Thông tin báo chí tuần thứ 31
Đăng ngày 08-08-2022 16:20, Lượt xem: 46

 Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, công tác chăm sóc y tế, các tin về giáo dục đào tạo; quản lý đô thị, an ninh; an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, môi trường …là những tin chính báo chí phản ánh trong tuần thứ 31

1/ Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, quản lý đô thị, báo chí đăng tải:

-Thủ tướng Chính phủ kết luận một số nội dung quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng:

+Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 220/TB-VPCP ngày 1-8-2022 về kết luận cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.Theo kết luận, ngoài các chỉ đạo trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngày 1-12-2021, Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng cần cụ thể hóa và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

- 7 tháng, cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,88 triệu lượt khách:

+Thông tin từ Cục Thống kê thành phố, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trong tháng 7 năm 2022 ước đạt 2.407 tỷ đồng, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 385,7% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu hoạt động lưu trú ước đạt 970 tỷ đồng, tăng 15,6% so với tháng trước, gấp gần 19,9 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.437 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 221,5% so với cùng kỳ.Tính chung 7 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 10.998 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 3.686 tỷ đồng, tăng 106,0%; doanh thu ăn uống đạt 7.312 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 7, số lượt khách mà cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 514.800 lượt, tăng 13,1% so với tháng trước và gấp 15,3 lần cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 57.500 lượt, tăng 42,3% so với tháng trước, tăng 12,2 lần so với cùng kỳ…

 - Đà Nẵng: Khai mạc Hội chợ quốc tế Hành lang kinh tế Đông Tây:

 +Thực hiện chủ trương của Chính phủ tập trung triển khai các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tối 3/8, tại Đà Nẵng, Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây năm 2022 chính thức được khai mạc.  Hội chợ với quy mô 419 gian hàng của 235 doanh nghiệp đến từ các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây và các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có 08 tổ chức quốc tế tham gia 26 gian hàng…

 - Xử lý hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể:

 +UBND thành phố vừa ban hành công văn về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến việc xử lý hợp tác xã (HTX) không hoạt động, khó khăn trong giải thể. Theo đó, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai hướng dẫn các HTX trên địa bàn thực hiện giải thể đối với các HTX không hoạt động; nhanh chóng hỗ trợ các HTX thuộc diện vướng mắc xử lý, giải thể dứt điểm trong quý 3-2022. Công an thành phố có văn bản trả lời UBND các quận, huyện về việc hỗ trợ xác nhận HTX chưa đăng ký mẫu dấu để làm thủ tục giải thể HTX…

 - Đà Nẵng:Nhiều doanh nghiệp được giảm tiền sử dụng hạ tầng:

 +Tính từ đầu năm đến nay, UBND thành phố Đà Nẵng  đã phê duyệt cấp kinh phí giảm tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 đối với 261 doanh nghiệp có thuê đất, thuê lại đất trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&KCN) với tổng số tiền hơn 19,9 tỷ đồng theo nghị quyết của HĐND thành phố. Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố quy định hỗ trợ 50% tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong KCNC&CKCN trên địa bàn thành phố chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Kinh phí hỗ trợ được bố trí trong dự toán chi ngân sách thành phố. Riêng đối với doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng và KCN Liên Chiểu được Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng hỗ trợ 25% tiền sử dụng hạ tầng từ nguồn vốn của doanh nghiệp; 25% còn lại do ngân sách thành phố hỗ trợ. Đây là một trong những chủ trương lớn của Đà Nẵng trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Khó chồng khó tại dự án trọng điểm Đà Nẵng

+Sau nhiều năm “sa lầy” tiến độ vì giải phóng mặt bằng, dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Đà Nẵng tiếp tục đứng trước nguy cơ lỡ hẹn về đích, khi đối mặt với “bão giá” nhiên, vật liệu. Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây có tổng mức đầu tư 1.499 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2018, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2021. Với chiều dài hơn 19 km, nối Quốc lộ 14B với đường Hồ Chí Minh, đây là dự án giao thông trọng điểm của TP. Đà Nẵng.Nhưng đến nay, Dự án chỉ là chuỗi đoạn đứt gãy. Sốt ruột với dự án trọng điểm này, TP. Đà Nẵng đã “chốt” thời hạn hoàn thành là ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến nay, nhiều đoạn vẫn chưa thi công xong nền đường, nhiều nơi còn tắc mặt bằng. Khối lượng công việc của dự án còn lại rất lớn, trong khi thời gian còn lại rất ít.Đại diện nhà thầu Tổng công ty Trường Sơn, đơn vị liên danh thi công Dự án cho biết, đáng ra, Dự án đã xong từ năm 2020, nhưng việc giải phóng mặt bằng rất chậm, khiến dự án kéo dài. Đến nay, trên phần thi công của nhà thầu Trường Sơn vẫn còn khoảng 800 m chưa giải phóng xong mặt bằng. Không riêng Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây, mà các dự án giao thông trọng điểm khác của TP. Đà Nẵng cũng đang chật vật xoay xở trong cơn “bão giá”. Ngoài ra, nguồn cung khoáng sản xây dựng thiếu hụt cũng khiến các dự án gặp khó…

- Giải pháp nào cho tình trạng thiếu vật liệu san lấp ở Đà Nẵng?   

+Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, san lấp và giá cả rất đắt đỏ đang khiến các nhà thầu ở Đà Nẵng than lỗ, gặp khó khăn về tiến độ khi thi công các công trình trọng điểm. Trong khi đó, TP Đà Nẵng vừa qua đã tổ chức đấu giá thành công hai mỏ với trữ lượng lớn (dự kiến 3.000.000 m3-PV) đất đồi nhưng đến nay vẫn chưa đưa mỏ vào khai thác.Cụ thể, Công ty CP Đầu tư khu đô thị Nam Cường (trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã trúng đấu giá mỏ đất san lấp thuộc xã Hòa Liên và xã Hòa Ninh với diện tích khoảng 10 ha với giá là trên 23,5 tỉ đồng. Công ty CP xây dựng thương mại Long Bình (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) trúng đấu giá mỏ còn lại cũng thuộc địa bàn 2 xã trên với giá trên 29,2 tỉ đồng. Phó giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh cho hay, theo quy định, sau khi kết thúc thăm dò, đánh giá trữ lượng thì 2 doanh nghiệp trên mới nộp đủ tiền trúng đấu giá (thời hạn cấp phép thăm dò là 7 tháng kể từ ngày 27-4-2022)…

- Thiếu đá xây dựng các công trình trọng điểm

+Dự báo trữ lượng đá phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình, nhà ở tư nhân và công trình trọng điểm, động lực trên địa bàn thành phố trong thời gian đến là rất lớn. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương nghiên cứu, khảo sát đề xuất UBND thành phố cho phép, tăng cường khai thác bảo đảm cung ứng nhu cầu đá xây dựng cho các công trình…Về lâu dài, trên cơ sở quy hoạch thăm dò khoáng sản làm vật liệu thông thường, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện khoanh định vùng, khu vực có tiềm năng để tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường...

 - Đà Nẵng: Đầu tư gần 15 tỷ đồng sửa chữa 6 khu chung cư:

+UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sửa chữa các khu chung cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022.6 khu chung cư được bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo đợt này gồm: Khu chung cư Làng cá Nại Hiên Đông vị trí 1, 2, 3 (8 đơn nguyên); Khu chung cư Hòa Hiệp 2 (5 đơn nguyên); Khu chung cư Phước Lý (2 đơn nguyên 4,5); Khu chung cư Nại Hiên Đông C2 (3 đơn nguyên B, C, D); Khu chung cư Cuối tuyến Bạch Đằng Đông (10 đơn nguyên); Khu chung cư Thu nhập thấp đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc (5 đơn nguyên).

- Đà Nẵng: Đáp ứng 70% vật tư y tế thông thường:

+Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết,tại thành phố Đà Nẵng, đối với những trang thiết bị y tế thông thường, hiện nay các cơ sở y tế đang áp dụng theo hình thức đấu thầu tập trung trong 2 năm, giai đoạn 2021 và 2023, có hiệu lực từ quý 4 năm 2021, cơ bản đáp ứng trên 70% những vật tư y tế thông thường. Hiện nay, do các biến động trên thế giới, đứt gãy những chuỗi cung ứng nên một số vật tư y tế đã trúng thầu, đã ký thoả thuận để cung cấp cho các đơn vị y tế cũng bị gián đoạn trong quá trình cung cấp. Trong đó thiếu nhiều nhất là mặt hàng thuỷ tinh thể…

- Cần sớm giải quyết tình trạng quá tải trường, lớp ở quận Liên Chiểu   

 +Tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 tại quận Liên Chiểu thời gian qua luôn quá tải. Trong năm học 2022-2023, tình trạng này tiếp tục lặp lại khiến không chỉ cha mẹ học sinh lo lắng mà cán bộ quản lý ngành giáo dục cũng “đau đầu”. Theo thống kê từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Liên Chiểu, số học sinh tăng bình quân hằng năm của quận ở mức 2.500 em. Trong khi đó, đầu tư xây dựng trường lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số, dẫn đến tình trạng quá tải học sinh trong nhiều năm nay. Phường Hòa Khánh Bắc là địa phương có dân số đông nhất của quận Liên Chiểu với hơn 50.000 dân, trong đó có khoảng 7.000 hộ thường trú, gần 1.000 hộ tạm trú. Hiện nay phường chỉ có duy nhất 1 trường THCS, 2 trường tiểu học nên học sinh của phường phải đi học tại các trường khác trên địa bàn phường lân cận, khiến phụ huynh học sinh bức xúc…

- Đà Nẵng hủy kết quả thi của thí sinh lộ đề tốt nghiệp THPT môn Toán:

+Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đã thông tin về vụ việc lộ đề thi Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hội đồng thi Đà Nẵng. Hội đồng thi sau khi làm việc với Công an thành phố về việc lộ đề thi môn Toán thì nhận được văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xử lý thí sinh và giáo viên coi thi theo quy định.Đối với học sinh vi phạm đã thi xong tất cả các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngày 18/7, Hội đồng thi đã mời thí sinh này lên làm việc và viết giải trình, biên bản xác nhận vi phạm sự việc. Hội đồng thi đã có quyết định hủy kết quả thi đối với thí sinh này…

- Đà Nẵng: Chưa gỡ được “nút cổ chai” ở cụm giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý     

+Tuyến đường sau khu trung tâm nhà hàng tiệc cưới nối với đường Bạch Đằng kéo dài tạo thành tuyến đường tuyệt đẹp chạy dọc bờ Tây sông Hàn (Đà Nẵng). Tuy nhiên bất cứ ai đi trên tuyến đường này đều thấy rất bất cập do ở nút giao đầu tuyến, mặt đường đang rộng rãi thì “bất ngờ” bị bóp nhỏ lại.Mặc dù dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý đã khánh thành, đưa vào hoạt động từ ngày 28/3/2022 nhưng tại công trình trọng điểm này của TP Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập. Một trong số đó là việc “nút cổ chai” ở khu vực giao giữa đường tuyến đường sau khu trung tâm nhà hàng tiệc cưới (trên đường 2/9) với đường nội bộ khu Đảo Xanh và đường gom cầu Trần Thị Lý cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Theo tìm hiểu củaDoanh nghiệp Việt Nam, trong suốt 2 năm thi công dự án (29/3/2020 – 28/3/2022), BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị với các cấp thẩm quyền; UBND TP Đà Nẵng cũng có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý đối với khu đất này nhưng cho đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ…

2/ Các tin khác về an ninh, an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông,môi trường báo chí đăng tải trong tuần:

- Đà Nẵng: Chặn bắt xe tải chở số lượng lớn sản phẩm làm đẹp nhập lậu:

+Xe tải chở số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, trong đó chủ yếu là mỹ phẩm làm đẹp cho phụ nữ, vừa bị bắt tại TP.Đà Nẵng khi đang trên đường đưa vào miền Nam tiêu thụ.Ngày 31.7, Công an Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) cho hay, qua kiểm đếm xác định số hàng hóa nhập lậu trên đường vận chuyển vào miền Nam, là gần 2.000 sản phẩm.Số hàng hóa trên xe đa phần là sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, ngoài ra còn có các loại động cơ, máy bơm, đồ chơi trẻ em, máy tập thể dục... Tài xế cho biết xe chở hàng từ Hà Nội vào TP.HCM, dọc đường có trả hàng ở nhiều tỉnh thành theo yêu cầu của người gửi.Lực lượng Công an Q.Liên Chiểu đã lập biên bản tạm giữ số hàng hóa nhập lậu nói trên để tiến hành xác minh và tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

- Đà Nẵng: Bắt xe tải chở rượu lậu trị giá gần 5 tỉ đồng:

+Ngày 2.8, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng cho biết vừa phá thành công chuyên án GA722, bắt thuốc lá, rượu lậu vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt qua địa bàn TP.Đà Nẵng.Trước đó, ngày 31.7, qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Trạm CSGT Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng) tiến hành kiểm tra một xe tải đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam khi vừa qua hầm đường bộ Hải Vân (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).Xe tải do ông N.X.H (ngụ Nghệ An điều khiển) vận chuyển 2.298 chai rượu ngoại các loại, trị giá lô hàng ước tính gần 5 tỉ đồng.

- Bắt đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 10 tỷ đồng rồi bỏ trốn:

+Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, vào tháng 12/2020, bà Ngọc nói với bà N.T.B.C là có quen biết với người làm ở Bộ Công an, có thể lo liệu pháp lý lô đất có giá trị cao ở khu vực đầu cầu Tuyên Sơn ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, rộng hơn 3.900 m2 với giá 20 tỷ đồng. Sau khi lo xong giấy tờ, Ngọc hứa sẽ mua lại lô đất trên với giá 400 tỷ đồng. Về nguồn gốc lô đất này, bà C. mua với giá 280 tỷ đồng, đã đặt cọc cho chủ đất 135 tỷ đồng. Khi đang giao dịch thì lô đất vướng pháp lý do liên quan đến một vụ án nên không thực hiện tiếp quá trình mua bán lô đất trên. Khi Ngọc nhận 20 tỷ đồng và viết giấy xác nhận, ghi rõ trong vòng 15 ngày sẽ lo liệu xong, nếu không được sẽ trả lại tiền cho bà C. 15 ngày sau, Ngọc không thực hiện được như đã nói nên trả lại 10 tỷ đồng. Số tiền còn lại, Ngọc nhiều lần hứa hẹn nhưng không trả…

- Đà Nẵng: Trục xuất hai người Trung Quốc nhập cảnh trái phép    

+Ngày 2.8, Công an TP.Đà Nẵng dẫn giải, làm thủ tục trục xuất 2 người Trung Quốc về hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.Hai người nhập cảnh trái phép bị bàn giao cho phía Trung Quốc gồm Xun Long Xiao (21 tuổi) và Zhou Fei Hua (25 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc).Trước đó, trong tháng 7.2022, cả hai nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để tìm đường vượt biên qua nước thứ 3 để kiếm việc làm.Ngày 11.7, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP.Đà Nẵng phát hiện Xun Long Xiao và Zhou Fei Hua không có các giấy tờ nhập cảnh hợp pháp nên tiến hành tạm giữ.

- Bắt giữ kẻ chuyên theo dõi người đi ôtô, rút tiền từ ngân hàng để trộm cắp:

+Nghi phạm khai nhận chuyên theo dõi người rút tiền tại các chi nhánh ngân hàng ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng rồi ra tay đập kính xe, trộm tài sản.Ngày 1-8, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Minh Nguyên Châu (44 tuổi, ngụ phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) để điều tra hành vi trộm cắp tài sản.Trước đó, ngày 28-7, Tổ tuần tra phòng chống tội phạm của Phòng CSHS Công an TP Đà Nẵng phát hiện nghi phạm Lê Minh Nguyên Châu đang đập vỡ kính ôtô Mazda của anh V.C.H (39 tuổi) tại giao lộ Lý Thái Tông - Phan Phu Tiên (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), nên lập tức bắt giữ…

- Đà Nẵng: Ngộ độc thực phẩm tập thể, 24 du khách phải nhập viện:

+Trước đó, ngày 2/8, Bệnh viện 199 lần lượt tiếp nhận 24 người, trong đó có 2 trẻ em (là du khách đến từ Hà Nội), nhập viện với cùng triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng quặn thắt do ngộ độc thực phẩm.Sau khi được điều trị, sức khỏe những người bị ngộ độc thực phẩm đã ổn đinh và lần lượt xuất viện. 6 người cuối cùng trong số những người bị ngộ độc thực phẩm sẽ được cho xuất viện vào sáng nay (3/8), lãnh đạo Bệnh viện 199 cho biết. Theo các du khách bị ngộ độc thực phẩm, đêm 1/8, họ cùng 100 người khác ăn uống tại một nhà hàng gần Bệnh viện 199 (đường Nguyễn Công Trứ, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), đến sáng 2/8 thì phải vào viện cấp cứu với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.

- Đà Nẵng: Kiểm tra 300 quán ăn sau vụ 34 du khách bị ngộ độc   

+Sau vụ 34 thực khách từ Quảng Ninh vào Đà Nẵng du lịch bị ngộ độc thực phẩm, ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng đang hoàn tất hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nhà hàng vi phạm…Thời gian tới, Ban Quản lý ATTP sẽ lập danh sách khoảng 300 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống để theo dõi thường xuyên. Đơn vị cũng phối hợp Sở Du lịch để huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ đảm bảo ATVSTP cho các cơ sở trên.

 - Đà Nẵng: Nhiều chuyển biến tích cực trong đảm bảo an toàn giao thông

+Chiều 4/8, Cục CSGT (Bộ Công an) đã có buổi làm việc với Công an TP Đà Nẵng về tình hình, kết quả triển khai thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm về TTATGT trên địa bàn thành phố từ ngày 20/6 đến 4/8…Thay mặt đoàn công tác của Cục CSGT, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT ghi nhận, đánh giá cao những kết quả bước đầu thực hiện cao điểm của lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an đối với công tác bảo đảm TTATGT, nỗ lực kiềm chế, kéo giảm TNGT bền vững, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá khổ, quá tải. Lãnh đạo Cục CSGT đề nghị trong thời gian tới, lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn nữa; tập trung cao nhất về lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để triển khai thực hiện nhiệm vụ,

- Nhiều chủ phương tiện vẫn chưa chấp hành tốt hiệu lệnh đèn giao thông

+Hiện nay, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố có không ít trường hợp người điều khiển các phương tiện thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Trong số đó, có nhiều người đi xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông nên tình trạng vượt đèn vàng, đèn đỏ vẫn xảy ra trên các tuyến phố. Hằng ngày, tại các nút giao thông trên nhiều tuyến đường như: Hải Phòng, Nguyễn Tất Thành, Ngô Quyền, Tôn Đức Thắng..., có rất đông phương tiện lưu thông. Nhiều người điều khiển phương tiện cố ý vượt đèn đỏ, lấn làn, không xi-nhan khi có ý định rẽ...Qua ghi nhận của phóng viên, tình trạng này thường xuyên xảy ra, nhất vào các khung giờ ít có sự xuất hiện của lực lượng tuần tra, kiểm soát như vào rạng sáng, trưa và tối muộn.

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông

+Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, từ đầu năm 2022 đến ngày 14-6, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản hơn 26.000 trường hợp vi phạm TTATGT. Qua đó, xử phạt với tổng số tiền trên 27,7 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 36 người, bị thương 35 người...Để bảo đảm TTATGT trong quý 3-2022 và cả năm 2022, lực lượng chức năng thành phố tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: chở hàng quá tải trọng, cơi nới thành thùng, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; xử lý các hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, đi ngược chiều, lấn làn, lấn đường, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% về cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2021. Theo Ban An toàn giao thông thành phố, thời gian tới lực lượng chức năng của thành phố nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT, tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; vi phạm về an toàn kỹ thuật phương tiện; chở quá tải, quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm; vi phạm các quy định khi tham gia giao thông tại các tuyến đường ngang qua đường sắt. Đặc biệt, thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 3-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Đà Nẵng khởi động dự án phân loại rác thải tại nguồn giai đoạn 2:

+Ngày 2/8, TP. Đà Nẵng phối hợp với Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản tổ chức hội thảo khởi động Dự án thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) giai đoạn 2 trên địa bàn.Dự án thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại TP. Đà Nẵng nằm trong chương trình hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của TP. Yokohama giai đoạn 2 (thực hiện đến năm 2024) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng kinh phí 15,63 tỷđồng.   

- Bất cập hoàn thổ sau khai thác khoáng sản

+Thành phố Đà Nẵng hiện có rất nhiều mỏ khai thác khoáng sản hết hạn giấy phép và phải tiến hành phục hồi môi trường. Tuy nhiên, dù là mỏ đã hết hạn khai thác 2 năm hay là mỏ hết hạn khai thác gần 8 năm thì đều có tình trạng phục hồi môi trường chậm, kém hiệu quả hay thậm chí là làm cho có. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều chiêu trò để “ứng phó” và để lại nhiều hệ lụy cho chính quyền và người dân địa phương…

 

ANH TRỊNH

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT