Thông tin báo chí ngày 20 - 9
Đăng ngày 20-09-2021 08:34, Lượt xem: 38

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải

1/ Công tác phòng, chống dịch và các tin tức liên quan:

- Đà Nẵng lên 3 phương án phòng chống dịch trong tình hình mới:

+Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, với kết quả khả quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nới lỏng thêm các hoạt động để đảm bảo an sinh cho người dân. Hiên, TP đang xem xét chọn 1 trong 3 phương án phù hợp với tình hình mới. Theo đó, có 3 phương án được đưa ra. Phương án thứ nhất là trên cơ sở Quyết định 2985/QĐ-UBND thành phố sẽ mở rộng thêm một số hoạt động.Phương án thứ 2 là mở cửa các hoạt động, dịch vụ, chỉ trừ những hoạt động có nguy cơ cao như dịch vụ karaoke, massage.Phương án thứ 3 là sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng theo mức độ đã tiêm vaccine để cho những người đủ điều kiện tham gia các hoạt động…

- Chung sức, đồng lòng vượt qua dịch bệnh:

+Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố (Nội dung cuộc trao đổi đăng trên Báo Đà Nẵng điện tử ngày 20-9)

 -Trên Báo Điện tử vnExpress đăng bài: Hơn 2 tháng dập dịch ở Đà Nẵng

 +Số ca nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng đã giảm đáng kể trong một tuần trở lại đây, riêng ngày 18/9 không ghi nhận ca bệnh mới.Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói thành phố cần thêm thời gian theo dõi đà giảm ca dương tính mới, nhất là ca lây nhiễm trong cộng đồng để đánh giá chính xác. Tuy nhiên, "với những diễn biến hiện nay, thành phố đang trong chiều hướng kiểm soát được dịch Covid-19".Đà Nẵng khởi phát đợt dịch hiện nay từ ngày 10/7 và đến nay ghi nhận 4.604 ca mắc Covid-19. Đây là số bệnh nhân nhiều nhất trong một đợt dịch từ trước đến nay ở Đà Nẵng, nhiều gấp gần 12 lần đợt dịch hồi tháng 7/2020, khi thành phố trọng điểm miền Trung là tâm dịch của cả nước…Từ 18h ngày 31/7, thành phố cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16" và chỉ hai tuần sau đã phải nâng cấp độ lên mức "chưa có tiền lệ" là tạm dừng mọi hoạt động. Đến 8h ngày 16/8, người dân được yêu cầu "ở yên trong nhà". Việc mua lương thực, thực phẩm đều phải thông qua Ban điều hành tại các khu dân cư."Đó là một quyết định được thảo luận và bàn bạc rất kỹ từ Thường trực Thành uỷ đến các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Lãnh đạo thành phố đã dự đoán trước nhiều tình huống có thể phát sinh nhưng vẫn không tránh khỏi những lúng túng ban đầu", bà Ngô Thị Kim Yến nói. Khó khăn đầu tiên thành phố phải đối mặt là cung ứng thực phẩm.Từ góc độ một người dân quan sát công tác chống dịch trên địa bàn, ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận xét quyết định tạm dừng mọi hoạt động để chống dịch của lãnh đạo thành phố thời gian qua là cần thiết, kịp thời vì những biện pháp giãn cách trước đó không có hiệu quả.Theo ông Thơ, với đà kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay, thành phố cần khoảng 5 ngày đến một tuần nữa, nếu chấm dứt được các ca nhiễm trong cộng đồng thì có thể nới lỏng tiếp. Tuy nhiên, nên giới hạn trong phạm vi thành phố là chính, còn hoạt động giao lưu với bên ngoài về kinh tế, du lịch phải hạn chế vì tình hình dịch ở phía Nam còn phức tạp.Ông Thơ cũng cho rằng, người dân và doanh nghiệp nên sẵn sàng cho kịch bản sống chung với dịch vì "tình hình kinh tế đã chạm đáy". Việc cần làm bây giờ, theo ông Thơ là đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng.

 - Một nữ công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh - Đà Nẵng nhiễm SARS-CoV-2:

+Tối 19-9, bác sĩ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Người này là nữ công nhân làm việc tại Công ty Matrix - trụ sở tại KCN Hòa Khánh - trú tại tổ 64, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Bác sĩ Điềm cho biết chiều cùng ngày, nữ công nhân này đến Trung tâm Y tế phường Hòa Khánh Nam để khám do có triệu chứng ho, sốt. Tại đây, nhân viên y tế đã test nhanh Covid-19 và cho kết quả dương tính. Sau đó, nhân viên y tế đã lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người này và đến tối cùng ngày thì có kết quả dương tính.Theo bác sĩ Điềm, công ty Matrix có khoảng 3.000 công nhân. Trong ngày 19-9 là chủ nhật nên phần lớn công nhân nghỉ việc. Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đã lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 60 công nhân có mặt tại công ty.

- Thêm 46 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện:

+Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố cho biết, ngày 19-9, Bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía tây thành phố, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi công bố khỏi bệnh và cho xuất viện 46 bệnh nhân mắc Covid-19.Sau khi trao giấy xuất viện, các bệnh viện bố trí phương tiện đưa bệnh nhân về nhà, yêu cầu áp dụng nghiêm các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

- Đà Nẵng: Quận xanh Sơn Trà phản hồi những băn khoăn về nới lỏng của người dân (Báo Thanh Niên)

+Trước những băn khoăn của người dân ở quận xanh Sơn Trà (Đà Nẵng) về việc chấp hành cũng như thụ hưởng các quy định nới lỏng, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, đã có một số thông tin phản hồi. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, 2 ngày được nới lỏng các hoạt động theo quy mô toàn quận, đa số người dân quận xanh Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) đã có tâm lý thoải mái hơn khi được ra đường để tập thể dục, hít thở khí trời… sau nhiều ngày ở trong nhà trước đó. Người dân có thể ra các tuyến đường dọc bờ biển để tập thể dục (không tắm biển). Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế cũng như các phản ánh trên mạng xã hội, người dân quận xanh Sơn Trà có nhiều băn khoăn bởi có sự vướng mắc giữa các quy định cũng như áp dụng các quy định trên thực tế. Chẳng hạn theo Quyết định 2985 của UBND TP.Đà Nẵng (quy định về việc đánh giá vùng xanh thiết lập theo quy mô cấp phường và liên vùng xanh cấp phường, quận liền kề nhau, có hiệu lực từ ngày 16.9), các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại được bán mang về. Thế nhưng, Đà Nẵng cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ người dân từ khu dân cư thông qua giấy đi đường. Nhiều người đặt câu hỏi, khi mua đồ ăn mang về lại phải đi xin giấy đi đường (?). Trong khi đó, nhiều chủ quán cho rằng, nếu đòi hỏi giấy đi đường khi người dân đi mua đồ ăn thì họ không thể bán hàng được…

- Tước bằng lái tài xế cố tình vượt chốt kiểm soát cửa ngõ Đà Nẵng:

+ Sáng 20.9, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Đà Nẵng ra quyết định tước bằng lái xe của một tài xế từng bỏ chạy khỏi chốt kiểm soát sau khi bị phát hiện ý đồ vượt chốt kiểm soát.Trước đó, chiều ngày 18.9, lực lượng chức năng của Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Nhơn (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Đà Nẵng) làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát Covid-19 trên đường Trường Sơn (chốt C4), phát hiện một ô tô bán tải BS 37C - 356.31 lưu thông hướng từ Túy Loan về Hòa Cầm, mặc dù giấy đi đường chỉ được lưu thông trên đường tránh Nam Hải Vân nhưng tài xế xe bán tải vẫn cố tình vượt chốt kiểm soát cửa ngõ Đà Nẵng để vào trung tâm thành phố…

 2/ Các tin khác:

 - Lãnh đạo thành phố thăm, tặng quà Trung thu bệnh nhân nhi:

 +Nhân dịp Tết Trung thu, chiều 19-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đến thăm, động viên, tặng quà cho các bệnh nhi đang điều trị và chăm sóc tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chúc các bệnh nhi luôn mạnh mẽ để chiến thắng bệnh tật, sớm hồi phục sức khỏe, trở về đoàn tụ cùng gia đình. Đồng thời đề nghị đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiếp tục quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện tốt nhất về mặt tinh thần cho các bệnh nhân nói chung và bệnh nhi nói riêng không may mắc bệnh hiểm nghèo… 

 - Chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong Covid-19 (Báo Đà Nẵng)

+“Chúng tôi liên lạc với các em đang mắc kẹt tại nhà người thân ở quê để tập trung chuẩn bị cho năm học mới nhưng không biết bao giờ mới hết dịch để đón các em quay trở lại. Nhiều gia đình người thân của các em cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh”, cô Phan Thị Dự, Gia đình số 3, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng lo lắng kể về hoàn cảnh các em nơi đây. Kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngôi nhà gia đình số 3 của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng (đường 16 An Trung Đông 6, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) trở nên yên ắng hơn ngày thường. Nhiều em nghỉ hè về chơi với người thân nhưng do dịch bệnh đã không trở lại Trung tâm được, một số em ở lại học nghề cũng bị mắc kẹt tại đây, không có điều kiện để về thăm gia đình người thân. Cô Phan Thị Dự, một trong 3 mẹ nuôi dạy trẻ ở gia đình số 3 cho biết, một số cháu xin về thăm gia đình cô, dì, chú, bác trong đợt nghỉ hè vừa rồi, đến nay vẫn chưa ra được vì tránh dịch. Do thực hiện giãn cách xã hội, các tổ chức, câu lạc bộ từ thiện cũng không đến giúp đỡ như trước. “Hiện gia đình số 3 chỉ còn 6 em ra học nghề trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Trong thời gian qua, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm do không đi chợ được. Lâu lâu, bên phường hỗ trợ một ít rau, củ, quả nhưng không có gạo và mì ăn liền. Dù vậy, chúng tôi cũng cố gắng cho các cháu ăn uống bảo đảm chế độ 20.000 đồng/ngày/em theo đúng quy định”, cô Phan Thị Dự giải thích…

- Vì sao nhiều khu dân cư nội thành Đà Nẵng cứ mưa là ngập? (Báo Công an Đà Nẵng)

+Năm 2017, chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng đưa ra tiến độ đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành 26 công trình xử lý ngập úng (trong đó có 12 công trình thuộc dự án Phát triển bền vững) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.078 tỷ đồng, cơ bản xử lý hết các điểm ngập úng khu vực nội thành. Tuy nhiên sau hơn 3 năm, nhiều khu dân cư vẫn ám ảnh điệp khúc đến mưa là ngập, thậm chí có nhiều điểm ngập sâu kéo dài... Chỉ mới đợt mưa đầu mùa kéo dài trong 2 ngày 11, 12-9 vừa qua, nhiều tuyến phố lớn, khu dân cư nội thành Đà Nẵng đã trở tay không kịp khi nước dâng nhanh và rút chậm. Người dân ở vùng được xem là "rốn ngập" mỗi khi có mưa lớn ở quận Hải Châu như đường Đống Đa, Lý Tự Trọng, Hải Hồ… dù đã quen với cảnh này nhưng cũng không lý giải được vì sao mới trận mưa đầu mùa đã "thất thủ" nhanh đến vậy.Tương tự, tại Q. Thanh Khê, tình trạng ngập sâu cục bộ cũng đã xuất hiện ở các khu vực như xung quanh bờ hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, các tuyến đường, khu vực bị trũng thấp như Trần Xuân Lê, Huỳnh Ngọc Huệ, Hoàng Hoa Thám, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hải Phòng… Ngập nặng nhất là tại các tổ 1, 2, 3, 4, 5 và tổ 16, 17, 20, 26, 27 thuộc P. Thanh Khê Tây với độ sâu từ 0,5-1,3m, nhất là khu vực hai bên tuyến mương Khe Cạn…Ông Hà Văn Thành - Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, đợt mưa sau bão số 5 xuất hiện 27 điểm ngập úng khu vực nội thành. Hầu hết những điểm này đều liên quan đến các dự án đang và chưa triển khai nên việc đồng bộ, khớp nối hệ thống thoát nước khó khăn...

 

ANH TRỊNH

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT