượt nổ súng. Ở Quảng Nam từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 01 ta diệt lô cốt Gò Đình, cứ điểm Châu Lâu và Non Trược, tập kích vào sào huyện nguỵ quyền ở Hội An. Đêm 11 tháng 01, đặc công Khánh Hoà đốt cháy kho xăng địch hơn 4 triệu lít tại Phước Hải, Nha Trang. Ngày 15 tháng 01 ta tiến công vào căn cứ tiền phương của địch ở thị trấn Ninh Hoà, tiêu diệt 100 tên địch, phá huỷ 10 kho vũ khí và phương tiện chiến tranh. Đêm 26.01.1954, các đơn vị trên hướng phụ đường 19 - An Khê bắt đầu nổ súng tiêu diệt địch. Chiến dịch Bắc Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Đêm 27.01, chủ lực ta trên hướng chính Bắc Kon Tum nổ súng. Ngày 28.01, quân ta làm chủ hoàn toàn ba cứ điểm Mang Đen, Mang Bút và Công Rẫy. Tranh thủ thời cơ, Trung đoàn 108 tiến công giải phóng Bắc Kon Tum; Trung đoàn 803 áp sát uy hiếp thị xã Kon Tum, cắt đường 14 đoạn Pleiku - Kon Tum, đồng thời phát triển lên phía tây đèo Mang Giang. Nhiều đồn bốt của địch nhanh chóng bị tan rã. Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp lệnh cho De Beaufort rút bỏ thị xã Kon Tum, tạm dừng cuộc hành quân Atlante ở Phú Yên để đưa phần lớn lực lượng lên ứng cứu Tây Nguyên: Binh đoàn cơ động số 100 giữ Pleiku, Binh đoàn cơ động số 11 và 21 giữ đường 19 - An Khê, Binh đoàn cơ động số 41 và 42 giữ Nam Tây Nguyên đồng thời làm lực lượng dự bị cho các hướng. Ngày 07.02.1954, tỉnh Kon Tum được giải phóng.
Không giữ được Kon Tum và phải tạm dừng cuộc hành quân Atlante ở Phú Yên, quân Pháp bố trí lực lượng trên địa bàn Liên khu 5 thành 2 khối: khối Tây Nguyên và khối đồng bằng. Đầu tháng 02.1954, Thường vụ Liên khu ủy và Đảng ủy chiến dịch quyết định: tổ chức một đợt tiến công ngắn nhưng thật mạnh vào cụm phòng thủ thị xã Pleiku và đường 19; tranh thủ lúc địch đang co cụm, nhanh chóng ổn định vùng mới giải phóng, phát triển lực lượng, rút kinh nghiệm từ Phú Yên để chỉ đạo việc chuẩn bị chiến đấu ở các tỉnh tự do khác (trước tiên là Bình Định). Đêm 16 - rạng 17.02, đợt tiến công mới của quân ta trên chiến trường Tây Nguyên lại bắt đầu. Ta tiêu diệt cứ điểm Đắk Đoa, thọc sâu vào trung tâm thị xã Pleiku, chặn đánh các đoàn xe tiếp tế của địch trên đường 19.
Trong tháng 02.1954, vừa đánh, ta vừa xây dựng lực lượng . Quân ta càng đánh càng mạnh, riêng lực lượng chủ lực cơ động tăng 25%.
Lúc này, địch cho rằng quân ta đã hết khả năng đánh lớn. Cuối tháng 02.1954, Navarre đưa Binh đoàn cơ động dù - đơn vị dự bị chiến lược - ở Hà Nội vào chiến trường Nam Trung Bộ tham gia thực hành bước 2 cuộc hành quân Atlante. Ngày 10.3.1954, quân địch ở Bắc Phú Yên theo đường bộ bắt đầu tiến ra Bình Định. Ngày 12.3.1954, địch đổ bộ bằng đường biển vào Quy Nhơn. Về ta, Trung đoàn 803 (thiếu 1 tiểu đoàn) tiến vào khu tam giác Pleiku - Cheo Reo - An Khê, đánh mạnh sau lưng cánh quân địch trên đường 19 đang tiến xuống Bình Định; Tiểu đoàn 375 và Tiểu đoàn 365/Trung đoàn 803 tiến vào Phú Yên cùng quân dân địa phương tiêu diệt đồn bót địch vừa mới thiết lập, uy hiếp mạnh sau lưng cánh quân địch theo đường bộ ra Bình Định; Trung đoàn 96 và Trung đoàn 108 tập trung đánh gãy cánh quân địch trên đường 19, kiềm chế quân địch ở Quy Nhơn, không cho 2 cánh quân địch hợp nhau.
Một ngày sau khi quân Pháp đổ bộ vào Quy Nhơn, chủ lực ta trên chiến trường chính Bắc Bộ tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (13.3). Ngày 16.3.1954, Binh đoàn cơ động dù đang ở An Khê lại cơ động ra Hà Nội. Trên chiến trường Tây Nguyên, Binh đoàn cơ động số 100 bị Trung đoàn 803 đánh thiệt hại nặng ở Plei Ring (21.3), quân địch phải rút về Pleiku để củng cố. Cánh quân địch trên đường 19 sau khi đánh chiếm được đầu cầu Thượng An buộc phải dừng lại. Chớp thời cơ, Trung đoàn 108 và Trung đoàn 96 tiến công tiêu diệt Thượng An (30.3) và đánh mạnh trên đường 19. Trong tháng 4.1954, Trung đoàn 803 cùng các lực lượng địa phương tiến công phá vỡ từng mảng phòng ngự của địch ở Nam Tây Nguyên. Bộ Chỉ huy chiến dịch Atlante buộc phải rút Binh đoàn cơ động số 42 đang ở Bình Định quay về phòng thủ đường 7. Binh đoàn cơ động số 41 ở Diêu Trì (Bình Định) cũng phải rút về phòng thủ Tuy Hoà. Đến cuối tháng 4.1954, Navarre rút Binh đoàn cơ động số 11 và 21 cùng một số tiểu đoàn ngụy đi ứng cứu các chiến trường khác. Quân địch ở Nam Trung Bộ thực hiện co cụm vào các thị xã, thị trấn để phòng thủ. Tình hình địch ngày càng rệu rã. Quyền chủ động tiến công trên toàn chiến trường thuộc về ta. Cuộc hành quân Atlante - phần quan trọng trong kế hoạch Navarre - bị phá sản. Ngày 02.4.1954, Báo Thế Giới của Pháp thú nhận “Atlante đã phá sản hoàn toàn”.
Ngày 7.5.1954, chủ lực ta trên chiến trường chính đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã tác động đến cao trào tiến công của quân ta trên cả nước, đồng thời làm cho kẻ địch hết sức hoang mang lo sợ. Trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, dân quân du kích trở thành lực lượng thường xuyên bao vây, uy hiếp địch. Các trận đánh của bộ đội địa phương và dân quân du kích trong vùng địch tạm chiếm đều có sự tham gia tích cực của nhân dân với nhiều hình thức đánh địch thích hợp. Ngày 16.7.1954, chiến đoàn cơ động hỗn hợp của địch gồm 100 quân chia làm hai mũi tiến vào vùng căn cứ du kích Tây Điện Bàn, hòng đánh chiếm lại điểm cao Bồ Bồ. Tỉnh uỷ chỉ đạo tỉnh đội “Tập trung lực lượng tổ chức trận tập kích vào căn cứ đơn vị hành quân của địch ở Bồ Bồ trong lúc chúng đứng chân chưa vững”. Tiểu đoàn 20 với sự tăng cường của một số đại đội, trung đội khác và lực lượng du kích các xã huyện Điện Bàn đã mở trận tập kích thắng lợi ở khu vực điểm cao Bồ Bồ (nay là xã Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam). Chiến thắng Bồ Bồ thể hiện tinh thần liên tục tiến công tiêu diệt địch, ý thức phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính và chiến trường Liên khu 5. Đây là trận thắng lớn của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng trong giai đoạn kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Âm mưu của địch là tập trung quân tạo “quả đấm thép” quyết chiến với chủ lực Liên khu 5 ở đồng bằng, đánh chiếm vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú. Với phương châm tác chiến sát đúng, cách đánh linh hoạt, chủ động, phối hợp với diễn biến tình hình, các đơn vị bộ đội chủ lực Liên khu lại đánh mạnh lên Bắc Tây Nguyên, đập tan cụm phòng ngự của địch ở Đông Bắc Kon Tum, giải phóng thị xã Kon Tum. Thế trận của quân Pháp bị phá vỡ, chúng buộc phải đánh theo cách của ta. Quân và dân Liên khu 5 chủ động tiến công địch liên tục, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch, giải phóng nhân dân, giải phóng đất đai, góp phần cùng cả nước kìm giữ địch, làm phân tán lực lượng chủ lực cơ động của địch, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ thuận lợi, phối hợp một cách có hiệu quả nhất với chiến trường Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Liên khu 5 là một trong những chiến trường giành được thắng lợi rực rỡ nhất trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 phối hợp rất đắc lực với chiến trường Điện Biên Phủ.”
NGUYỄN THỊ THU HIỀN
Chuyên viên nghiên cứu lịch sử, Bộ Tư lệnh Quân khu 5