Chính sách mới về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2022
Đăng ngày 16-09-2022 14:26, Lượt xem: 108

​Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị hành trình tích hợp camera; Lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng giai đoạn 2022; Thời gian mở thầu sơ tuyển đối với dự án PPP; Quy định mới về nhập khẩu xe ô tô không nhằm mục đích thương mại; Quy định mới về quản lý ngoại hối đối với phát hành trái phiếu quốc tế…. là những chính sách mới về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2022.

Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị hành trình tích hợp camera

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.

Đối với hoạt động của xe taxi, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP quy định, xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

Cũng theo Nghị định số 47/2022/NĐ-CP, “không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi."

Nghị định số 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022.

Lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng giai đoạn 2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng giai đoạn 2022 quy định như sau:

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) gói thầu áp dụng hình thức: Đấu thầu rộng rãi; Chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa; Dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng; Gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, Trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;

- Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng gói thầu: Đạt tối thiểu 80% số lượng gói thầu; Đạt tối thiểu 70% tổng giá trị gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên đối với: Cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị; Tổ chức chính trị - xã hội; Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp công lập; Trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ.

Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT có hiệu lực ngày 16/9/2022.

Thời gian mở thầu sơ tuyển đối với dự án PPP

Có hiệu lực từ ngày 16/9/2022, Thông tư số 10/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đó, bên mời thầu phải tiến hành mở thầu và công khai biên bản mở thầu trên Hệ thống trong thời hạn không quá 02 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Bên cạnh đó, quy trình lập, phê duyệt E-HSMST dự án PPP như sau:

Bước 1: Bên mời thầu tổ chức lập E-HSMST trên Hệ thống.

Bước 2: Sau khi lập E-HSMST, bên mời thầu trình cơ quan có thẩm quyền để cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt E-HSMST.

Bước 3: Việc phê duyệt E-HSMST được thực hiện không qua mạng.

E-HSMST phải bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết để làm cơ sở cho nhà đầu tư chuẩn bị E-HSDST.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền, bên mời thầu đăng tải E-HSMST không đầy đủ thông tin hoặc thông tin không rõ ràng so với E-HSMST được phê duyệt dẫn đến gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc chuẩn bị E-HSDST thì cơ quan có thẩm quyền, bên mời thầu phải sửa đổi, bổ sung E-HSMST cho phù hợp và tiến hành đăng tải lại E-HSMST.

Quy định mới về nhập khẩu xe ô tô không nhằm mục đích thương mại

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 45/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.

Theo đó, Thông tư số 45/2022/TT-BTC quy định, hồ sơ nhập khẩu, tạm nhập khẩu gồm:

- Tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Mẫu số 01 - Tờ khai hàng hóa nhập khẩu Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.

- Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp.

- Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô).

- Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy/động cơ xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy).

- Giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật của đối tượng quy định ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính.

- Chứng từ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (nếu có).

Cũng theo Thông tư số 45/2022/TT-BTC, người khai hải quan khai đầy đủ các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan và gửi các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc nộp trực tiếp tại Chi cục Hải quan, chịu trách nhiệm bảo quản xe tại địa điểm được phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ thời điểm hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, nếu có đủ cơ sở xác định trị giá do người khai hải quan kê khai là chưa phù hợp với hàng hóa thực tế thì cơ quan hải quan phải xác định trị giá hải quan cho hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định, ban hành Thông báo trị giá hải quan.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Thông báo trị giá hải quan, nếu người khai hải quan không thực hiện khai bổ sung theo Thông báo trị giá hải quan thì cơ quan hải quan ban hành quyết định ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, xử lý vi phạm (nếu có).

Trường hợp người khai hải quan đủ điều kiện để được đưa hàng về bảo quản theo quy định thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai phân công công chức theo dõi, tra cứu kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, khi có kết quả kiểm tra phải yêu cầu ngay người khai hải quan thực hiện khai bổ sung (nếu có) và thông quan hàng hóa theo quy định.

Thông tư số 45/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 10/9/2022.

Quy định mới về quản lý ngoại hối đối với phát hành trái phiếu quốc tế

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-NHNN ban hành ngày 29/7/2022 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Theo đó, khi thực hiện chào bán trái phiếu, trường hợp giá trị khoản phát hành nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm, sau khi lựa chọn các tổ chức bảo lãnh phát hành, các đại lý và tư vấn pháp lý liên quan đến khoản phát hành và trước ngày xác định giá trái phiếu, tổ chức phát hành nộp các thành phần hồ sơ quy định.

Sau khi các thành phần hồ sơ quy định được ký chính thức giữa các bên liên quan, tổ chức phát hành hoàn thiện hồ sơ đăng ký khoản phát hành với các thành phần hồ sơ chính thức theo quy định.

Trường hợp kết quả của đợt phát hành làm thay đổi các thông tin tại Phần thứ ba Đơn đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế, tổ chức phát hành cập nhật và gửi lại Đơn đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế.

Trường hợp các hợp đồng, thỏa thuận ký chính thức có nội dung khác với các dự thảo đã gửi NHNN và không trái với các quy định của pháp luật liên quan, tổ chức phát hành gửi văn bản báo cáo rõ các nội dung thay đổi giữa hợp đồng, thỏa thuận chính thức và các dự thảo lần cuối tại hồ sơ sơ bộ đã gửi NHNN.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ sơ bộ đầy đủ, hợp lệ, NHNN kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp cần làm rõ, bổ sung hoặc chỉnh sửa nội dung có liên quan, NHNN có văn bản yêu cầu tổ chức phát hành hoàn thiện hồ sơ đăng ký khoản phát hành.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chính thức theo quy định, NHNN có văn bản xác nhận đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế gửi tổ chức phát hành. Trường hợp từ chối, NHNN có văn bản nêu rõ lý do.

Thông tư số 10/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2022.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác