Thông tin báo chí ngày 01-12
Đăng ngày 01-12-2021 15:26, Lượt xem: 45

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải

1/Thông tin về công tác phòng, chống dịch:

- Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận số ca F0 cao:

+Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng, ngày 30/11, TP ghi nhận 75 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó gồm: 7 ca cách ly tập trung, 30 ca cách ly tại nhà, 15 ca trong khu phong tỏa và 23 ca chưa cách ly (cộng đồng). Đáng quan ngại khi 53/75 ca mắc Covid-19 trong ngày tại Đà Nẵng có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như: Quận Sơn Trà (16 ca), quận Thanh Khê (13 ca), quận Liên Chiểu (12 ca), quận Hải Châu (5 ca), quận Cẩm Lệ (3 ca), quận Ngũ Hành Sơn (2 ca) và huyện Hòa Vang (1 ca). Các ca mắc trong ngày liên quan đến 24 chuỗi lây nhiễm…

- Sẵn sàng điều trị F0 tại nhà:

+Từ tháng 12, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm cách ly, điều trị người mắc Covid-19 (F0) tại nhà. Đây là hoạt động chuyên môn phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế đã sẵn sàng phối hợp UBND các quận, huyện chủ động triển khai thí điểm điều trị F0 theo kế hoạch. Hiện nay các địa phương chủ động, sẵn sàng kích hoạt các trạm y tế lưu động phục vụ điều trị thí điểm F0 tại nhà. 

* Các báo phản ánh về chương trình“Diễn đàn Xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng” do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trực tuyến vào sáng 30-11, thông tin báo chí đăng tải:

-Tăng tốc thu hút đầu tư ICT từ Hàn Quốc vào Đà Nẵng

+Đà Nẵng mong muốn đẩy mạnh kết nối, đầu tư nhiều hơn từ doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin, điện tử viễn thông). Chính quyền Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu, triển khai dự án. UBND TP. Đà Nẵng cho biết, mặc dù dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội hai năm qua nhưng ngành ICT Đà Nẵng vẫn phát triển, tổng doanh thu vượt ngưỡng 1,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 90 triệu USD…

- Đẩy mạnh xúc tiền đầu tư trong lĩnh vực ICT với đối tác Hàn Quốc (Báo Đà Nẵng)

- Đà Nẵng kêu gọi doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực ICT (TTXVN)

- Đà Nẵng ưu tiên thu hút các dự án FDI về công nghệ thông tin, công nghệ cao (Báo Đầu tư)

- Đà Nẵng 'chào hàng' các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc (Báo Pháp luật TP.HCM)

- Xúc tiến đầu tư ICT: Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc (Báo Tiền phong)

2/Các tin khác:

-11 tháng, các cơ sở lưu trú phục vụ khoảng 1,12 triệu lượt khách

+Ngày 30-11, theo báo cáo của Cục thống kê thành phố, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tháng 11-2021 ước đạt 31.960 lượt, tăng 7,5% so với tháng trước và bằng 15,4% so với tháng cùng kỳ năm 2020.Tính chung 11 tháng, số lượt khách mà cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,12 triệu lượt khách, bằng 46,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 96.300 lượt, bằng 14,1% cùng kỳ; khách trong nước ước đạt gần 1,03 triệu lượt, bằng 59,2% so với cùng kỳ. Lượng khách lưu trú đến Đà Nẵng chủ yếu là khách đến làm việc, khách thuộc đối tượng cách ly y tế.

- Đà Nẵng: Cận cảnh các dự án trọng điểm chậm tiến độ khiến người dân phàn nàn:

+Ngày 30.11, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Đà Nẵng các công trình giao thông TP.Đà Nẵng vừa có báo cáo tình hình triển khai các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025.Cụ thể, các dự án chậm tiến độ gồm: dự án đường Trục 1 Tây bắc (Q.Liên Chiểu); tuyến đường Vành đai phía tây đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh (H.Hòa Vang); dự án nâng cấp cải tạo đường ĐT601 (H.Hòa Vang); cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý (Q.Hải Châu); công trình đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan (Q.Cẩm Lệ và H.Hòa Vang).Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Đà Nẵng, 5 dự án thi công chậm so với tiến độ đề ra chủ yếu vì lý do vướng mặt bằng…

- Đà Nẵng chi 36,5 tỷ đồng chỉnh trang khu phố du lịch:

+Ngày 30/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu phố du lịch An Thượng, với các tuyến đường Trần Bạch Đằng, An Thượng 2, Hoàng Kế Viêm, Ngô Thi Sĩ và Võ Nguyên Giáp.Thành phố sẽ trích 36,5 tỷ đồng để đầu tư hạ ngầm hệ thống điện sinh hoạt và chiếu sáng, viễn thông; cải tạo và thay mới hệ thống thu gom nước mặt ngăn mùi; thay thế trụ đèn chiếu sáng kết hợp sạc pin điện thoại bằng trụ đèn có hình thức thẩm mỹ. Việc đầu tư nhằm sớm hình thành khu phố du lịch An Thượng, tạo điểm đến vui chơi giải trí, mua sắm ngày và đêm cho du khách, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ngũ Hành Sơn làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án, thời gian thực hiện đến năm 2022.

- Tăng tần suất bay Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM lên 16 chuyến/ngày:

+Ngày 30/11, Bộ GTVT ra quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ.Theo đó, trên đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM và Đà Nẵng - TP.HCM, từ ngày 1/12 đến hết ngày 14/12/2021 sẽ được khai thác với tần suất không vượt quá 16 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.Tùy tình hình thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh tần suất trên các đường bay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán năm 2022, gửi Bộ GTVT trước ngày 25/12/2021.

- CPI tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước:

+Ngày 30-11, Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố tháng 11-2021 tăng 0,24% so với tháng trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng bình quân 3,63% của 11 tháng năm 2020.So với tháng 10, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm hàng có CPI tăng, cụ thể: giao thông tăng 4,31%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,88%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,65%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,33%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%; giáo dục tăng 0,1%.

- Đà Nẵng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm:

+Nhằm thử nghiệm nội bộ phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm trước khi triển khai thực tế ra cộng đồng, vừa qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP), Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, Liên danh nhà thầu trúng thầu gói thầu xây dựng phần mềm đã tổ chức buổi làm việc bàn về công tác phối hợp triển khai phần mềm. Qua buổi làm việc, các đơn vị thống nhất và sẵn sàng phối hợp cùng Ban Quản lý ATTP triển khai thực hiện thử nghiệm phần mềm

- Bùng phát chợ tự phát (Báo Công an Đà Nẵng)

+Tại các chợ Cẩm Lệ, Hòa Khánh, Bắc Mỹ An…lượng khách đến các chợ nhìn chung vẫn chưa cao, nhiều sạp hàng rơi vào cảnh ế hàng, vắng người mua ngại vào chỗ đông người , dễ lây lan dịch bệnh…Trái với  cảnh vắng lặng, im ắng trong lồng chợ, nhiều khu vực kinh doanh, chợ tạm, hàng rong tự phát, nhất là ở khu vực xung quanh các chợ nói trên lại tấp nập người bán, người mua. Lý do mà nhiều khách hàng chuộng mua ở khu vực bên ngoài vì chỉ cần tấp xe là mua được, nhanh lẹ mà giá cả thì trong hay ngoài cũng ngang nhau. Điều này khiến nhiều tiểu thương trong lồng chợ bày tỏ bức xúc vì họ tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch trong khi các điểm bán hàng rong bên ngoài thì tuân thủ chưa nghiêm…

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT